Gỡ "tắc nghẽn" vật liệu thi công cao tốc Bắc Nam
Dự án trọng điểm quốc gia cao tốc Bắc Nam phía Đông đang đứng trước nguy cơ chậm tiến độ vì thiếu đất đắp san nền. Nếu không sớm được tháo gỡ, mục tiêu cán đích mà Chính phủ đặt ra đối với Bộ Giao thông vận tải (GTVT) sẽ khó hoàn thành.
Thi công cao tốc Cam Lộ - La Sơn. |
Thiếu 23 triệu m3 đất đắp đường
Bộ GTVT đang thi công đồng loạt 10/11 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020. Còn lại dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo đầu tư theo hình thức đối tác công tư dự kiến sẽ khởi công trong tháng này. Tuy nhiên, các dự án đều đang đứng trước nguy cơ hụt tiến độ do thiếu trầm trọng nguồn đất đắp. Theo báo cáo của Bộ GTVT, bên cạnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và giãn cách xã hội, khiến giá vật liệu xây dựng tăng, thiếu hụt công nhân, nguồn cung đất đắp nền đường các dự án còn thiếu khoảng 23 triệu m3. Bên cạnh đó, một số địa phương chưa bàn giao hết mặt bằng, vì chậm trễ di dời hạ tầng kỹ thuật, chậm xây dựng khu tái định cư và đền bù GPMB.
Theo ông Lương Văn Long, Giám đốc điều hành dự án Mai Sơn - QL45, nhu cầu đất đắp của dự án cần khoảng 5,2 triệu m3, khoảng 1,8 triệu m3 cát. Tỉnh Thanh Hóa đã chấp thuận khai thác 15 mỏ đất, 20 mỏ cát có đủ trữ lượng đáp ứng nhu cầu, nhưng công suất khai thác của các mỏ quá thấp. Tương tự, ông Phạm Văn Minh, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án 6 (BQLDA), đại diện chủ đầu tư dự án cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu cho biết, sau 2 tháng thi công, nhu cầu về vật liệu cần khoảng 1,1 triệu m3 cát, 0,8 triệu m3 đá, 8,5 triệu m3 đất đắp. Tại phía Nam, theo ông Hoàng Tuấn Khoát, Phó Giám đốc BQLDA7, dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết đi qua tỉnh Bình Thuận có nhu cầu đất đắp khoảng 9,2 triệu m3, hiện còn thiếu gần 6 triệu m3.
Về vấn đề này, đại diện Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) cho hay, để tháo gỡ vướng mắc về nguồn vật liệu, Bộ GTVT và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu Chính phủ điều chỉnh nội dung Nghị quyết 60 theo hướng bỏ giới hạn nâng công suất khai thác không quá 50% trong giấy phép, vì nội dung này đang làm hạn chế năng lực khai thác của các mỏ đất; bỏ quy định "không tăng trữ lượng đã cấp phép", do các mỏ đất trong giấy phép khai thác quy định trữ lượng nhỏ hơn nhiều so với trữ lượng.
Ngoài ra, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép UBND các tỉnh, thành được cấp phép khai thác ngay đối với trường hợp cấp phép mới các mỏ vật liệu xây dựng thông thường phục vụ thi công dự án, gồm cả mỏ chưa hoặc đã cấp phép thăm dò.
Không lùi tiến độ
Tại cuộc họp trực tuyến về tình hình thực hiện cao tốc này mới đây, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành khẳng định: Các bộ, ngành, địa phương, nhà thầu, đơn vị thi công thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc đẩy nhanh tiến độ GPMB, đảm bảo đủ vật liệu xây dựng, không chấp nhận lùi tiến độ đã cam kết.
Đại diện nhà thầu Vinaconex thi công cao tốc Bắc Nam cho biết, trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp, giá thép tăng đột biến từ 35 - 50%, giá cát, đá tăng từ 20 - 30%, giá xi măng tăng khoảng 10 - 15%... kéo theo giá các gói thầu tăng lên khoảng 20 - 30%. Thêm vào đó, các gói thầu cao tốc Bắc Nam đang áp dụng hình thức điều chỉnh giá theo chỉ số giá tại các địa phương, nhưng thực tế, chỉ số giá của các địa phương ban hành không phù hợp với quy mô cao tốc. Do đó, nhà thầu kiến nghị Chính phủ xem xét nghiên cứu xây dựng chỉ số giá riêng cho cao tốc Bắc Nam.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên, sau 3 tháng thực hiện Nghị quyết 60, đến nay có 24 mỏ được được cấp phép mới, 8 mỏ cấp phép nâng công suất khai thác, 36 mỏ được cấp phép thăm dò. Để đảm bảo nguồn vật liệu cho cao tốc, cần tiếp tục nâng công suất khai thác các mỏ đất theo nhu cầu từng dự án, không giới hạn về công suất khai thác. Riêng về giá vật liệu xây dựng, theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng, 2 tháng qua, giá nhiều loại vật liệu xây dựng đã giảm.
Nhấn mạnh vấn đề không lùi tiến độ, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, nhà thầu phải đảm bảo đủ vật liệu cho công trình; xác định rõ trách nhiệm để có giải pháp quyết liệt, tháo gỡ dứt điểm vướng mắc. Bộ GTVT phải tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, địa phương kịp thời tháo gỡ khó khăn, yêu cầu nhà thầu cam kết cung ứng đủ vật liệu theo hồ sơ dự thầu. Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương thực hiện nghiêm Nghị quyết 60, thành lập các đoàn giám sát thi công, tạo điều kiện tối đa cho các nhà thầu.
V.S