Gõ cửa tâm hồn trẻ khuyết tật bằng âm nhạc
Trị liệu âm nhạc (dùng âm nhạc để vui chơi) cho trẻ khuyết tật là hoạt động mang ý nghĩa đối với sự phát triển của trẻ. Chính vì những điều kỳ diệu mà âm nhạc mang lại nên phương pháp trị liệu bằng âm nhạc được Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng đưa vào thực hiện đối với trẻ khuyết tật trong học kỳ I năm nay và đã đem lại hiệu quả rất tích cực.
Trị liệu bằng âm nhạc được Sở GD&ĐT Đà Nẵng đưa vào thực hiện đối với trẻ khuyết tật. |
Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng trực thuộc Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng, ngôi trường chuyên biệt này không chỉ dạy cho các em chỉ một môn âm nhạc mà còn kết hợp dạy các môn học khác như: kỹ năng sống, hội họa, thể chất, múa... để các em phát triển hài hòa và thể hiện những tài năng bẩm sinh. Nhà trường luôn dành nhiều thời gian cho các bộ môn năng khiếu nghệ thuật như piano, guitar, violon, thanh nhạc. Tuy nhiên, từ khi áp dụng phương pháp trị liệu âm nhạc cho trẻ khuyết tật thì hiệu quả giáo dục được nâng lên rõ rệt. Hằng ngày các em được nghe giáo viên chơi nhạc, được dạy nhảy theo nhịp điệu, tham gia các hoạt động với âm nhạc. Chính điều này đã giúp các em từng bước thay đổi theo hướng tích cực.
Theo thầy Phan Ngọc Sang (giáo viên dạy âm nhạc Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập), người được đi tập huấn phương pháp trị liệu bằng âm nhạc cho trẻ khuyết tật tại Hà Nội cho biết, đối với các em bị tăng động, thông qua phương pháp trị liệu bằng âm nhạc đã cải thiện rất nhiều về tâm lý, trở nên nhẹ nhàng hơn, biết nghe lời hơn. Còn với những em bị tự kỷ thì đã mở lòng thông qua trò chuyện với bạn bè và tích cực trong hoạt động. Đặc biệt, việc được tự mình đánh đàn piano để luyện tay, lướt ngón tay trên phím đàn và ca hát giúp tăng sự thích thú ở các em. Giờ học bỗng trở thành sân khấu nhỏ để các em thỏa sức thể hiện, xóa tan căng thẳng, mệt mỏi. “Từ khi tiếp xúc với môn âm nhạc trị liệu thì các em học sinh tăng cường khả năng giao tiếp, các em có thể giao tiếp, trao đổi qua lại giữa thầy, trò và các bạn trong lớp với nhau. Ở lớp tôi có nhiều em học sinh rất rụt rè, thiếu tự tin, nhưng sau khi tham gia lớp trị liệu âm nhạc đã tự tin hơn, mạnh dạn hơn trong giao tiếp, chủ động chào thầy, hỏi thăm các bạn trong lớp...”.
Để phương pháp trị liệu bằng âm nhạc cho trẻ khuyết tật được áp dụng rộng rãi trong hệ thống giáo dục, Sở GD&ĐT thành phố đã tổ chức tập huấn cho hơn 120 giáo viên, nhằm giúp giáo viên hiểu rõ hơn về vai trò của trị liệu âm nhạc, vận dụng âm nhạc trong các hoạt động nhóm và cá nhân trong môi trường hòa nhập. Sau lớp tập huấn giáo viên cốt cán của Sở GD&ĐT, các đơn vị tiến hành tập huấn lại cho tất cả cán bộ quản lý, giáo viên các trường tiểu học. Để áp dụng vào thực tế một cách hiệu quả nhất, Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng đã cử giáo viên hỗ trợ thông qua các tiết dạy cho trẻ hòa nhập hiện theo học tại các trường trên địa bàn thành phố. Ở môi trường này, mặc dù đã hòa nhập tuy nhiên so với các bạn cùng trang lứa thì những em học ở các trường chuyên biệt vẫn còn nhiều khiếm khuyết. Tuy nhiên, thông qua phương pháp trị liệu bằng âm nhạc thì tâm lý của các em đã thay đổi rõ rệt, mạnh dạn hơn, cởi mở, vui vẻ hơn, hòa đồng hơn là điều dễ dàng nhận thấy thông qua các hoạt động này.
Bên cạnh sự nỗ lực của các thầy cô giáo, thì sự chung tay của phụ huynh học sinh cũng là một trong những biện pháp hữu hiệu để giúp các em phát triển tốt hơn. Trực tiếp tương tác với giáo viên và cảm nhận sự thay đổi tích cực của con mình, đó là niềm vui, hạnh phúc khôn tả của người làm cha, làm mẹ. “Từ ngày cháu học môn âm nhạc thì về nhà tôi thấy cháu vui vẻ hơn, biết vâng lời cha mẹ và mạnh dạn hơn trong cuộc sống. Tôi thật sự rất mừng...”, phụ huynh một học sinh khuyết tật chia sẻ. Sau một học kỳ áp dụng phương pháp trị liệu bằng âm nhạc, phương pháp này không những nhận được sự đánh giá cao về tính hiệu quả từ chính phụ huynh mà còn từ các nhà quản lý giáo dục.
Giá trị của âm nhạc không chỉ là việc dạy cho trẻ cách chơi nhạc cụ, dạy trẻ hát thật hay, dạy trẻ múa thật đẹp, giá trị của âm nhạc là sự kết nối bằng việc hòa chung cảm xúc con người. Thông qua hoạt động với âm nhạc, trẻ em nói chung, trẻ khuyết tật nói riêng được phát triển kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tương tác xã hội, kỹ năng nhận thức, phát triển vận động và các giác quan... giúp trẻ khuyết tật có thể gắn kết hơn, hòa đồng hơn, là cơ hội để trẻ thể hiện mình và hòa nhập với xã hội. Và mục tiêu cuối cùng là để tăng cường kỹ năng sống, tạo cơ hội cho trẻ hòa nhập một cách tốt nhất.
T.H