Gió sẽ sớm đảo chiều
Bất chấp nỗ lực từ mọi phía, cuộc chiến thương mại giữa hai gã khổng lồ Trung, Mỹ hiện nay vẫn chưa có dấu hiệu lắng dịu. Hiện tại, bóng ma này có thể gây tổn hại cho Trung Quốc nhiều hơn Mỹ, nhưng thực tế đang ngày càng cho thấy, nền kinh tế số 2 có thể bứt phá trong khi ông lớn số 1 chững lại, đặc biệt trong trường hợp cuộc chiến này vẫn tiếp tục.
Đối với Mỹ, các nhà kinh tế đã dự báo tăng trưởng kinh tế sẽ chậm hơn vào nửa cuối năm, đạt dưới 2% theo một số dự báo, do sự kích thích từ cắt giảm thuế và chi tiêu bị yếu dần. Nền kinh tế số 1 thế giới đã nỗ lực giảm thiểu tác động từ thuế bằng cách tránh đánh vào các sản phẩm tiêu dùng và tránh hoặc miễn trừ cho các sản phẩm mà không dễ thay thế. Nhưng trong thời gian tới, những bước đi tiếp theo sẽ khó khăn hơn nhiều.
Cho đến nay, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung tác động lớn hơn đối với tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc so với tăng trưởng của Washington. Tuy nhiên, điều đó có thể thay đổi vào mùa Xuân tới. Có thể đà suy giảm kinh tế của Trung Quốc có thể bắt đầu đảo ngược trong vài tháng tới nhờ gói kích thích lớn trong nước. Thực tế là Trung Quốc có nhiều đòn bẩy hơn để chống lại các tác động của cuộc chiến thương mại đối với nền kinh tế của mình, trong khi Mỹ có nguy cơ phải chứng kiến sự suy giảm niềm tin.
Cho đến gần đây, niềm tin của người tiêu dùng, doanh nghiệp và nhà đầu tư ở Mỹ dường như bị “tráng một lớp Teflon” khi đối mặt với sự không chắc chắn về chính sách. Tất nhiên, Washington đã có một sự bù đắp lớn đối với cuộc chiến thương mại - tăng gấp đôi liều thuốc cắt giảm thuế và tăng chi tiêu. Nhưng với sự yếu dần của biện pháp kích thích kinh tế, niềm tin tại Mỹ dường như nhạy cảm hơn đối với những thông tin mà lẽ ra sẽ bị lờ đi trong quá khứ.
Giới chức Mỹ từng cười ngạo cho rằng, cuộc chiến thương mại hiện nay đang khiến Trung Quốc gặp khó khăn trong việc ngăn chặn tình trạng bất ổn xã hội. Nhưng nền kinh tế Trung Quốc dường như đang có dấu hiệu bắt đầu quay đầu bởi Bắc Kinh có nhiều khả năng hơn để nới lỏng chính sách nhằm đối phó với cuộc chiến thương mại hơn Mỹ. Hồi tuần trước, Trung Quốc thực hiện thêm một quyết định cắt giảm yêu cầu dự trữ ngân hàng, và dự kiến sẽ còn thêm nhiều động thái khác.
Có vẻ như Bắc Kinh đang sử dụng toàn bộ “kho vũ khí” với nhiều công cụ kích thích kinh tế, như nới lỏng tiền tệ và tín dụng, giảm giá đồng nội tệ, tăng chi tiêu và cắt giảm thuế. Trong khi đó, Mỹ có khả năng hạn chế trong nới lỏng chính sách. Chính sách tài khóa Mỹ bị mắc kẹt trong tình trạng bế tắc và việc chính phủ đóng cửa đang khiến mọi việc khó khăn hơn.
THANH VĂN