Giữa Hoàng Sa cùng “chiến mã” KN762

Thứ hai, 16/06/2014 10:00

* KỲ 1: CƠ ĐỘNG THẦN TỐC, HỒI PHỤC THẦN KỲ

(Cadn.com.vn) - Tôi là một trong những phóng viên may mắn được có mặt ở Hoàng Sa trên con tàu kiểm ngư KN – 762, con tàu có nhiều cái nhất trong các biên đội tàu chấp pháp Việt Nam thực thi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo: Tàu ra đời sớm nhất của lực lượng Kiểm ngư, ê-kip thuyền trưởng - thuyền phó trẻ nhất, có khoảng nghỉ giữa hai nhiệm vụ ngắn nhất (30 phút sau khi bảo vệ tàu Bình Minh 02 trở về, KN – 762 đã đạp sóng đi Hoàng Sa), có mặt và tiếp cận giàn khoan Hải Dương - 981 sớm nhất với khoảng cách gần nhất, bị tàu Trung Quốc đâm va nhiều nhất.

“Chiến mã” KN-762, một trong những con tàu mang trên mình nhiều kỷ lục
của lực lượng Kiểm ngư Việt Nam.Ảnh: C.K

Rúc 3 hồi còi chào đất liền, “chiến mã” KN762 thẳng tiến Hoàng Sa thực hiện chuyến đi thứ hai sau hơn một ngày trở về hàn gắn lại những vết thương chi chít trên mình và chuẩn bị lương thực cho hành trình dài ngày hơn, cam go hơn. Giữa biển trời bao la, trong khoảng thời gian chờ đợi để tận mắt thấy giàn khoan nước ngoài hạ đặt phi pháp trên vùng biển đất nước, tôi ngồi nghe thuyền trưởng Ngô Quốc Tuấn kể lại chuyến đi đầu tiên vào ngày 1-5 và giải thích cụ thể về những vết đâm va chằng chịt quanh con tàu, trên cả cabin và những ô kính cường lực. Trước mặt anh, ngay trên màn hình rada là cuốn nhật ký con tàu ra đời sớm nhất của lực lượng Kiểm ngư. Trang nào cũng dày đặc những sự kiện đâm va, vòi rồng, súng nước kèm theo giờ, phút, ngày và số hiệu của các tàu Trung Quốc đã thực hiện hành vi uy hiếp, tấn công tàu.

Cứ như lời của thuyền phó Trần Thành Sang, trong những khoảng lặng giữa các đợt cơ động tiến sát giàn khoan Hải Dương - 981, anh đã mang cuốn nhật ký này ra ngồi trên nóc cabin và đếm thử. Kết quả là con tàu đã bị tới 55 lần đâm va trong những tình huống nghênh diện với tàu Trung Quốc, kể từ rạng sáng ngày 2-5 đến ngày 3-6. “Chắc chắn sẽ còn nhiều lần nữa, chúng tôi luôn biết trước họ sẽ làm như vậy. Tất cả những vết đâm trên thân con tàu này đều có giá trị của nó chứ chúng tôi không bao giờ đưa mặt lên cho người ta đấm. Và nếu hôm nay nó bị thương thì ngày mai nó lại lành”, thuyền trưởng Ngô Quốc Tuấn cương nghị nói.

“Chiến mã” KN-762 trở về đất liền đầy “vết thương” nhưng đã hồi phục thần kỳ
để tiếp tục nhiệm vụ tại Hoàng Sa.

Chuyện được kể trong lúc những cơn sóng cấp 4 vỗ vào mạn tàu và hơi nước biển mặn mòi, tự nhiên tôi nghĩ ngay đến những cây xà nu hiên ngang giữa núi rừng Tây Nguyên của nhà văn Nguyễn Trung Thành. “Có những cây xà nu cành lá sum suê như những con chim đã đủ lông mao, lông vũ, đạn đại bác không giết nổi chúng. Những vết thương của chúng chóng lành như trên một cơ thể cường tráng... Cứ thế ba năm nay, rừng xà nu ưỡn tấm ngực lớn của mình che chở cho cả dân làng”. Tôi nhớ, chỉ mới hôm kia thôi, KN762 từ điểm nóng giàn khoan trở về với thương tích đầy mình. Tất cả các vị trí quanh mạn tàu đều móp méo, cửa sổ cabin bị vỡ toang, đuôi và mũi bị biến dạng.

