Gian nan cứu biển Đà Nẵng

Thứ sáu, 07/04/2017 10:11

(Cadn.com.vn) - Mùa du lịch với nhiều lễ hội lớn sắp diễn ra tại Đà Nẵng mà các hoạt động gắn với biển là điểm nhấn thu hút du khách. Tuy vậy, bãi biển Đà Nẵng đang bị xâm thực, sạt lở, nhiều cống nước thải vẫn tràn ra biển mà chưa được xử lý căn cơ. Tất cả đang đặt ra thách thức không hề nhỏ…

Cách nào chống sạt lở bờ biển?

Lượng du khách đổ về Đà Nẵng trong 3 tháng đầu năm 2017 tăng hơn 29%, trong đó khách quốc tế tăng hơn 58%, tổng doanh thu từ du lịch hơn 3,9 ngàn tỷ đồng là con số rất ấn tượng. Trong mùa cao điểm du lịch từ tháng 4 trở đi, Đà Nẵng với lợi thế là TP biển, có nhiều hoạt động lễ hội lớn như Cuộc thi trình diễn pháo hoa quốc tế, Lễ hội ánh sáng, Đại hội du lịch golf Châu Á... hứa hẹn sẽ thu hút lượng lớn du khách đổ về. Việc cứu bãi biển khỏi sạt lở, không ô nhiễm phục vụ du khách càng trở lên cấp bách, tuy nhiên hiện rất gian nan. Ông Lê Quang Nam- Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Đà Nẵng cho biết, trên toàn tuyến bờ biển Sơn Trà- Ngũ Hành Sơn hiện có 6 điểm sạt lở với chiều dài 950m. Qua khảo sát sơ bộ từ các chuyên gia, hiện tượng xâm thực này xuất hiện hàng năm khi có gió mùa Đông Bắc từ tháng 8, tuy nhiên sạt lở vào tháng 1 và 2 vừa qua là bất thường, có phần nghiêm trọng hơn. Kết quả đánh giá cho thấy có một số tác nhân gây sạt lở gồm các đường sóng vuông góc với bờ biển, mực nước biển tăng cao hơn. Cụ thể, trong tháng 2-2017, mực nước biển Sơn Trà cao hơn hằng năm từ 10-19cm, thời điểm xảy ra sạt lở mực nước cao nhất từ 12 đến 28cm. Có thể đánh giá tổng quan ban đầu, hiện tượng sạt lở bờ biển Sơn Trà-Ngũ Hành Sơn do nhiều nguyên nhân kết hợp với nhau, do thay đổi dòng chảy theo mùa, do địa hình bờ biển không đồng nhất, do biến đổi khí hậu nước biển dâng và do các công trình xây dựng trên bờ. Để tìm ra nguyên nhân cụ thể hơn cần có nghiên cứu đánh giá tổng thể một cách chuyên sâu của các nhà khoa học, giới chuyên gia.

Việc cứu bãi biển phục vụ mùa du lịch cận kề trở nên cấp bách. Từ thực trạng đã phân tích, ông Nam đưa ra nhiều giải pháp kể cả trước mắt và lâu dài. Trong thời gian này, ông Nam đề xuất phải xây dựng một trạm quan trắc tự động về hải văn để đánh giá tình trạng sạt lở tuyến ven biển này để có thông tin cập nhật. Song song với đó, cần tiếp tục đánh giá tác động môi trường, hạn chế xây dựng các công trình, khu dân cư lấn biển, các hoạt động ảnh hưởng đến tài nguyên môi trường vùng biển, các khu vực cửa sông nhằm hạn chế tối đa các dòng chảy ảnh hưởng đến sóng biển, bờ biển Đà Nẵng. Đặc biệt, ông Nam cho rằng cần tiếp tục bố trí quỹ đất để hình thành các rừng phòng hộ, rừng phi lao ven biển để chống biến đổi khí hậu, nước biển dâng, tạo rừng tự nhiên chống lại xâm thực, xói lở, hạn chế hiện tượng gió bay cuốn theo cát ô nhiễm môi trường.

Ven tuyến biển Hoàng Sa- Võ Nguyên Giáp có 6 điểm sạt lở.

Nan giải xử lý mùi hôi

Không chỉ giải bài toán sạt lở bờ biển mà hiện tượng nước thải tràn ra biển ảnh hưởng tới du lịch cũng đang là bài toán đầy thách thức, không dễ giải quyết ngày một ngày hai. Trên tuyến ven biển Nguyễn Tất Thành hiện có 29 cửa xả ra biển, trong đó chỉ một số cửa xả nước thải được gom về nhà máy xử lý nước thải Phú Lộc sau đó đổ ra biển, còn lại khoảng 5 km bờ biển Nguyễn Tất Thành nước thải chưa được thu gom xử lý mà xả thẳng ra biển. Tại tuyến ven biển Hoàng Sa- Võ Nguyên Giáp có 7 cửa xả ra biển. Tại các cửa xả này, nước thải được thu gom, xử lý rồi mới thải ra biển. Vào mùa mưa, lưu lượng nước lớn, hệ thống van cửa xả tự động, nước thải cùng với nước mưa sẽ tự xả thẳng ra biển. Tuy vậy, ngay cả mùa nắng, một số điểm nước thải vẫn tràn qua cửa xả ra biển, gây mùi hôi, ảnh hưởng việc tắm biển của du khách. Theo ông Nam, lý do có hiện tượng này vì 5 trạm bơm để bơm nước thải về nhà máy xử lý trên tuyến này hoạt động trên 10 năm, đã xuống cấp, cộng với lượng nước thải từ các khu dân cư quá lớn, dẫn đến quá tải, không thể bơm hết về nhà máy xử lý nên tràn ra biển.

Để giải quyết tình trạng nước thải tràn ra biển vào mùa nắng, gây mùi hôi, ảnh hưởng tới du lịch, Sở TN&MT buộc phải dùng giải pháp cấp bách là triển khai các đập cát để ngăn, mà cụ thể dùng xe ủi cát để chặn các cửa đập này. Ngoài ra, để hạn chế mùi hôi từ các cửa xả buộc phải dùng vôi và các chế phẩm sinh học để ngăn chặn. Ông Nam cho rằng, việc cấp bách để giảm mùi hôi phục vụ du lịch thì TP cần đầu tư kinh phí mua hệ thống máy bơm mới để bơm nước thải về nhà máy xử lý trước khi xả ra biển. Lâu dài hơn, TP cần bố trí lại các cửa xả trên tuyến biển này, cụ thể nên giảm từ 7 cửa xả xuống còn 1-2 cửa xả. Song song với đó, Sở Xây dựng cần nghiên cứu hệ thống cửa xả ngầm để đảm bảo mỹ quan.

Bãi biển Đà Nẵng quyến rũ, có sức hấp dẫn đặc biệt thu hút du khách. Tuy vậy, để phát huy được lợi thế này, Đà Nẵng cần nhanh chóng xử lý dứt điểm tình trạng sạt lở, ô nhiễm mùi hôi.

Hải Hậu

Mỗi năm mất chục ngàn m3 cát

Ông Lê Quang Nam cho biết mỗi lần mưa lớn tại các cửa xả tạo thành rãnh, hố sâu phải dùng xe ủi cát san lấp. Một vị trí mất từ 1.000-2.000m3 cát, mỗi năm khoảng 5-7 lần như vậy, trung bình một cửa xả phải đưa xuống biển 5-7 ngàn m3 cát, đây là hiện trạng nhức nhối, kéo dài nhiều năm nay.