Gian nan chuyện dạy - học ở A Lưới

Thứ tư, 01/06/2016 08:57

(Cadn.com.vn) - Dù các thầy cô giáo, chính quyền địa phương đã vào cuộc nhưng tình trạng học sinh bỏ học (HSBH) ở huyện vùng cao A Lưới, tỉnh TT-Huế vẫn kéo dài dai dẳng. Điều đáng nói, nhiều em HS cấp 2 là người dân tộc Pa Cô, Tà Ôi... sau khi bỏ học đã đi vào Nam lao động, nhưng gia đình không hề hay biết ai là người đưa đường dẫn lối.

 

Bỏ học dai dẳng

Ông Trần Duy Nguyên, Trưởng phòng Giáo dục H. A Lưới cho biết: Cũng như các năm trước, năm học 2015-2016, huyện có khoảng 100 HSBH, chủ yếu là HS cấp 2. Để giảm tối đa tình trạng HSBH, Phòng đã yêu cầu các trường học nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện để giảm tỷ lệ học sinh yếu kém. Để làm được điều này, ngay từ đầu năm học, Phòng đã yêu cầu các trường tiến hành phân loại học lực của học sinh, chọn những giáo viên có năng lực chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm tốt tiến hành phụ đạo, bồi dưỡng kiến thức cho những học sinh yếu kém. Cũng theo ông Nguyên, hầu hết HS học xong cấp 2 đều có nguyện vọng học tiếp nhưng do huyện miền núi đặc biệt khó khăn nên rất nhiều em không có điều kiện học tiếp.

Trường THCS Quang Trung đóng tại X. Hồng Thượng với 530 HS người DTTS, là điểm trường của HS 4 xã: Nhâm, Hồng Thượng, Hồng Quảng, Hồng Thái. Thầy Thái Nam, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, năm học này, trường có 17 em HSBH, nguyên nhân phần lớn là do hoàn cảnh quá nghèo, trong đó HS hộ nghèo chiếm 80%, hộ cận nghèo 18% và khoảng 2% là hộ trung bình hoặc khá. Theo thầy Thái Nam, để hạn chế tình trạng bỏ học, đã nhiều năm nay, cứ vào đầu năm học mới, nhà trường phải mua sách cho HS toàn trường mượn. Trước khi vào học 2 tuần, thầy cô giáo đem sách đến tận nhà để phát cho các em. “Đối với tiền BHYT, nhà trường cũng không dám thu vì nếu thu sợ các em bỏ học, có trường hợp hết cả học kỳ nhưng vẫn không thu được”, thầy Nam chia sẻ.

Gần 20 năm làm giáo viên chủ nhiệm, cô giáo Lê Thị Bình (Trường THCS Quang Trung) vẫn không nhớ hết mình đã đến nhà của bao nhiêu HS để vận động các em trở lại trường. “Ban ngày thì đi dạy, tối nhờ chồng chở đến nhà các em ở tận vùng biên giới Việt-Lào để vận động các em đi học. Mình đến giải thích, chia sẻ, thuyết phục ngày này qua ngày khác các em mới chịu quay trở lại trường. Nhưng có em chỉ đi học 2, 3 hôm lại nghỉ, mình lại tiếp tục tìm đến nhà các em để vận động. Thế nhưng, có nhiều trường hợp sau khi bỏ học, dù mình cũng như các thầy cô đồng nghiệp đã cố gắng thuyết phục, vận động nhưng các em vẫn nhất định không chịu đến trường”, cô Bình giọng trầm buồn. 

 

Hé lộ đường dây lao động bất hợp pháp

Cô Lê Thị Thúy Hồng, giáo viên Trường THCS Quang Trung dẫn chúng tôi đến nhà em A Lăng Thị Hinh (người Tà Ôi, trú xã Nhâm, học sinh lớp 9) khi trời đã xế trưa. Nhà của Hinh nằm lọt thỏm giữa núi rừng, sát vành đai biên giới Việt- Lào. Anh A Vẹt - bố của Hinh, người lấm lem vừa trở về từ rẫy cho hay: “Gia đình tui có 3 người con, Hinh là con gái đầu. Một ngày đầu tháng 2-2016, khi lên rẫy về vợ chồng tui đã không thấy Hinh ở đâu, hỏi mấy người hàng xóm thì họ nói cũng không thấy. Khoảng 3 tháng sau, Hinh mới gọi về nói đang ở trong TP Hồ Chí Minh”. Anh Vẹt cho biết Hinh nói rằng ở nhà khổ quá nên muốn đi làm ăn xa. Còn hỏi đi với ai thì Hinh nói có người quen dẫn đi, nhưng khi hỏi tên thì con bé nói không biết. “Từ nhỏ đến lớn, Hinh chưa bao giờ đi ra khỏi huyện. Chắc chắn là có người đưa Hinh đi. Bây chừ tui buồn lắm, muốn tìm con cũng không biết đường”, anh A Vẹt buồn nói.

Câu chuyện của Hinh chỉ là một trong số các trường hợp bỏ học ở huyện vùng cao A Lưới, rồi sau đó vào Nam đi làm mà nhiều gia đình không hay biết ai đã đưa các em đi. Em A Viết Thiên ở xã Nhâm sau khi bỏ học cũng được một người lạ dẫn vào TP Hồ Chí Minh may áo gió, vừa trở về quê. Theo em A Viết Thiên, trong đó có một số xưởng may, có nhiều em chỉ mới 14, 15 tuổi đến từ nhiều tỉnh như: Thanh Hóa, Nghệ An...

Theo Chủ tịch UBND X. Nhâm, sau Tết 2016, tình trạng đối tượng đưa lao động lại rộ lên nhưng họ không đến địa bàn A Lưới mà chỉ ở dưới Huế gọi điện, sau đó hẹn địa điểm rồi đưa đi. Sắp tới, xã sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng để sớm đưa các em trở về địa phương.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND H. A Lưới cho rằng, dù chính quyền địa phương rất nỗ lực ngăn HSBH nhưng thực trạng này vẫn dai dẳng ở huyện vùng cao. Nguyên nhân các em nghỉ học vì gia đình quá nghèo khó. Một số sau khi bỏ học thì ở nhà, một số theo ba mẹ làm rẫy và điều đáng báo động là một số đi lao động ở các địa phương khác. Trước tình trạng này, huyện đã chỉ đạo các giải pháp như: tập trung tuyên truyền để các em và gia đình hiểu rõ vấn đề bỏ học ảnh hưởng đến gia đình và xã hội như thế nào; tăng cường phối hợp với cơ quan chức năng để giáo dục các em. Đặc biệt, kiểm soát tình trạng các em bỏ học để lao động trái phép ở một số địa phương.

“Sau khi huyện yêu cầu, lực lượng công an và biên phòng huyện đã vào cuộc tuyên truyền đến các già làng, trưởng bản, người có uy tín. Đồng thời, đã xác lập chuyên án, bước đầu đã xác định được đối tượng mai mối, cò mồi đưa lao động trái phép ở A Lưới đi làm việc trong Nam. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho nguy cơ bỏ học ở A Lưới gia tăng”, ông Hùng khẳng định.

Hải Lan

Giáo viên vùng cao thường hay chia sẻ, tìm hiểu hoàn cảnh các em học sinh DTTS để ngăn HSBH. Anh A Vẹt nói sau khi con gái tự ý bỏ học, gia đình không biết ai đã đưa cháu vào Nam làm ăn.