Gỗ lậu theo lũ về xuôi
(Cadn.com.vn) - Khi miền Trung bước vào mùa mưa lũ, mực nước các sông Thu Bồn, Vu Gia (Quảng Nam) lên cao cũng là lúc những đối tượng khai thác gỗ trái phép tìm mọi phương thức, thủ đoạn vận chuyển lâm sản về xuôi tiêu thụ. Trung tuần tháng 9-2015, P.V Báo Công an TP Đà Nẵng đã có chuyến công tác về các huyện Đại Lộc, Nam Giang, Nông Sơn (Quảng Nam) để tìm hiểu tình trạng vận chuyển lâm sản trái phép.
Dường như đã thành “công thức”, lâm tặc thường chọn những tháng mùa khô tìm cách đưa phương tiện vào vùng lõi của rừng phòng hộ Sông Thanh tổ chức khai thác gỗ trái phép rồi chờ đến mùa mưa mới chuyển gỗ ra khỏi rừng. Phương án vận chuyển an toàn, hiệu quả nhất là chọn lúc mưa to, nước lũ các con sông Thanh, sông Nước Mỹ dâng cao để “thả” gỗ về xuôi.
Gỗ lậu vận chuyển bằng đường thủy bị tịch thu. |
Trung úy Đặng Văn Vinh, Cán bộ Đội CSHS-KT CAH Nam Giang, cho biết: Việc truy bắt các đối tượng vận chuyển gỗ lậu bằng đường bộ đã khó thì việc truy bắt các đối tượng vận chuyển bằng đường thủy khó khăn gấp bội. Công việc thường diễn ra trong đêm tối, nước chảy xiết nên dễ nguy hiểm đến tính mạng. Trong 2 tháng 8 và 9-2015, CAH Nam Giang phát hiện, bắt giữ 4 vụ vận chuyển bằng đường thủy và đã thu giữ hơn 5m3 gỗ các loại, 1 thuyền máy. Từ nay đến cuối năm, tình hình vận chuyển lâm sản trái phép trên các sông Cái, sông Bung đang có chiều hướng diễn biến phức tạp, đối tượng vận chuyển gỗ sử dụng nhiều thủ đoạn để đối phó lực lượng chức năng. Trong khi đó, lực lượng CA, Kiểm lâm không được trang bị những phương tiện chuyên dụng để truy bắt.
Còn theo ông Nguyễn Văn Phước, cán bộ Thanh tra-Pháp chế Hạt Kiểm lâm H. Đại Lộc, từ đầu năm 2015 đến nay, Hạt đã phát hiện, bắt giữ 65 vụ tàng trữ, vận chuyển lâm sản trái phép, thu giữ gần 60m3 gỗ các loại (trong đó có 11 vụ vận chuyển bằng đường thủy). Tuy nhiên, để bắt giữ gỗ lậu trên tuyến đường sông là cả một quá trình gian khó, từ công tác theo dõi đến việc chuẩn bị về phương tiện, con người...
Ngày 22-9-2015, làm việc cùng chúng tôi, Đại úy Nguyễn Tuấn, Đội phó Đội Điều tra CAH Nông Sơn cho biết: Từ đầu năm đến nay, CAH Nông Sơn đã phát hiện bắt giữ 6 vụ tàng trữ, vận chuyển lâm sản, thu giữ hơn 35m3 gỗ các loại. Cụ thể, trong 2 ngày 28 và 29-7 phát hiện tại thôn Cấm La, Quế Lâm 7 điểm tập kết, với 21,499m3 gỗ được các đối tượng chuẩn bị đưa ra sông Thu Bồn vận chuyển về xuôi tiêu thụ.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết để tổ chức vận chuyển lâm sản trái phép bằng đường thủy về xuôi tiêu thụ đã được các đối tượng thực hiện hết sức “công phu”. Ngoài việc tổ chức khai thác, việc bố trí địa điểm tập kết là một vấn đề quan trọng nhằm qua mắt các cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, một số lâm tặc tổ chức người theo dõi hoặc canh đường để qua mắt được lực lương CA, Kiểm lâm. Phương tiện vận chuyển gỗ bằng đường sông thường là ruột xe ô-tô (làm phao) và thuyền máy loại nhỏ. Khi đã chuẩn bị xong, gỗ sẽ được kết thành bè, vận chuyển vào ban đêm, nhất là những đêm không có trăng.
Được biết, dọc theo tuyến sông Bung và Vu Gia, những địa điểm được lâm tặc chọn làm địa điểm tập kết gỗ là ngay thị trấn Thạnh Mỹ và sát chân cầu Sông Bung (nơi tiếp giáp giữa 2 huyện Nam Giang và Đông Giang, Quảng Nam). Từ đây, gỗ được vận chuyển về thôn Đầu Gò (xã Đại Sơn) hoặc xã Đại Hưng (H. Đại Lộc, Quảng Nam) sau đó mới tiếp tục vận chuyển bằng đường thủy hoặc đưa đường bộ tiêu thụ. Và, đối với các huyện Hiệp Đức, Nông Sơn, địa điểm tập kết tại xã Hiệp Hòa, Quế Lâm... và điểm đến cuối cùng của những bè gỗ trên là các xưởng cưa nằm dọc trên các sông thuộc các địa phương: Đại Lộc, Duy Xuyên, thị xã Điện Bàn và TP Hội An.
Có thể nói tình trạng vận chuyển lâm sản trái phép trên các tuyến sông thuộc địa bàn tỉnh Quảng Nam đang có chiều hướng tăng khi mùa lũ đến gần. Để ngăn chặn việc vận chuyển này, các cơ quan chức năng tại Quảng Nam cần có sự phối hợp đồng bộ và có phương án khả thi để ngăn chặn tình trạng này và góp phần giữ lại màu xanh cho rừng.
M.T