Vậy mà chỉ sau 2 ngày, nó lại hiên ngang giữa Hoàng Sa với một hình hài dũng mãnh, đầy đủ lương thực, nhiên liệu, sẵn sàng sát cánh cùng các tàu Kiểm ngư, Cảnh sát biển làm nhiệm vụ chấp pháp kéo dài hàng tháng trời trên biển quê hương. KN762 trẻ trung, vạm vỡ như chính những kiểm ngư viên đã gắn bó sống chết với nó. Hỏi chuyện mới biết, những người làm chủ con tàu đã tung hoành trên các vùng biển chủ quyền, vượt qua những khoảnh khắc ngặt nghèo, sinh tử này đều trẻ măng. Thuyền trưởng Ngô Quốc Tuấn sinh năm 1984, thuyền phó Trần Thành Sang và Nguyễn Tiến Ninh sinh năm 1987. Thậm chí thuyền phó còn lại là Lê Sang sinh năm 1990 nhưng kinh nghiệm và bản lĩnh không hề kém cạnh đàn anh.

“Chiến mã” KN-762 trở về đất liền đầy “vết thương” nhưng đã hồi phục thần kỳ
để tiếp tục nhiệm vụ tại Hoàng Sa.

Tôi hỏi, quần nhau với tàu Trung Quốc gần cả tháng trời, về đất liền với những vết đâm húc chí tử, gia cố lại tàu cũng phải tốc hành, thì thời gian đâu mà nghỉ ngơi để có thể tiếp tục ứng phó với những trò xảo quyệt của những hải cảnh, hải giám hung hãn? Các kiểm ngư viên cười ran! Cán bộ kiểm ngư Lê Vũ Tuân nói rằng, sự hung hăng, trò uy hiếp của tàu Trung Quốc trên thực địa thay đổi từng giờ, từng phút thì 2 ngày dưỡng thương, nạp nhiên liệu là thời gian quá dài rồi. Đó là chưa kể đến hành trình thần tốc đêm 1-5 đến rạng sáng ngày 2-5 vừa qua, ngày mà KN762 là một trong 4 tàu kiểm ngư đầu tiên có mặt và cũng là một trong những tàu tiếp cận giàn khoan Hải Dương – 981 ở cự lý gần nhất với 2,6 hải lý.

Anh Tuân cũng như tất cả kiểm ngư viên trên tàu vẫn nhớ như in rằng, trước khi ra Hoàng Sa để làm nhiệm vụ, anh em chỉ được nghỉ đúng 30 phút ngay sau khi trở về từ chuyến đi kéo dài ròng rã hàng tháng trời để bảo vệ tàu Bình Minh 02 thăm dò khai thác dầu khí. Nghĩa là ngay trong khi tất cả anh em đang chuẩn bị để nghỉ ngơi lấy sức thì lập tức nhận lệnh lên đường, người không kịp thay quần áo, tàu chưa no lương thực và nhiên liệu. “Chúng tôi ai nấy vừa gọi điện về nhà báo cơm với gia đình thì lập tức phải hoãn. Đến nỗi người nhà cũng không được phép hỏi tại sao. Một ngày sau thấy những thước phim khốc liệt từ Hoàng Sa họ mới biết mọi chuyện. Đó là thời gian nghỉ ngắn nhất giữa hai nhiệm vụ mà anh em tôi trải qua kể từ ngày gắn bó với nhiệm vụ chấp pháp trên biển”, thuyền trưởng Ngô Quốc Tuấn kể lại.

Một trong những vết đâm chí tử của tàu hải cảnh Trung Quốc bên mạn phải tàu KN-762.

Cha ông đúc rút ra rằng, một trong những điều khiến dân tộc Việt Nam có thể đứng vững và hiên ngang trước mọi sóng gió chính là sức tái tạo thần kỳ, kể cả trong những đau thương. Tuấn nói, anh chưa đủ từng trải để có thể hiểu hết những chân lý đó, nhưng nhìn con tàu nay móp méo mà mai trở lại vẹn nguyên, nhìn anh em đang thực sự mệt mỏi nhưng trong phút chốc lại sẵn sàng nhận nhiệm vụ sát cánh cùng nhau đối mặt với những khó khăn để bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc thì tất cả đều nhận ra rằng, trách nhiệm của mình là không được phép nghỉ ngơi.

Phóng sự: Công Khanh
(còn nữa)