Giữ lửa cho đời sau

Thứ năm, 02/05/2019 13:23

Mỗi người lính khi ở trong mưa bom bão đạn, họ cảm thấy cuộc đời đẹp nhất là trên trận tuyến đánh quân thù; còn khi trở lại với cuộc sống đời thường, ngoài việc góp phần xây dựng, phát triển quê hương thì nghĩa tình đồng đội luôn là điều cháy bỏng nhất trong mỗi trái tim của họ. Đó là một thứ tình cảm cao quý không thể nói hết bằng lời...

Ông Trần Chiến Chinh tưởng nhớ đồng đội tại Bia chiến tích "Trung đội nữ Lê Thị Hồng Gấm".

Lá thư viết vội

"Ngày mai em ra trận, chị em mình mỗi người mỗi hướng, chị cứ tưởng hôm cùng em đi chuẩn bị chiến trường trận đánh lần này chị em mình được chia lửa với nhau thế mà không được! Tiếc thay trong điểm chốt của em không có chị, chị ở bên này sông, em ở bên kia sông nhưng cùng trên một trận tuyến chống quân thù phải không em. Mỗi tiếng súng nổ là lời tâm tình của chị em mình đó... Nếu khi em về không còn chị, tất cả những gì của em chị đã gói kỹ để trong ba-lô của chị. Hai bông Mua chị để trong gùi là kỷ vật chị gởi lại cho em, một bông mừng chiến công của em và một bông nếu sau này em còn sống hãy đặt lên mộ chị! "Hãy chiến đấu như những người cộng sản". Lời chúc của em cũng là lời thề của chị. Trận đánh sắp bắt đầu. Chờ tin chiến thắng của em...".  Đó là nội dung lá thư viết vội của liệt sĩ Nguyễn Thị Xuân Mai vào đêm 25-1-1973 gởi cho người đồng đội trẻ Trần Chiến Chinh trước khi bước vào trận đánh "Cắm cờ giữ đất" thi hành Hiệp định Paris đã được ông Chinh trân trọng giữ gìn 46 năm nay... Có thể nói, trong những bức thư còn sót lại của thời đó, không khó để đọc được những trang thư rạo rực nghĩa tình. Những dòng chữ ngay ngắn, nắn nót động viên đồng đội trước khi bước vào trận đánh và ẩn chứa niềm hy vọng vào thắng lợi cuối cùng để được đoàn tụ. Chiến tranh là đau thương mất mát, nhưng ở đó có cả những tình cảm thiêng liêng và cao đẹp. Tình cảm đó được nối dài từ chiến trường này sang chiến trường khác, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Chiến tranh có thể hủy diệt cuộc sống, nhưng không thể hủy diệt được tình cảm ý chí con người. Bởi thế mà trong nhiều lá thư đều toát lên sự hồn nhiên, thanh thản đến kỳ lạ của một thế hệ chiến sĩ khi ra trận. Họ luôn lạc quan dù phải đối diện với cái chết bất cứ lúc nào...

Cùng với lá thư đó là 3 cuốn nhật ký chiến trường của ông Trần Chiến Chinh (nguyên Đại đội trưởng Đại đội 2, Khu II Hòa Vang, Đà Nẵng) viết từ năm 1969-1975. Từng trận đánh, từng phút bám địch, bao đồng đội ngã xuống trên chặng đường đánh Mỹ đã được ông ghi lại cụ thể, tỉ mỉ. Những đồng đội còn sống chỉ biết òa khóc mỗi khi đọc đến đoạn kể về trận đánh thi hành Hiệp định Paris: "... Ngày 28-1-1973, tại thôn Dương Lâm (xã Hòa Phong) chỉ có 3 đồng chí nữ là Ông Thị Nguyệt, Hồ Thị Vân, Nguyễn Thị Xuân Mai (thuộc trung đội Lê Thị Hồng Gấm, Đại đội 2) đương đầu với địch đông gấp nhiều lần từ sáng đến tối. Khi không còn sức chống cự nữa, họ đã ôm nhau nổ lựu đạn hy sinh để không bị địch bắt...". 3 cuốn nhật ký dày hàng trăm trang của ông Chinh đã thể hiện những suy nghĩ và ý chí chiến đấu, sẵn sàng hy sinh vì độc lập tự do của thế hệ thanh niên Việt Nam thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Khi trận chiến diễn ra, người lính đã lường trước được những nguy hiểm và cái chết đang cận kề...

