Giữa Hoàng Sa cùng “chiến mã” KN762 (3)
* KỲ 3: HỘ SINH CHO VỢ TỪ HOÀNG SA
(Cadn.com.vn) - Đêm đến, biển đang động, những cơn sóng cấp 4 buộc tàu phải thường xuyên nổ máy hoạt động, không thể thả trôi. Đột nhiên những chú cá heo đua nhau vọt cao lên mặt nước rồi tung tăng vượt qua bước sóng như theo một vũ điệu đại dương. Các Kiểm ngư viên quay qua tôi nói: “Nhà báo yên tâm, ngày mai biển sẽ lặng, tàu ta có tin vui”!
Hoàng Sa, nếu cá heo xuất hiện thì chắc chắn hôm sau trạng thái của biển sẽ trái ngược hoàn toàn. Nhưng chuyện nhìn vào đó rồi nói sẽ có tin vui thì tôi không tin cho lắm, hoặc giả có đi chăng nữa thì là do mọi người đã biết chuyện đó từ trước rồi. Biển lặng thật. Ngoài tổ lái, trực quan sát, cả tàu nghỉ trưa theo chế độ sinh hoạt hàng ngày, trong lúc tàu ta không có lệnh cơ động tiếp cận giàn khoan. Tôi đang thiu thiu thì kiểm ngư viên Võ Văn Thạch vỗ nhẹ vào vai hỏi: “Nghe nói nhà báo có điện thoại gọi được về đất liền. Cho tui xin mấy phút gặp vợ đang ở trong bệnh viện. Ngày tui đi, vợ được gia đình đưa vào bệnh viện chờ sinh. Tui linh tính là sắp sinh rồi, an ủi tiếng để vợ yên tâm vượt cạn. Thương quá nhưng không biết làm răng”.
Tàu hải cảnh Trung Quốc phun vòi rồng vào KN-762. |
Anh Thạch quê Đồng Hới, Quảng Bình, da đen trũi, người chắc nịch. Anh em trên tàu quý anh bởi cái tính chân tình, dũng cảm, trách nhiệm và thương anh hơn khi biết rõ về gia cảnh ở quê. Vợ Thạch, chị Trần Thị Mỹ Lệ, bị biến chứng của một lần lên cơn sốt, bại liệt từ hồi lên 2 tuổi. Do chân trái bị liệt, bình thường chị đã đi lại rất khó khăn, cả hai lần mang bầu đều phải đi chân nẹp cho cân bằng để khỏi ảnh hưởng đến đứa con trong bụng. May mắn, cậu con trai đầu Võ Trần Gia Bảo thừa hưởng được sức khỏe của cha, lớn nhanh như thổi.
Đến khi chị Lệ mang bầu đứa thứ hai, anh Thạch cũng ở biển nhiều hơn ở nhà. Theo dự tính của bác sỹ, chị sẽ sinh vào ngày 31-5. Nếu mọi chuyện bình thường thì sau khi hoàn thành đợt làm nhiệm vụ đầu tiên, anh Thạch sẽ được đặc cách về quê cùng vợ vượt cạn. Nhưng trước việc vùng biển Hoàng Sa bị quấy nhiễu, anh không có đủ thời gian để bắt một chuyến xe về thăm, huống chi là ở lại nhà. “Tôi gọi điện cho người thân, bạn bè đưa vợ vào Bệnh viện Trung ương Huế để được chăm sóc tốt hơn. Khi nói vì nhiệm vụ mà không thể ở bên vợ khi vợ sinh, cả y bác sỹ, các cơ quan tổ chức ở địa phương đã thay nhau đến động viên, thăm hỏi thường xuyên, tui cũng ấm lòng”, anh Thạch tâm sự.
Cuộc gọi đầu tiên, chị Lệ đang nằm trong phòng chờ, bất ngờ vì không hiểu làm sao chồng mình lại có thể gọi điện từ ngoài Hoàng Sa, chuyện trước đây không hề có.
- Vợ ơi, anh đây!
- Anh à, mần răng mà gọi điện thoại được rứa?
- Nhà báo cho mượn. Thế nào rồi em?
