Giảm tiền điện mùa nắng nóng

Chủ nhật, 10/05/2020 17:07

Trước tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài, việc sử dụng nhiều các thiết bị làm mát trong gia đình dẫn đến giá điện liên tục tăng cao. Để tiết kiệm, nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ gia đình lựa chọn lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời mái nhà. Đây không chỉ giải pháp tiết kiệm điện năng, góp phần bảo vệ môi trường, mà còn được xem là sự đầu tư hợp lý trong thời điểm hiện nay.    

Công nhân điện lực Thành phố Quảng Ngãi đang triển khai thi công lưới điện

Nhu cầu sử dụng điện tăng cao

Theo thống kê số liệu về tình hình sản lượng điện tiêu thụ của khách hàng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi thì lượng điện cho sinh hoạt tăng cao hơn so với lượng điện ngoài sinh hoạt. Bình quân 4 tháng đầu năm 2020 tăng so với tháng 1/2020 là 6,35%, ngoài sinh hoạt tăng 5,04%; Trong đó, tháng 4/2020 điện sinh hoạt tăng 25,4% so với tháng 1/2020. Sở dĩ, có sự khác biệt này là do điện sản xuất phụ thuộc vào số ngày sử dụng trong tháng; đồng thời do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 dẫn đến một số đơn vị sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi cũng tạm ngừng hoạt động.

Nguồn khí ngày càng giảm, chi phí đầu tư ngày càng lớn, nhu cầu cung ứng điện cho phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng và nhu cầu dùng điện của người dân ngày càng tăng dẫn đến nguy cơ mất ổn định hệ thống lưới điện, mất cân đối cung cầu. Bên cạnh đó, với việc thực hiện Nghị định 16 của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội thời gian qua, đa số người dân có xu hướng ở nhà nhiều hơn, sử dụng các thiết bị làm mát nhiều hơn, dẫn đến sản lượng điện tiêu thụ sinh hoạt trong gia đình tăng cao so với những năm trước.  

Khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả

Ảnh hưởng của dịch Covid-19 gây ảnh hưởng đến việc phát triển kinh tế - xã hội nói chung và đời sống dân sinh nói riêng. Để góp phần chia sẻ khó khăn với người dân, Chính phủ đã thực hiện giảm giá điện sinh hoạt 3 tháng từ tháng 5 đến tháng 7/2020. Tuy nhiên, để tiền điện không tăng quá mức, ảnh hưởng đến chi tiêu của các hộ gia đình, Công ty Điện lực Quảng Ngãi kêu gọi khách hàng, người dân thật sự quan tâm, hành động thiết thực để sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.

 

Mọi người hãy sử dụng điện theo nguyên tắc 4 đúng: “đúng lúc, đúng chỗ, đúng cách và đúng nhu cầu”, hãy “tắt thiết bị khi không sử dụng”. Đặc biệt, cài đặt máy lạnh để nhiệt độ phòng chênh lệch không quá nhiều so với nhiệt độ ngoài trời (chênh lệch 5 độ C), nên dùng quạt thay cho máy lạnh khi không quá nóng. Đồng thời, hạn chế sử dụng các thiết bị tiêu tốn nhiều điện trong giờ cao điiểm. Hãy tận dụng tối đa ánh sáng trời và thông gió tự nhiên.

Ngoài ra, với các gia đình có điều kiện, nhằm hạn chế việc hóa đơn tiền điện tăng cao mùa nắng nóng, khách hàng hãy lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà, với rất nhiều lợi ích mà điện mặt trời đem lại như: có điện để sử dụng, điện thừa bán cho ngành Điện, làm mát mái nhà.