Nội dung lá thư của liệt sĩ Nguyễn Thị Xuân Mai viết trước khi hy sinh 3 ngày.

Hiến tặng kỷ vật

Hưởng ứng lời kêu gọi của Huyện ủy Hòa Vang về việc hiến tặng các hiện vật và tư liệu có liên quan đến quá trình đấu tranh cách mạng, cán bộ, chiến sĩ Khu II Hòa Vang còn hiến tặng nhiều kỷ vật vẹn nguyên ký ức một thời như: tấm khăn dù, võng, ba-lô, radio, thắt lưng, bọc đạn, bao súng cùng với nhiều tấm ảnh tư liệu giá trị. Hơn 40 năm trôi qua, bà Phạm Thị Hương (nguyên Y tá Đại đội 2) vẫn giữ bên mình những kỷ vật thời chiến. Bà nâng niu gìn giữ như báu vật, để rồi mỗi khi nhớ đồng đội, nhớ đến những năm tháng đau thương nhưng rất đỗi hào hùng, bà lại mang ra để cho ký ức tuổi xuân ùa về. Cuộc sống dẫu có nhiều biến cố, khó khăn, thế nhưng dù đi đâu, làm gì bà Hương vẫn giữ vẹn nguyên kỷ vật thời kháng chiến, gồm hộp dụng cụ cứu thương, 1 soong nhôm được trang bị để cứu chữa thương bệnh binh trong kháng chiến chống Mỹ. Còn kỷ vật của ông Nguyễn Bá Thành (nguyên Cán bộ giao liên Huyện ủy) là 1 hòm thư chết được làm từ lon nhôm để bí mật trao đổi thông tin liên lạc giữa các xã Hòa Châu, Hòa Lợi, Hòa Thái cũ... Ông Thành nhớ như in nhiều bận sắp đối mặt với địch, ông phải nuốt hết tài liệu vào bụng, tay cầm chắc quả lựu đạn chạm nổ, phòng bị bắt sẽ hy sinh để bảo vệ bí mật của đơn vị. Chiếc hòm thư gắn bó với đời lính, với thanh xuân của ông. Ngày độc lập, ông đào cho bằng được chiếc hòm thư mang về làm kỷ niệm. Anh lính giao liên năm nào nay tóc đã bạc màu, nhưng chiếc hòm thư vẫn được ông nâng niu gìn giữ sáng bóng. Cùng với nó là chiếc chăn, bi đông vật ly thân cùng ông bao lần xẻ rừng, lội suối, chui hầm...

Có thể thấy, mỗi kỷ vật chiến tranh được hiến tặng đều gắn liền với cuộc đời của những chiến sĩ cách mạng năm xưa như là một câu chuyện kể để giữ lửa cho đời sau, gửi gắm đến thế hệ trẻ hiểu thêm về lịch sử dân tộc, quá khứ hào hùng của cha anh đi trước; từ đó có thêm lòng tự hào và quyết tâm vững bước trên hành trình bảo vệ, xây dựng Tổ quốc hôm nay. Ông Chinh tâm sự: "Hòa bình lâu lắm rồi nhưng mỗi đêm những năm tháng chiến tranh ngày ấy cứ đọng lại trong tâm trí của những người lính. Rồi hình ảnh những đồng đội ngày ấy, có người đã hy sinh, người còn sống cứ ùa về làm họ giật mình tỉnh giấc. Không để ký ức chiến tranh "ngủ say" trong tâm trí, nên chúng tôi cứ mãi kể cho con cháu mình nghe về những năm tháng hào hùng của một thời hoa lửa đó".

VY HẬU