- Nó bắt đầu co đạp, đau từng cơn rồi
- Anh nói nè, cứ thở thật đều, làm theo bác sỹ ấy, đừng la lớn họ không ưa mô. Chắc chắn mẹ tròn con vuông, như thằng Gia Bảo ấy! Rứa hỉ!
Thạch buộc phải cúp máy, vì chị Lệ vào phòng sinh. Anh em cả tàu tập trung lên boong, ngồi vây lấy cái điện thoại vệ tinh để chờ tin vui. Nhưng bất ngờ, tàu KN762 nhận được lệnh cùng biên đội cơ động tiếp cận giàn khoan để làm nhiệm vụ. Hôm đó, theo hiệp đồng, tàu chấp pháp Việt Nam không được phép vào quá sâu để tránh bẫy từ phía các tàu Trung Quốc, chúng tôi duy trì khoảng cách 10 hải lý so với giàn khoan Hải Dương – 981. Tàu hải cảnh, hải giám từ các phía vẫn luôn luôn ở tư thế sẵn sàng lao ra uy hiếp và thực hiện các hành vi gây hấn.
Kiểm ngư viên Võ Văn Thạch “hộ sinh” cho vợ từ trên nóc cabin tàu KN-762. |
Hai tiếng đồng hồ sau, chúng tôi mới được lệnh kết thúc đợt cơ động tiếp cận giàn khoan. Tất cả anh em lại tập trung ra boong để chờ tin vui. Sóng Hoàng Sa vỗ ì oạp vào mạn tàu, gió biển mát rượi, nước trong veo, cá chuồn từng tốp đuổi bắt sát rạt trên đầu từng con sóng nhỏ. Tôi và Thạch cầm điện thoại vệ tinh lên nóc cabin, rà tần số và bật loa ngoài.
- A lô, vợ hả?
- Ôi, anh hả? Em sinh rồi, thằng cu con, ba ký bảy. Giống anh như đúc.
Cả tàu chúng tôi hân hoan vây lấy Thạch chúc mừng. Ai cũng tôn kiểm ngư viên này làm “sư phụ” vì anh có hai cái tài: một là “hộ sinh” cho vợ từ giữa Hoàng Sa, hai là có thêm “thằng cu con” ngay trước thềm ngày 1-6, được nhận thêm một phần quà nhân ngày Quốc tế thiếu nhi từ tàu KN762. Thạch không dùng nhật ký, nhưng anh có cuốn sổ công tác dày cộp gối đầu giường. Anh ghi vào đó rằng: “Chiều ngày 31-5-2014, vợ sinh thêm thằng con trai. Vợ đặt tên nó là Gia Nguyên vì mong muốn mọi điều nguyên vẹn, chuyện gia đình cũng như chuyện đất nước. Nhưng mình ghi vào đây cho nó một cái tên nữa: Võ Trần Tri Tôn, tên hòn đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa thân yêu”.
4 ngày sau sự kiện có một không hai trên tàu KN762, tôi trở về đất liền. Liên lạc qua điện thoại thì được biết chị Lệ và cháu Gia Nguyên đã chuyển từ bệnh viện về nhà, hàng ngày đều có bà con, chòm xóm và các cơ quan đoàn thể đến chơi, giúp đỡ. Căn nhà nhỏ ở TP Đồng Hới luôn đầy ắp tiếng cười. Sinh xong, người mẹ bị liệt chân trái từ hồi lên 2 tuổi lại tháo cái nẹp ra để đi lại cho đỡ vướng, dù là chân thấp chân cao. Chị tâm sự: “Người ta hay nói đàn bà có chồng đi biển thì phải vượt cạn một mình. Nhưng tui khác, ngay khi lên cơn đau thì vẫn được nghe tiếng chồng từ Hoàng Sa, đó là giây phút mà tôi như được chính chồng mình hộ sinh. Thế nên thằng cu con nó không làm đau mình, mẹ tròn con vuông. Với lại, sóng gió ngoài kia mà các anh còn đứng vững, thì cơn đau sinh nở có nghĩa lý chi”.
Phóng sự: Công Khanh
(còn nữa)