Giải quyết người nghiện ma túy tại Đà Nẵng: Những tín hiệu lạc quan

Thứ hai, 19/01/2015 09:00

(Cadn.com.vn) - Luật Xử lý vi phạm hành chính đã có hiệu lực thi hành đầy đủ (ngày 1-1-2014) đã 1 năm và xáo trộn không ít trong công tác tập trung cai nghiện. Tại Đà Nẵng, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, "bài toán khó" đưa người nghiện ma túy vào trung tâm cai nghiện bắt buộc đã có lời giải...

Bài toán khó

CATP Đà Nẵng là một trong những đơn vị trực tiếp tham mưu cho Thành ủy, UBND thành phố để giải quyết vấn đề người nghiện, trong đó, Phòng CSĐTTP về Ma túy là lực lượng chủ công, trực tiếp. Đại tá Nguyễn Văn Hoa, Trưởng Phòng CSĐTTP về Ma túy CATP cho rằng: Trước tiên, phải thừa nhận tính tích cực của Luật Xử lý vi phạm hành chính liên quan đến người nghiện. Đó là Luật hướng đến tôn trọng quyền con người. Theo Đại tá Hoa, trong xu thế hội nhập, vấn đề quyền con người luôn được đề cao. Nói như vậy không có nghĩa trước đây chúng ta không coi trọng quyền con người khi xử lý người nghiện ma túy, mà vì trước đây việc xử lý người nghiện có phần đơn giản hơn, thẩm quyền, thủ tục, quy trình thiếu chặt chẽ (chỉ cần phát hiện dương tính với ma túy thì có thể làm thủ tục đưa vào trung tâm cai nghiện bắt buộc ngay).

Còn hiện nay, việc đưa người nghiện vào trung tâm trải qua nhiều khâu, liên quan đến nhiều ngành, lĩnh vực và phải do Tòa án ra quyết định. "Việc xử lý theo quy trình cũ chuyển sang quy trình mới chặt chẽ hơn sẽ không tránh khỏi trở ngại, làm cho bộ phận chức năng thực hiện trong thực tế gặp nhiều vướng mắc. Thêm vào đó, hệ thống hướng dẫn của các bộ, ban, ngành cấp trên cũng chưa theo kịp tình hình... làm cho công tác xử lý người nghiện ma túy từ đầu năm 2014 đến nay tại nhiều địa phương gặp không ít khó khăn", Đại tá Hoa nhìn nhận.

Ngoài việc tăng cường xử lý người nghiện, công tác đấu tranh với tội phạm mua bán trái phép chất ma túy luôn được lực lượng CA chú trọng.

Thời gian đầu áp dụng quy định mới của Luật, Đà Nẵng cũng không tránh khỏi tình trạng bế tắc này. Tại hội nghị sơ kết 6 tháng công tác phòng chống ma túy, mại dâm và HIV/AIDS được tổ chức vào ngày 25-6-2014, có rất nhiều ý kiến nêu lên thực trạng đáng báo động, đó là tình hình sử dụng ma túy trên địa bàn thành phố, số người nghiện phát sinh mạnh, nhiều lúc vượt khỏi tầm kiểm soát; công tác xử lý gặp nhiều vướng mắc; nhận thức của các cấp ngành trong việc xử lý không được thống nhất nên vướng mắc, rối rắm...

Đơn cử theo quy định của Luật, nếu phát hiện người nghiện thì tiến hành lập hồ sơ, sau đó chuyển cho người nghiện đọc hồ sơ trong vòng 5 ngày, tiếp đến lại chuyển qua Phòng Tư pháp của quận (huyện) để thẩm định trong 5 ngày (nếu suôn sẻ, đầy đủ tính pháp lý thì thôi, còn không lại phải trả về nơi ban đầu để bổ sung và lại mất thêm thời gian). Tư pháp thẩm định xong rồi mới chuyển qua cho Phòng LĐ-TB-XH (7 ngày), thẩm định xong (nếu suôn sẻ) mới chuyển qua Tòa án duyệt (trong vòng 15 ngày). Tính sơ cũng mất ít nhất 32 ngày mới hoàn thành một bộ hồ sơ, thủ tục để đưa một người nghiện vào trung tâm.

