Giữa Hoàng Sa cùng “chiến mã” KN762 (2)

Thứ ba, 17/06/2014 10:40

* KỲ 2: NHỮNG KHOẢNH KHẮC ĐÁNG NHỚ

(Cadn.com.vn) - Tại tọa độ 15 độ 39 phút vĩ Bắc - 111 độ 45 phút kinh Đông, cách vị trí mới của giàn khoan Hải Dương- 981 11 hải lý về hướng Đông Nam, KN762 cùng các tàu khác của biên đội cơ động tiếp cận để tuyên truyền và làm nhiệm vụ chấp pháp. Dễ dàng tiến được khoảng gần 2 hải lý, sau tích tắc quan sát trên màn hình radar và dùng ống nhòm nhìn ra thực địa, thuyền trưởng Ngô Quốc Tuấn lập tức ra lệnh dừng cơ động. Cứ như thế, nhiều lần KN762 đối mặt với những khoảnh khắc sinh tử nhưng đã phá vây thành công trong tình thế lấy ít địch nhiều.

Đông đảo phóng viên tại Hoàng Sa và kể cả nhân dân theo dõi từ đất liền lấy làm mừng mỗi khi tàu chấp pháp của Việt Nam tiếp cận được gần giàn khoan Hải Dương - 981 để tuyên truyền và yêu cầu phía Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng biển Việt Nam. Nhưng trên thực địa, các tàu Kiểm ngư và Cảnh sát biển vừa phải làm việc này lại vừa đảm bảo an toàn tuyệt đối cho mỗi lần cơ động. Vì ngay cả khi đi xâm phạm vùng biển của ta thì tàu Trung Quốc vẫn hung hãn và manh động tấn công. Khi không uy hiếp được tàu Việt Nam bằng việc hung hăng đâm va, xịt vòi rồng, súng bắn nước, tàu hải cảnh, hải giám, tàu kéo Trung Quốc đã âm mưu dùng chiến thuật "vườn không nhà trống", mở rộng cửa tiến vào giàn khoan để hòng đánh úp từ phía sau, siết chặt vòng vây, lấy thịt đè người và thuận lợi hơn trong việc dựng "hiện trường giả", vừa ăn cướp vừa la làng.

Một trong những tình huống nguy hiểm đã trở nên quen thuộc đối với KN762-
nhiều tàu hải cảnh vây ép từ nhiều hướng.

Các kiểm ngư viên kinh nghiệm phân tích, ở tình huống mà chúng tôi đang gặp, từ giàn khoan, các tàu Trung Quốc đã tạo thành một cánh cung rất lớn. Nếu không tỉnh táo, các tàu Việt Nam sẽ cơ động vào phía trong và tàu hải cảnh, hải giám của họ sẽ đi vòng phía sau bao vây. Chính vì vậy, thay vì hướng mũi vào phía giàn khoan, tàu KN762 đã thông báo tình hình và cùng các tàu khác là 761, 2013, 797, biên đội trưởng 628 quay mũi tàu bố trí đội hình theo hướng "dây cung". Vậy là đang trong tư thế rình rập, hàng chục tàu Trung Quốc đã buộc phải xếp lại đội hình ken đặc quanh giàn khoan để cảnh giác với tính cơ động của tàu Cảnh sát biển Việt Nam từ phía xa.

Thuyền phó Trần Thành Sang, người đã dũng cảm mở cửa ca-bin tàu ra yêu cầu tàu hải cảnh Trung Quốc dừng ngay việc tấn công trong lần uy hiếp được coi là khủng khiếp nhất vào ngày 2-5 kể lại: "Khi tàu quyết tâm tiến sâu vào giàn khoan Hải Dương- 981 khoảng 3 hải lý để tuyên truyền thì 5 tàu hải cảnh xông ra chặn đầu, khóa đuôi và vây ép từ hai phía. Họ hú còi inh ỏi, liên tục đâm va, xịt vòi rồng tới tấp nhằm chặt đứt tính cơ động của chúng tôi. Nếu không tỉnh táo để luồn lách, né tránh và chấp nhận chịu đâm va ở những vị trí cần thiết thì chắc chắn KN762 sẽ tê liệt. Phải mất hàng giờ đồng hồ, thay nhau cầm lái và quan sát, đưa ra những quyết định kịp thời, chúng tôi mới xé đội hình của họ để phá vây. Trong lúc chúng tôi chỉ tự vệ để bảo vệ thì tàu Trung Quốc hung hăng ra những đòn chí tử".

