Gian nan y tế vùng cao

Thứ hai, 28/04/2014 08:56

(Cadn.com.vn) - Huyện Đakrông (Quảng Trị) có 14 xã, thị trấn, là 1 trong 62 huyện nghèo nhất nước, địa bàn có nhiều xã giáp biên giới với nước bạn Lào, đồi núi hiểm trở, giao thông khó khăn. Đến nay, nhiều bản nằm trên rẻo cao Trường Sơn vẫn phải cuốc bộ, cắt rừng đi nửa ngày mới đến tận nơi.

Không chỉ chuyện học hành của con trẻ gian nan mà công tác y tế, chăm sóc sức khỏe cho đồng bào cũng chịu nhiều trở ngại, thách thức không kém, đặc biệt là công tác tiêm phòng cho trẻ và phụ nữ mang thai diễn ra hàng tháng. Với sự chỉ đạo quyết liệt của  lãnh đạo Trung tâm y tế H. Đakrông, đội ngũ y bác sĩ tại các Trạm y tế xã cùng mạng lưới y tế thôn bản nỗ lực hết sức mình nhằm đạt kết quả cao trong công tác tiêm chủng cũng như chăm sóc sức khỏe người dân nói chung.

Trạm trưởng Hồ Thị Liên khám bệnh cho trẻ đồng bào Vân Kiều từ bản xa mới đến.

"Trước đây, cán bộ cắt rừng, leo núi về tận bản tiêm phòng cho trẻ, nay tổ chức tại trạm y tế và các điểm tiêm tập trung nhưng cán bộ không vì rứa mà đỡ nhọc hơn, họ vất vả lắm", anh Hồ Linh, bản Đá Ngồi, xã Hướng Hiệp  chia sẻ.

Tìm hiểu đời sống, phong tục, tập quán vùng cao Đakrông, nơi chủ yếu đồng bào Vân Kiều - Pa Cô sinh sống, chúng tôi càng hiểu hơn những gian khó, áp lực mà đội ngũ cán bộ y tế đã và đang trải qua. Chị Hồ Thị Liên, Trưởng Trạm y tế xã Hướng Hiệp cho biết Trạm vừa mở thêm một đợt tiêm vét sau định kỳ tiêm chủng ngày 5 của tháng.

Trước đây cán bộ y tế đến tận bản để tiêm chủng, bà con yên tâm không phải đi xa. Nhưng từ đầu năm 2014, xã tổ chức thành 3 điểm tập trung, có nhiều bản làng xa xôi, cách trở, nhiều trường hợp cha mẹ bận nương rẫy ở hẳn trên núi không về kịp để đưa trẻ đi tiêm phòng. Một số người dân còn có tâm lý chủ quan nên dù đã được cán bộ y tế thôn, bản báo tin nhiều lần vẫn chưa vội đưa trẻ đến điểm tiêm chủng.

Để đảm bảo quyền lợi của trẻ và không để sót trường hợp nào, cán bộ y tế đến tận bản để tìm, vận động, thậm chí còn chở trẻ em, bà bầu đến tiêm phòng đúng lịch. Hình ảnh xúc động, đầy trách nhiệm đó không chỉ bắt gặp ở xã Hướng Hiệp mà còn ở nhiều địa bàn khác dọc dài Trường Sơn. Tại những xã giáp biên như Pa Nang, Tà Long, A Vao, A Ngo, A Bung, quân y biên phòng cũng vào cuộc quyết liệt, nhằm nâng cao kết quả tiêm chủng.

 Trẻ nhỏ vùng cao Đakrông.

"Con mình vừa tròn 9 tháng tuổi, mấy ngày nữa thôi là đến kỳ tiêm phòng sởi rồi, mình được cán bộ y tế dặn dò kỹ lắm, đến ngày tiêm chủng là đưa con đi sớm thôi", chị Pỉ Hòa, xã Hướng Hiệp nói. Một kết quả đáng ghi nhận nữa tại xã Hướng Hiệp chính là 100% thai phụ đến tiêm phòng đầy đủ các mũi phòng uốn ván và từ bỏ suy nghĩ sinh nở tại bản, thậm chí cất chòi đẻ trên nương rẫy mà đã đến cơ sở y tế, chủ yếu là Trạm y tế xã để sinh con an toàn.

Thậm chí, chưa đến ngày sinh, người nhà đã đưa sản phụ đến "cắm" tại trạm y tế chờ sinh cho yên tâm. Có sự chuyển biến nhận thức này là cả một quá trình tuyên truyền, vận động trải qua nhiều năm của đội ngũ cán bộ y tế xã, trong đó có sự đóng góp to lớn của trạm trưởng Hồ Thị Liên, cũng là người đồng bào Vân Kiều và gần 20 năm gắn bó với công tác y tế tại đây.

Bảo Hà