Gian nan thương chiến Mỹ - Trung

Thứ hai, 13/05/2019 11:03

Một mặt, Trung-Mỹ vừa đạt được tiến triển mới trong các cuộc đàm phán, nhưng mặt khác, căng thẳng thương mại tiếp tục leo thang do chính sách tăng thuế gần đây mà Washington áp đặt.

Tương lai quan hệ Mỹ-Trung đối mặt với nhiều thách thức căng thẳng dù có hoặc không có một thỏa thuận thương mại để có thể chấm dứt cuộc chiến đang leo thang hiện nay.

Thị trường chứng khoán khốn đốn khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung leo thang. Ảnh: AFP

Chính sách “vừa đánh vừa đàm”

Tổng thống Mỹ Donald Trump cuối tuần qua lại ra lệnh áp một đợt thuế mới đối với hầu hết lượng hàng hóa còn lại nhập khẩu từ Trung Quốc, chưa đầy 24 giờ đồng hồ sau khi Washington tăng thuế nhập khẩu đối với lượng hàng hóa của Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD (sau 0 giờ ngày 10-5, giờ Mỹ).

Trong một tuyên bố, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer nêu rõ: Tổng thống Trump đã ra lệnh cho chúng tôi bắt đầu quá trình tăng thuế nhập khẩu về cơ bản là đối với toàn bộ hàng hóa còn lại nhập khẩu từ Trung Quốc, có giá trị khoảng 300 tỷ USD”. Động thái gay gắt này của Mỹ càng khiến cuộc chiến tranh thương mại giữa hai nước ngày càng leo thang khó kiểm soát. Đây là một tình huống chưa từng có trong lịch sử thương mại thế giới. Một mặt, Trung-Mỹ vừa đạt tiến triển mới trong các cuộc đàm phán nhưng mặt khác, căng thẳng thương mại tiếp tục leo thang do chính sách tăng thuế gần đây mà Mỹ áp đặt. Cả hai dường như hiện chấp nhận phương thức “vừa đánh vừa đàm”.

Đâu là nguyên nhân?

Có nhiều nguyên nhân bùng phát căng thẳng giữa hai bên: viện trợ quân sự của Mỹ cho đảo Đài Loan (Trung Quốc), yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc ở biển Đông đang tranh chấp, Mỹ chỉ trích chương trình cơ sở hạ tầng toàn cầu “Vành đai và Con đường” của Bắc Kinh và cảnh báo an ninh chống lại gã khổng lồ viễn thông của Trung Quốc Huawei.

Hai nước cũng bị khóa trong một cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng toàn cầu, với việc Washington gọi “Sáng kiến Vành đai và Con đường” ấp ủ của Chủ tịch Tập Cận  Bình - một dự án kết nối Châu Á, Châu Âu và Châu Phi thông qua một mạng lưới cảng, đường sắt và đường bộ - là một “dự án phù phiếm”. Nhưng cạnh tranh công nghệ mới là điểm chiếm vị trí trung tâm trong cuộc chiến giành quyền tối cao về kinh tế giữa hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới này. Một Cty, Huawei, đang ở giữa cuộc giao tranh với tham vọng trở thành thủ lĩnh toàn cầu về công nghệ không dây 5G cực nhanh. Mỹ đã buộc các đồng minh phương Tây xa lánh Huawei vì lo ngại, thiết bị của họ có thể phục vụ các mục đích tình báo cho Trung Quốc, và Giám đốc điều hành của hãng này, bà Mạnh Vãn  Chu đã bị bắt giữ tại Canada vì lệnh bắt giữ của Mỹ đối với các vi phạm trừng phạt của Iran.

Cạnh tranh vẫn rất khốc liệt

Theo các nhà phân tích, dù có hay không có thỏa thuận thương mại, các mối quan hệ Mỹ-Trung vẫn sẽ bị hủy hoại khi họ bước vào kỷ nguyên cạnh tranh ngày càng gia tăng trong lĩnh vực ngoại giao và kinh tế. “Ngay cả khi Trung - Mỹ ký thỏa thuận thương mại, cạnh tranh sẽ vẫn “khốc liệt và thường xuyên”, Hua Po, một chuyên gia tại Bắc Kinh cho biết. “Những lo ngại của Mỹ về Trung Quốc là có cơ sở”, ông Hua nói thêm với AFP và nhấn mạnh: “Mặc dù Trung Quốc vẫn là một quốc gia đang phát triển, nhưng họ đang nỗ lực để bắt kịp Mỹ”.

Washington phải đối mặt với một thách thức ngày càng tăng đối với vị thế siêu cường của mình từ một Trung Quốc đang gia tăng ảnh hưởng toàn cầu và cả khả năng công nghệ cao đang ngày càng lớn mạnh. Lập trường cứng rắn của cả Mỹ -Trung trong cuộc chiến thương mại của họ cho thấy, hai ông lớn này đã sẵn sàng “chơi bóng cứng” để bảo vệ lợi ích quốc gia của họ. Trong tuyên bố mới nhất, Tổng thống Trump cảnh báo Trung Quốc cần phải đạt được một thỏa thuận thương mại với Mỹ ngay bây giờ, nếu không thì một hiệp định sẽ “tồi tệ hơn nhiều đối với họ nếu nó phải được đưa ra đàm phán trong nhiệm kỳ thứ hai của tôi”.

Tuy nhiên, tờ Global Times của Trung Quốc cho rằng, Washington sẽ không có thêm những là bài mặc cả trên bàn đàm phán với Bắc Kinh một khi chiến tranh thương mại diễn biến trầm trọng hơn. Trong bài xã luận với tựa đề “Đàm phán thương mại Trung - Mỹ cần tiếp tục với tinh thần thực chất”, Global Times khẳng định rõ, chính phủ của họ sẽ không bao giờ nhượng bộ trong những vấn đề lớn mang tính nguyên tắc.

KHẢ ANH