Giông bão đến với Thủ tướng Israel?

Thứ bảy, 29/12/2018 10:53

Việc nắm quyền lâu năm của Thủ tướng Benjamin Netanyahu trên chính trường Israel đã giúp ông vượt xa các đối thủ bằng sự lãnh đạo khéo léo và tư tưởng cực hữu, nhưng canh bạc mới nhất của ông khiến nhiều người tự hỏi liệu đây có phải là lần nắm quyền cuối cùng của ông hay không.

Israel đang chuẩn bị cho cuộc bầu cử sớm diễn ra vào ngày 9-4 tới, và trong khi các cuộc thăm dò cho thấy ông Netanyahu có khả năng sẽ chiến thắng một lần nữa, nhà lãnh đạo này lại đang vướng phải loạt các cuộc điều tra tham nhũng, vốn dẫn đến suy đoán về việc liệu ông có bị buộc phải từ chức hay không. Ông Netanyahu từng 3 lần bị cảnh sát cáo buộc nhận hối lộ và các tội danh khác, nhưng ông chưa lần nào bị truy tố.

Nhưng trong trường hợp này, sẽ không có lý do gì để trì hoãn thông báo, mặc dù các báo cáo trước đó cho rằng quá trình này có thể sẽ bị hoãn lại cho đến sau cuộc bầu cử vào tháng 4 tới. Việc làm này có thể mở đường cho một cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội Israel, trong đó ông Netanyahu sẽ phải đối đầu không chỉ với các đối thủ chính trị của mình, mà còn là cả một bản cáo trạng liên quan đến hối lộ và các tội danh khác. Thực tế ông cũng sẽ không bị buộc phải từ chức nếu bị truy tố, nhưng áp lực chính trị chắc chắn sẽ rất dữ dội và bất kỳ đối tác liên minh nào trong tương lai sẽ phải quyết định có nên gắn bó với đảng của ông Netanyahu hay không.

Sẽ không khôn ngoan khi đặt cược sự nghiệp chính trị của mình vào “sự sụp đổ có thể xảy ra” này. Nhưng thực tế, vị lãnh đạo cứng rắn của Israel này rõ ràng không có kế hoạch từ chức và ông tin có thể đánh bại các cáo buộc chống lại mình. Tổng chưởng lý nước này Avichai Mandelblit mới đây cho biết, quyết định có hay không truy tố Thủ tướng Netanyahu sẽ được đưa ra vào giữa tháng 2-2019 tới. Có thể Thủ tướng Netanyahu đã thúc đẩy cuộc bầu cử sớm, một phần để chống lại các cáo buộc nhằm vào mình. Và nếu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 4 tới, ông đã đi đúng hướng để vượt qua kỷ lục của người sáng lập David Ben-Gurion trong hơn 13 năm tại vị.

Nền chính trị Israel trong những năm đầu bị đảng Lao động thống trị, nhưng chiến thắng đầu tiên của đảng Likud, lúc đó do ông Menachem Begin lãnh đạo vào năm 1977, đã giúp đặt nền móng cho tương lai chính trị của ông Netanyahu. Sự nghiệp của ông cất cánh khi trở thành Đại sứ Israel tại Mỹ và sau đó là đại sứ tại LHQ. Ông trở thành thủ tướng trẻ nhất của Israel năm 1996, ở tuổi 46, nhưng bị đánh bại 3 năm sau đó. Ông Netanyahu trở lại vào năm 2009 và vẫn duy trì quyền lực kể từ đó. Bây giờ ông Netanyahu được coi là bậc thầy về chính trị. Nhưng đối với nhiều người, chính trị của ông quá chia rẽ. Vì vậy, di sản cuối cùng của ông sẽ không phải là một quốc gia an toàn hơn, mà là một xã hội Israel bị rạn nứt sâu sắc, sống sau những bức tường.

THANH VĂN