Hiệu quả đầu tư điện mặt trời mái nhà

Tính từ đầu năm 2017 đến nay, Công ty Điện lực Quảng Ngãi đã triển khai lắp đặt hệ thống điện mặt trời cho hơn 322 khách hàng trên địa bàn toàn tỉnh Quảng Ngãi với các đối tượng là khách hàng sản xuất - kinh doanh - dịch vụ, sinh hoạt trong gia đình. Tổng công suất đặt là 3.282,71kWp, sản lượng phát lên lưới đến tháng 4/2020 là 188.383kWh. Riêng trong năm 2020, đã phát triển được 53 khách hàng, công suất đặt là 512,61 kWp, đạt 3,42% so với kế hoạch.

Một hộ gia đình nếu lắp đặt hệ thống điện mặt trời có công suất từ 3-5 kWp; bình thường mỗi kWp một ngày sản xuất khoảng 4 - 4,5 kWh, thì khoảng 6 đến 8 năm sẽ thu hồi vốn. Đối với các hộ gia đình sử dụng nhiều điện vào ban ngày thì thời gian thu hồi vốn nhanh hơn, vì giảm được sản lượng điện bậc thang cao, đem lại lợi ích nhiều hơn.

Lắp đặt điện mặt trời cho hộ gia đình

Đầu tư lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời mái nhà từ tháng 6/2019 gia đình anh Nguyễn Hữu Thành, địa chỉ tại 30 Chu Văn An, TP. Quảng Ngãi đã cho thấy hiệu quả rõ rệt. Anh Thành chia sẻ, “Với tổng chi phí đầu tư ước tính là 145 triệu đồng để thi công lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà với công suất tương đương khoảng 10 kWp. Kể từ khi đầu tư lắp đặt hệ thống ĐMTMN đến nay, ngoài việc sử dụng điện cho mục đích sinh hoạt của gia đình, gia đình anh đã bán lượng điện thừa cho ngành điện với sản lượng 6.768 kWh điện, tương đương khoảng 15 triệu đồng (trung bình 1,5 triệu đồng/tháng. Mỗi tháng, gia đình anh chỉ phải chi trả khoảng 965.000 tiền điện, so với trước khi lắp đặt giảm được 2.166.000 đồng/tháng”.

“Với nhiều hình thức đầu tư hệ thống điện mặt trời đa dạng như hiện nay, khách hàng có quyền lựa chọn cho mình cách đầu tư mang lại hiệu quả kinh tế. Khách hàng lắp đặt hệ thống điện mặt trời để hoà vào lưới điện, sản lượng điện dư thừa sẽ phát ngược lên lưới, bán lại cho ngành điện, hoặc là bán hết cho ngành điện, hoặc khách hàng tự lắp đặt và sử dụng điện do mình sản xuất ra. Tuy nhiên, dù với hình thức đầu tư nào thì ngành điện cũng khuyến cáo người dân nên vừa sử dụng điện mặt trời vừa sử dụng điện lưới. Như vậy sẽ không bị lãng phí điện sản xuất ra và cũng không lo bị thiếu điện khi trời không có nắng”- Anh Huỳnh Trọng Nguyễn, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty cho biết.

Chính phủ đã ban hành Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích sử dụng điện mặt trời tại Việt Nam, có hiệu lực từ ngày 22/5/2020.  Sau 9 tháng chờ đợi kể từ khi Quyết định 11/2017/QĐ-TTg hết hiệu lực vào ngày 30/6/2019, giá mua điện cố định với các dự án điện mặt trời cũng đã được ban hành và sẽ còn hiệu lực trong hơn 6 tháng nữa.

Sau khi lắp đặt điện mặt trời, khách hàng có thông báo thì ngành Điện sẽ phối hợp nghiệm thu và lắp đặt công tơ 2 chiều để ghi nhận sản lượng. Với những lợi ích thiết thực khi lắp đặt hệ thống điện mặt trời, Công ty Điện lực Quảng Ngãi kêu gọi mọi khách hàng hãy quan tâm, bố trí nguồn tài chính để đầu tư nhằm đem lại hiệu quả kinh tế gia đình và xã hội.