KN-762 tránh được một cú đâm chí tử của tàu hải giám Trung Quốc từ phía sau mạn phải.

5 tàu vây ép cùng lúc và có khi chịu tới 7 lần đâm va trong một ngày đều đưa các kiểm ngư viên trên tàu vào những tình huống nguy hiểm. Nhưng theo thuyền trưởng Ngô Quốc Tuấn, khoảnh khắc sinh tử nhất chính là lần cả tàu đưa ra quyết định xông vào giữa vòng vây của tàu Trung Quốc để giải cứu tàu KN630 của ta vào đêm 22-5. Không chỉ đối mặt với nhiều tàu hải cảnh mà thời điểm KN630 bị vây ép diễn ra vào ban đêm nên tầm quan sát rất hạn chế. Trong lúc cơ động để tuyên truyền, thì tàu KN630 bị tàu Trung Quốc vây ráp, dùng vòi rồng bắn chập điện gây cháy và mất hoàn toàn khả năng cơ động, phải để thả trôi.

"Lúc đó, chỉ huy tàu phát thông báo bằng ký hiệu là bị tê liệt hoàn toàn, không hề phản ứng được trước sự tấn công dữ dội của tàu Trung Quốc. Trong tình thế này, chúng tôi quyết định chọn khoảng hở thuận lợi nhất giữa hai tàu hải cảnh và tăng tốc lao vào để xé đội hình của họ. Thấy chúng tôi quyết đoán, hai con hải cảnh hung hăng đã phải lùi lại. Chỉ trong một thời gian ngắn, chúng tôi phải hoàn thành việc lai kéo KN630 ra ngoài, nếu không các tàu Trung Quốc sẽ liên lạc với nhau để tiến hành bao vây", Tuấn kể.

"Nhật ký đâm va" của tàu KN-762 chi chít. Cuốn sổ này thống kê
đã có tới 55 lần bị các tàu Trung Quốc tấn công.

Tôi lấy làm ngạc nhiên vì sao khi bài binh bố trận trên vùng biển của nước khác, Trung Quốc lại huy động thêm cả tàu hàng nằm xen kẽ vào hải cảnh, hải giám, hải tuần, ngư chính, tàu đầu kéo... Đến đây, hai thuyền phó Lê Sang và Nguyễn Tiến Ninh đang cùng nhau vừa gia cố lại cửa sổ ca-bin vừa nói với tôi rằng: "Trung Quốc lôi nó vào để thêm thành phần tham gia cản đội hình cơ động của tàu ta cũng như thực hiện các cú đâm va ở tốc độ chậm nhưng lực thì rất lớn. Vậy nhưng sau những lần trở thành "bạn" của ta, giờ chúng xếp hàng về một khu vực "cho đẹp đội hình" chứ không còn tác dụng gì nữa".

Theo hai chàng trai thuộc top trẻ nhất giữ chức vụ thuyền phó của lực lượng Kiểm ngư, vào những ngày cao điểm, Trung Quốc huy động tàu hàng tham gia "đánh hội đồng". Nhưng lực lượng Kiểm ngư đã bắt thóp được sự chậm chạp của loại tàu này nên linh động áp sát bên mạn hoặc cắt mặt nó khiến bao nhiêu nước mà tàu hải cảnh phun ra đều rơi vào... đầu của tàu hàng. Nhiều ngày dính phải thế "gậy ông đập lưng ông", Trung Quốc buộc phải rút tàu hàng về "làm cảnh", không dám dùng nó để áp sát tàu chấp pháp Việt Nam nữa.

Thuyền phó Lê Sang bên cuốn sổ ghi lại các lần bị tàu hải cảnh Trung Quốc đâm va.

Xét về lực lượng, trên thực địa, tàu Việt Nam không theo kịp về số lượng cũng như độ hiện đại so với tàu Trung Quốc. Đơn giản, vì tàu Việt Nam làm nhiệm vụ bảo vệ chứ không phải đi tấn công. Ở cái thế chênh lệch như vậy, sự khôn khéo, linh động trong từng tình huống đã khiến cho tàu chấp pháp Việt Nam tránh được những tình huống mang tính đối kháng mà đối phương muốn ăn thua đủ. Và cho dù hàng chục con tàu bị đâm va, hư hỏng, nhiều kiểm ngư viên bị thương, lực lượng Cảnh sát biển và Kiểm ngư vẫn sẽ không rời một tấc biển thuộc chủ quyền của đất nước.

Phóng sự: Công Khanh
(còn nữa)