Báo động nạn học sinh vùng cao bỏ học giữa chừng

Thứ năm, 10/03/2016 09:41

(Cadn.com.vn) - Năm nào cũng vậy, sau Tết Nguyên đán là nhiều học sinh dân tộc thiểu số ở vùng miền núi tỉnh Quảng Trị bỏ học giữa chừng. Mặc dù ngành Giáo dục và chính quyền địa phương tìm mọi cách vận động, tuyên truyền và có chính sách hỗ trợ gia đình để các em trở lại trường nhưng đành bất lực.

Trường THPT A Túc (huyện miền núi Hướng Hóa, Quảng Trị) với đa phần học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Đã tròn 1 tháng sau kỳ nghỉ Tết nhưng nhiều học sinh vẫn chưa trở lại trường. Đại diện nhà trường cho biết, học kỳ 1 vừa qua, trường có 39 học sinh bỏ học, nhất là sau Tết Bính Thân, chiếm hơn 1/10 học sinh toàn trường. Vào giờ học, lớp nào cũng có 5, 7 chỗ trống. Thầy Hoàng Ngọc Tứ, Chủ nhiệm lớp 10B2 Trường THPT A Túc, buồn rầu: "Đầu năm học, sĩ số của lớp là 43, nay chỉ còn 33 em. Sau mỗi kỳ nghỉ hè, Tết, giáo viên phải lặn lội đến từng nhà để vận động các em trở lại trường. Nhiều em ở cách xa trường vài chục cây số, đi lại vất vả nhưng giáo viên vẫn kiên trì vượt đèo, lội suối đến từng nhà để thuyết phục. Nhiều em cũng quyết tâm đi học lại nhưng được vài hôm rồi nghỉ. Thậm chí khi giáo viên đến nhà vận động thì các em bỏ trốn hoặc gia đình từ chối gặp mặt nên giáo viên cũng nản lòng".

Lớp 10B2 Trường THTP A Túc trống nhiều bàn do học sinh bỏ học sau Tết.

Theo chân giáo viên nhà trường, chúng tôi đến nhà của em Hồ Văn Noi (HS lớp 10 Trường THPT A Túc ở thôn A Mo Rơ, xã A Xing). Đã giữa trưa nhưng Noi vẫn còn ở trên nương thu hoạch sắn giúp cha mẹ chưa về. Ngôi nhà sàn nhỏ của gia đình Noi trống hoác. Ông Hồ Thừa, bố của Noi ngồi co ro bên bếp lửa ngần ngại kể, trước Tết gia đình phải thuê người đi thu hoạch sắn. Nay cả 2 vợ chồng bị ốm, không có ai làm nên 4 tháng nay Noi phải nghỉ học để đi làm trả công cho người ta. Mấy hôm trước, thầy cô đến nhà gặp gỡ, động viên gia đình cho con đi học lại nhưng Noi không chịu. Noi sợ bỏ học lâu ngày giờ học lại  không theo kịp bạn bè. Ông Thừa cho biết thêm, cũng vì kinh tế gia đình quá khó khăn mà 3 năm trước, chị gái của Noi là Hồ Thị Nem cũng phải nghỉ học giữa chừng khi đang học lớp 10, rồi lấy chồng.

Chuyện học sinh bỏ học giữa chừng diễn ra phổ biến ở vùng cao miền Tây tỉnh Quảng Trị. Thống kê của Sở GD-ĐT tỉnh, riêng học kỳ 1 năm học này có gần 550 em bỏ học, tập trung chủ yếu ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số 2 huyện miền núi Hướng Hóa và Đa Krông. Trong đó, học sinh khối THPT chiếm hơn một nửa.

Ông Hoàng Đức Thắm, Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị cho biết, thực hiện chính sách đối với học sinh dân tộc thiểu số, các em được miễn học phí, miễn đóng tiền xây dựng trường. Nhà nước còn trợ cấp mỗi em 15 kg gạo, 70.000 đồng phí học tập mỗi tháng nhưng không thể tiếp tục đến trường. Nguyên nhân chủ yếu do các em học lực quá yếu. Ở bậc tiểu học và THCS, các em bị hổng kiến thức, khi lên cấp THPT chương trình khó hơn, không theo kịp nên học sinh chán nản rồi bỏ học. Mặt khác, do địa hình cách trở, học sinh ở quá xa trường nhưng nhiều nơi chưa bố trí được mô hình bán trú nên học sinh bỏ học. Kinh tế gia đình quá khó khăn, nhiều em phải nghỉ học lên nương rẫy để phụ giúp gia đình. Tình trạng nữ sinh tảo hôn, lấy chồng sớm ở vùng đồng bào dân tộc còn khá phổ biến, trong khi phụ huynh chưa quan tâm đúng mức đến chuyện học của con em. Một thực tế khác nữa, tỷ lệ sinh viên ra trường thất nghiệp quá nhiều. Nhìn các anh chị đi trước học xong không có việc làm khiến các em học sinh không có động lực ham học.

Cũng theo ông Thắm, thời gian qua, Đảng và Nhà nước có rất nhiều chế độ, chính sách ưu đãi đối với đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn, nhưng nhiều gia đình vẫn còn quá khó khăn. Khi cái ăn chưa đảm bảo thì sự học cũng khó thành. "Tôi nghĩ bây giờ phải có giải pháp tổng hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội và  trách nhiệm của gia đình là quan trọng nhất", ông bày tỏ.

Tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng đang diễn ra  tại tỉnh Quảng Trị cũng là thực tế đáng báo động ở nhiều địa phương khác trong cả nước. Các cấp, các ngành phải vào cuộc có giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ để hạn chế tình trạng này.

Nhuận Minh Hoàng