Giữ niềm tin - vững xã hội
Đại đức THÍCH THÔNG ĐẠO
Ủy viên Hội đồng Trị sự GHPGVN - Phó BTS kiêm Chánh thư ký GHPGVN TP Đà Nẵng
Hiện nay nhiều nơi trên thế giới vẫn còn bất an, khủng hoảng, chiến tranh, bệnh tật, khổ lụy và nghèo đói. Và chính từ thực trạng đó, chúng ta cần suy nghĩ phải làm gì để góp phần vào việc chuyển hóa con người để giữ vững an sinh xã hội, thực hiện hạnh nguyện, giữ vững niềm tin để thật sự mang lại an lành.
Lễ hội Quán Thế Âm. |
Từ góc độ logic học, sự hiện hữu của con người không là sự hiện hữu độc lập với tập thể, xã hội, thế giới. Mỗi người là một tác duyên bình đẳng trong vai trò hình thành xã hội. Trên ý nghĩa đó, sự an lạc và đau khổ của một cá nhân này tất yếu phải có mối liên hệ chặt chẽ với sự an lạc và khổ đau của cá nhân khác, của xã hội. Cho nên, để hưởng ứng Thực hiện chương trình “Thành phố 4 an” trên địa bàn thành phố Đà Nẵng từ năm 2017, trong những năm qua, Phật giáo Đà Nẵng luôn đồng hành cùng chương trình “Phật giáo với An sinh xã hội”. Đây là một hoạt động mang ý nghĩa chính trị, xã hội và nhân văn sâu sắc nhằm góp phần cùng thành phố thực hiện thắng lợi các mục tiêu về giảm nghèo và các mục tiêu an sinh xã hội khác. Đây cũng là hoạt động thể hiện tinh thần nhập thế, cứu độ chúng sanh của Phật giáo, đồng thời như là một chất xúc tác để mối quan hệ gắn bó giữa người với người, nhà với nhà và nội bộ cộng đồng ngày càng thân thiết hơn, yêu thương hơn và như thế sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân TP- một nhân tố quyết định cho mọi thành công của sự phát triển ngày càng được tăng cường mạnh mẽ hơn.
Với tinh thần khuyến thiện, tránh ác, ngoài việc hướng dẫn cho tín đồ có cuộc sống tâm linh theo tôn chỉ, giáo lý và mục đích của đạo Phật; Phật giáo Đà Nẵng còn chăm lo đến cuộc sống vật chất của người dân, góp phần vơi bớt nỗi khổ đau, bất hạnh trong cuộc sống đời thường. Cho nên, trong những năm qua, Phật giáo Đà Nẵng đã vận động hàng trăm tỷ đồng để đóng góp quan trọng trong công tác an sinh xã hội như: nuôi dưỡng trẻ em mồ côi và người già neo đơn, khám chữa bệnh cho đồng bào nghèo khó, thường xuyên tổ chức các mô hình nồi cháo tình thương, phát cơm chay miễn phí cho bệnh nhân nghèo hàng ngày tại bệnh viện, thăm và tặng quà cho Hội người mù, tặng quà cho hội nạn nhân chất độc da cam, nhà nuôi dạy trẻ em đường phố, đồng bào khó khăn và nhất là triển khai có hiệu quả công tác phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn thành phố, xây dựng nhà đại đoàn kết, cứu trợ lũ lụt thiên tai, tặng trang thiết bị y tế cho các bệnh viện, xây dựng trường học... Đây là các hoạt động mang ý nghĩa chính trị, xã hội và nhân văn sâu sắc, thể hiện tinh thần: “Dù xây chín bậc phù đồ, Không bằng làm phước cứu cho một người”...
Gia đình Phật tử thành phố Đà Nẵng cổ vũ cho đội bóng tham gia Giải Bóng đá truyền thống Báo Công an TP Đà Nẵng năm 2017. Ảnh: QUANG HẢI |
Tuy nhiên, việc làm ấy trong những năm qua thật sự thiết thực nhưng chưa phải là việc làm giải quyết được gốc rễ vấn đề. Thiển nghĩ, để những việc làm ấy thật sự ý nghĩa hơn, phải nhìn nhận vấn đề tận gốc rễ, đó là phải chuyển hóa tâm tư con người nhằm giữ vững niềm tin đảm bảo cuộc sống an lành, đó là:
Thứ nhất, cần có đức tính hổ thẹn – tự thẹn với mình và xấu hổ với người khác-rất cần thiết cho những ai muốn trở thành người tốt, có đời sống lành mạnh, đạo đức. Thiết nghĩ, những tệ nạn xã hội ngày càng gia tăng, tuổi trẻ tiến sâu vào con đường sa đọa, vì con người đã đánh mất đức tính hổ thẹn hay xem thường đức tính này. Là con người không làm sao tránh khỏi những sai lầm, nhưng cái quan trọng, khi chúng ta phạm phải sai lầm, chúng ta có biết phục thiện hay không, chúng ta có biết hổ thẹn và sửa đổi những sai lầm ấy không. Thái độ phục thiện hay không phục thiện để phân biệt giữa người ngu và kẻ trí, giữa người thiện và người bất thiện, giữa người làm tồi bại xã hội và người xây dựng xã hội.
Thứ hai, con người muốn làm nên sự nghiệp phải có trí tuệ và đạo đức- nhằm hướng tới xây dựng một thế giới hòa bình phát triển với nỗ lực lao động của mỗi con người trong sự tự giác để góp phần xây dựng, phát triển xã hội vì sự an lạc của mọi người trong đó có hạnh phúc của mỗi người.
Tóm lại, với phương châm: “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội” và ngời sáng tinh thần hộ quốc an dân, với triết lý vì con người và muốn mang lại cho con người cuộc sống hạnh phúc, an lạc mà Giáo hội Phật giáo thành phố Đà Nẵng luôn đồng hành cùng thành phố, vận động Tăng, Ni, Phật tử giữ vững niềm tin để mang ánh sáng giác ngộ đi vào đời sống thực tiễn, tích cực triển khai các hoạt động cứu khổ độ sinh, đảm bảo an sinh xã hội, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tạo nên nét đẹp văn hóa, thấm đậm tình nghĩa của dân tộc Việt Nam.
T.T.Đ