Gieo mầm thiện
“Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình. Khi cho đi một điều gì đó nghĩa là ta đã gieo một mầm thiện giữa cuộc đời này”, bà Nguyễn Thị Trà Liên (trú Q. Hải Châu, Đà Nẵng) tâm sự. Nhiều năm qua, bà Liên đã và đang âm thầm, lặng lẽ cho yêu thương...
Bà Liên trong chuyến về với trẻ em vùng cao. |
Bà Liên kể rằng, nhìn thấy những mảnh đời bất hạnh là bà cầm lòng không đậu. Với sức lực có hạn nhưng bà vẫn muốn hỗ trợ những con người khốn khó ấy vượt qua giai đoạn khó khăn. Tham gia vào nhóm thiện nguyện Hiếu Hạnh – chùa Quán Thế Âm Đà Nẵng, bà cũng được đi nhiều nơi, tham gia nhiều hoạt động xã hội và bản thân bà cũng mong muốn được cống hiến. Thế là, bà nảy ra ý định nấu ăn tặng người nghèo. Đối tượng bà muốn hỗ trợ là những bệnh nhân ngoại tỉnh nghèo chạy thận tại Bệnh viện Đà Nẵng, ở trọ trên đường Hải Phòng. “Người nghèo có sức khỏe nhìn đã khổ chứ đừng nói đến nghèo mà mang trong mình những căn bệnh nguy hiểm. Biết được hoàn cảnh của nhiều bệnh nhân cứ vài ba hôm là phải chạy thận, sức khỏe suy kiệt, ốm yếu quanh năm nhưng lại xúm nhau ở trọ trong căn phòng chưa đầy 20m2, ăn uống tằn tiện, cắt xén đủ đường nên tôi muốn giúp đỡ. Hơn lúc nào hết, họ cần được tiếp sức, không chỉ vật chất mà còn cả niềm tin nữa”, bà Liên thổ lộ.
Hoạt động nấu ăn được bà Liên duy trì thường xuyên. Để mang những phần ăn chất lượng, thơm ngon kịp 6 giờ 30 cho những bệnh nhân nghèo ăn trước khi vào viện chạy thận, bà liên phải dậy sớm hơn thời điểm ấy cách vài ba giờ đồng hồ. Đồng thời, công việc chợ búa, chuẩn bị nguyên vật liệu được bà hoàn thành trước đó một ngày. “Hơi cực một tí nhưng mà vui và hạnh phúc lắm. Nhìn những bệnh nhân ăn ngon miệng, nở nụ cười biết ơn là bao nhọc nhằn tan biến ngay”, bà Liên nói.
Những phần ăn bà Liên tự tay làm mang đến có khi là bún, mỳ, cũng có khi là cơm, cháo... Thực đơn được bà Liên thay đổi linh hoạt để các bệnh nhân không cảm thấy nhàm chán. Ngoài tặng những suất ăn, bà Liên còn tặng thêm sữa cho các bệnh nhân uống. Bà Liên cho hay, kinh phí thực hiện các hoạt động bà kêu gọi các mạnh thường quân đóng góp. Bên cạnh, từ việc kinh doanh quán ăn chay, bà trích một phần doanh thu ra để làm việc nghĩa.
Bà Liên cùng nhóm thiện nguyện của mình đã tiếp sức cho rất nhiều hoàn cảnh khó khăn. |
Nhận những phần ăn đầy dinh dưỡng từ tay bà Liên, nhiều bệnh nhân không giấu được niềm xúc động. Bà Liễu (trú Quảng Nam), có “thâm niên” gần 10 năm chạy thận cho biết, hoàn cảnh bà khó khăn lại mang trong mình căn bệnh nặng. Hằng tuần bà khăn gói ra bệnh viện chạy thận. Mỗi lần như thế bà đều nhận được sự tiếp sức của bà Liên. “Nếu không có những người tốt tính như bà Liên giúp đỡ không biết những bệnh nhân nghèo như tôi lấy đâu ra tiền ăn. Dành dụm, tích góp, vay mượn đủ đường cũng chưa đủ tiền thuốc men, viện phí thì lấy đâu nghĩ đến cái ăn, cái mặc. Thật sự chúng tôi vô vùng biết ơn bà Liên”, bà Liễu rưng rưng.
Trên đường gieo mầm thiện, bà Liên cũng đã cho đi rất nhiều yêu thương. Bà không ngại đường sá xa xôi, mang những phần quà ý nghĩa đến tặng cho trẻ em và đồng bào miền núi. Trong những đợt lũ lụt bà cùng nhóm thiện nguyện của mình cũng đã thực hiện nhiều chuyến xe nghĩa tình hướng về đồng bào vùng lũ. Đặc biệt, trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 hoành hành, Đà Nẵng trở thành tâm dịch, nhóm thiện nguyện của bà Liên được thành phố tin tưởng lựa chọn nấu 1.000 suất ăn mỗi ngày tiếp sức cho các y bác sĩ nơi tuyến đầu chống dịch. Sau khi dịch đi qua, bà và mọi người đã được thành phố tuyên dương. Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 sắp đến, bà Liên cùng nhóm thiện nguyện của mình cũng đang ấp ủ kế hoạch tặng quà cho những lao động nghèo.
“Đem niềm vui đến cho mọi người, đó là một loại hạnh phúc nhẹ nhàng thanh cao. Càng đem đến niềm an vui, hạnh phúc cho nhiều người thì bản thân mình càng được hạnh phúc. Khi cho đi như thế, chúng ta mất đi không bao nhiêu mà nhận lại thì rất là nhiều. Khi biết cho đi, chính là đem vào sự bình an hạnh phúc trong lòng, tâm từ bi trong ta do đây ngày càng lớn mạnh, phước báo thiện lành ngày thêm dày lên, và đặc biệt là ai nhìn thấy cũng sanh tâm quý mến. Biết thương yêu, tôn trọng, giúp đỡ lẫn nhau là biết cách làm cho cuộc sống thêm ý nghĩa. Biết cho đi là biết đem sự thân thiện ban tặng cho nhau, cho mình cho người”, bà Liên nhìn nhận.
Thành Danh