Giải pháp khả thi

Trước thực trạng đó, tại hội nghị sơ kết 6 tháng, CATP đã đề xuất với lãnh đạo cấp trên chỉ đạo các ngành liên quan phải làm việc theo chế độ tập thể, bằng cách lập "Tổ tư vấn xét duyệt hồ sơ đề nghị đưa đối tượng vào trung tâm cai nghiện bắt buộc", thành phần gồm công an, y tế, LĐ-TB-XH, tư pháp quận (huyện). Các đơn vị này cùng thảo luận, đánh giá thủ tục, trình tự, tính pháp lý... của hồ sơ, sau đó lập biên bản cuộc họp, đề nghị Phòng LĐ-TB-XH làm tờ trình và chuyển qua tòa án. Nếu làm theo trình tự này thì sẽ rút ngắn được rất nhiều thời gian, có thể đưa người nghiện từ lúc bị phát hiện vào trung tâm từ 32 ngày xuống còn 3 ngày.

"Đây là sáng tạo, linh hoạt, nếu cứ làm theo kiểu máy móc như quy định thì sẽ mất nhiều thời gian, nhiều bất cập nảy sinh trong lúc chờ xét duyệt (người nghiện có thể bỏ trốn trong thời gian chờ đọc hồ sơ). Ngược lại, làm theo cách này sẽ tiết kiệm được thời gian, chi phí"..., Đại tá Nguyễn Văn Hoa cho biết.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, ngày 20-8, Thành ủy Đà Nẵng ban hành Chỉ thị 37 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn. Chỉ thị đề ra 11 nhiệm vụ và giải pháp, mục đích cuối cùng là kéo giảm tội phạm và người sử dụng ma túy, kiểm soát, không để tình trạng kéo dài. Qua nhiều lần dự thảo, đóng góp ý kiến, các ngành liên quan mở các lớp tập huấn..., ngày 6-9, UBND thành phố ban hành Quyết định 28 về Quy chế phối hợp lập hồ sơ và tổ chức cai nghiện ma túy, nhằm cụ thể hóa, pháp luật hóa hoạt động của "Tổ tư vấn xét duyệt hồ sơ đề nghị đưa đối tượng vào trung tâm cai nghiện bắt buộc". Tín hiệu khả quan cho thấy, chỉ sau 2 tháng, Tòa án đã ra quyết định đưa được 12 người nghiện có nơi cư trú ổn định, 24 người không có nơi cư trú ổn định (đang tạm trú tại các cơ sở xã hội) vào trung tâm cai nghiện bắt buộc; 11 người tự nguyện đi cai nghiện và 49 người đã hoàn tất hồ sơ chờ tòa ra quyết định. Tổng cộng có 96 người đã và đang được đưa đi cai nghiện theo quy định của Luật Xử lí vi phạm hành chính.

Đáng lưu ý, từ khi có Quyết định 28, số người tự nguyện đi cai nghiện tập trung tại Đà Nẵng tăng dần (các năm trước đây rất ít, thậm chí không có). Đây là tín hiệu đáng mừng, bởi một khi người nghiện tự nguyện, tức là họ thấy được cái sai của mình, tác hại của ma túy, vì thế hiệu quả của công tác cai nghiện tốt hơn nhiều. Bên cạnh thực hiện theo Quyết định 28, thành phố cũng đa dạng hóa các hình thức cai nghiện khác. Nghĩa là cho người nghiện tự nguyện đăng ký một hình thức cai nghiện phù hợp. Có thể là cai nghiện tại gia đình, cộng đồng; vừa kết hợp giáo dục tại xã, phường, thị trấn (về hành vi vi phạm pháp luật), vừa tạo điều kiện cho họ cai nghiện ma túy tại địa phương; tổ chức cho họ đăng kí sử dụng methadol để điều trị thay thế các chất gây nghiện dạng thuốc phiện...

"Với cách làm vừa nhanh nhạy, vừa chặt chẽ, lại đúng luật nên tất cả các đối tượng đều được đảm bảo về hồ sơ, thủ tục pháp lý, đồng thời rút ngắn được nhiều thời gian, công sức, kinh phí... Đây là bước đi rất cẩn thận nhưng linh hoạt, thể hiện được trách nhiệm của các ngành trong việc tham mưu cho lãnh đạo thành phố giải quyết rốt ráo người nghiện hiện nay, mở ra hướng làm rất hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực cho chính bản thân người nghiện, gia đình và toàn xã hội", Đại tá Nguyễn Văn Hoa chia sẻ.

Doãn Hùng