Giải phẫu chỉnh hình cho trẻ em tàn tật: Thắp lên tương lai tươi sáng

Thứ năm, 07/11/2013 13:25

(Cadn.com.vn) - Trung tâm cứu trợ trẻ em tàn tật Đà Nẵng đang phối hợp với Bệnh viện chỉnh hình khám, sàng lọc và phân loại bệnh miễn phí cho trẻ em tàn tật trên địa bàn toàn thành phố.

Không dừng lại ở đó, Trung tâm còn chi phí cho việc phẫu thuật, phục hồi chức năng của trẻ. Từ chương trình ấy, những ước mơ tươi sáng sẽ lại được thắp lên trong tương lai.

Tô màu cho tương lai trẻ em tàn tật

Em Lâm Ngọc Bảo Trân (2004, trú: 114/ 32 Lê Đình Lý – Q. Thanh Khê) bị vẹo hai bàn chân và trật khớp háng từ khi lọt lòng mẹ. Tuổi thơ em lớn lên từng ngày, thế nhưng niềm khát khao đơn thuần là được đặt đôi chân xuống mặt đất để chạy, nhảy như chúng bạn dường như quá xa xôi.

Thuở nhỏ, Bảo Trân ở với gia đình nhưng khi bước vào tuổi đến trường, do trí tuệ của em không bằng các bạn cùng trang lứa nên Trân được gửi cho các cô trong nhà thờ nuôi dưỡng và dạy dỗ. “Nhiều lúc cháu  ngây ngô hỏi: Vì sao con không đi được như các bạn hả mẹ? Con cũng muốn đến trường và đùa vui cùng bạn bè...”-chị Phạm Thị Nam Minh, mẹ của Bảo Trân kể lại nỗi niềm của con mà mắt rưng rưng.

Chị Minh cho biết: “Gia đình tôi điều kiện khó khăn, muốn phẫu thuật để con khỏi bệnh nhưng không biết tìm đâu cho đủ chi phí. Nay được Trung tâm Cứu trợ trẻ em tàn tật tài trợ cho việc phẫu thuật, chỉnh hình tôi mừng lắm vì con tôi sẽ có cơ hội biết đi, thỏa niềm mong ước của cháu mà tôi cũng mãn nguyện”. Trong căn phòng nhỏ của Bệnh viện chỉnh hình, Bảo Trân nằm trên giường với đôi chân vừa phẫu thuật, em cười rất tươi vì nghe mẹ nói: “Mai này Bảo Trân sẽ biết đi”.

Luật gia Ngô Thị Ngọc Liên hỏi thăm sức khỏe cháu Lâm Ngọc Bảo Trân sau khi phẫu thuật.

Hoàn cảnh của chị Bùi Thị Như Thủy và anh Ngô Văn Bình (30 tuổi, trú Q.Thanh Khê) có con là Ngô Văn Thịnh (2 tuổi) bị chứng bại não có lẽ còn đáng thương hơn nhiều. Chị Thủy bộc bạch về những ngày tháng vui ít, buồn nhiều: “Đám cưới một thời gian em có thai, vợ chồng vui mừng vì đi khám cho kết quả em bé phát triển tốt”.

Niềm vui ấy tắt ngấm khi cháu Thịnh vừa cất tiếng khóc chào đời cũng là lúc gia đình nhận được tin dữ  “Cháu bé bị bại não, chân khoèo, tay mềm, hen suyễn... bẩm sinh”. Từ đó, cháu được nuôi trong lồng kính với chế độ chăm sóc đặc biệt, cho đến khi ra viện, về nhà.

Chị Thủy tâm sự: “Mong muốn lớn nhất đối với mình là phẫu thuật xong, cháu sẽ biết ngồi, biết đi. Có như vậy, mình mới có thể xin việc làm và lo cuộc sống cho cháu sau này, chứ một mình ba nó với nghề thợ nề không đủ sống và thuốc men nói gì đến chữa bệnh”. Các trường hợp khác như Ngô Văn Gia Huy (3 tuổi, P. Hòa Hiệp Bắc – Liên Chiểu) bị yếu tay trái, miệng mở; Nguyễn Văn An (12 tuổi, Yến Nê 2 – Hòa Tiến – Hòa Vang) bị cong xương chày; Bùi Mạnh Tuấn (12 tuổi, Hòa Minh – Liên Chiểu) bị trật khớp háng... Tất cả các em đến với chương trình phẫu thuật đều mang theo ước mơ về một tương lai tươi sáng.

Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Văn Ngọc Kỳ - Phó Giám đốc Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng khẳng định: Bệnh viện sẽ tạo mọi điều kiện để chương trình được tiến hành một cách tốt nhất cũng như ưu tiên miễn các khoản chi phí cho các trường hợp đặc biệt khó khăn.

Gia đình nhỏ của anh Bình, chị Thủy sẽ thêm phần hạnh phúc nếu cháu Thịnh được phục hồi chức năng.

Cần thêm những tấm lòng

Để trẻ em tàn tật đến với chương trình phẫu thuật, Trung tâm Cứu trợ trẻ em tàn tật thành phố đã gửi thông báo đến các xã, phường, quận, huyện, giấy mời đến từng hộ gia đình có con em bị tàn tật, hoàn cảnh khó khăn.

Luật gia Ngô Thị Ngọc Liên – Giám đốc Trung tâm cho biết: “Dù mới thành lập hơn 2 năm nhưng Trung tâm đã và đang cố gắng thực hiện các hoạt động cứu trợ cho trẻ em tàn tật trên địa bàn thành phố. Đã có hàng trăm trẻ em tàn tật được châm cứu, phục hồi một phần sức khỏe và chức năng cơ thể trong thời gian qua. Đến nay, Trung tâm tiếp tục phối hợp với bệnh viện chỉnh hình khám, sàng lọc và phân loại bệnh cho trẻ em tàn tật, sau đó tiến hành tài trợ để các cháu được phẫu thuật và điều trị lâu dài không hạn chế số lượng và thời gian”.

Bà Liên cũng chia sẻ thêm về những khó khăn hiện tại của Trung tâm: “Nguồn kinh phí eo hẹp nên Trung tâm gặp rất nhiều khó khăn khi hoạt động trong công tác cứu trợ. Với tư cách là người đứng đầu Trung tâm, tôi mong muốn được các tổ chức, cá nhân quan tâm tài trợ tạo điều kiện cho hoạt động cứu trợ trẻ em tàn tật trên địa bàn thành phố”.

Đà Nẵng hiện có khoảng 5.000 trẻ em tàn tật, trong đó đa số các em đều có hoàn cảnh khó khăn. Để tương lai của các em thêm tươi sáng không chỉ cần có tấm lòng của những người làm công tác từ thiện, xã hội như Luật gia Liên, bác sĩ Kỳ mà cũng rất cần những tấm lòng hảo tâm của Mạnh Thường Quân xa gần.

Hà Giang