“Gỡ vướng” trong phát triển công nghiệp và chuyển đổi số quốc gia tại Quảng Nam

Thứ năm, 27/06/2024 09:40

Ngày 26-6, Đoàn công tác Ban Kinh tế Trung ương làm việc với tỉnh Quảng Nam về sơ kết thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 22-3-2018 và nghị quyết số 52-NQ-NQ/TW, ngày 27-9-2019 của Bộ Chính trị. Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết chủ trì buổi làm việc.

Đoàn công tác Ban Kinh tế Trung ương làm việc với tỉnh Quảng Nam.
Đoàn công tác Ban Kinh tế Trung ương làm việc với tỉnh Quảng Nam.

Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho biết, qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, mặc dù chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh Covid-19, song các cấp, các ngành của tỉnh Quảng Nam đã lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện Nghị quyết đạt được nhiều kết quả quan trọng trong phát triển công nghiệp. Vai trò của ngành công nghiệp ngày càng được khẳng định là động lực chính trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 14 Khu công nghiệp (KCN) với tổng diện tích 3.676 ha, có 11/14 KCN đã thu hút được 248 dự án đầu tư thứ cấp với tổng vốn đăng ký đầu tư 81.430 tỷ đồng; 53/59 Cụm công nghiệp (CCN) được thành lập đã thu hút được các doanh nghiệp vào đầu tư, tỷ lệ lấp đầy đạt 71,22%. Năm 2023, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp đạt 16.280 tỷ đồng so với năm 2010, gấp 1,01 lần giá trị năm 2018; bình quân giai đoạn 2018 - 2023 tăng 2,3%/năm. Nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển KCN, CCN; phát triển hạ tầng giao thông kết nối, khoa học công nghệ, nguồn nhân lực góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp của tỉnh tăng trưởng, đóng góp rất lớn vào sự phát triển chung của nền kinh tế tỉnh nhà.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cũng trình bày một số tồn tại, hạn chế như: Hầu hết các mục tiêu cụ thể thực hiện giai đoạn 2018 - 2023 đạt thấp so với Chương trình số 16-CTr/TU của Tỉnh ủy đề ra. Phát triển công nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng, dịch chuyển công nghiệp theo vùng lãnh thổ còn chậm, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội các khu, cụm công nghiệp chưa hoàn chỉnh và đồng bộ; nguồn nhân lực nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Bên cạnh đó, việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích liên quan đến phát triển công nghiệp đã ban hành còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc; một số nhiệm vụ đề ra chưa thực hiện được.

Đối với thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27-9-2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho biết, hạ tầng số, nền tảng số, xây dựng chính quyền điện tử tiến tới chính quyền số và đảm bảo an toàn thông tin được quan tâm đầu tư và phát huy hiệu quả. Phát triển kinh tế số, xã hội số, xây dựng đô thị thông minh đạt một số kết quả quan trọng.

Mô hình Hệ sinh thái Quảng Nam khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo được các cơ quan Trung ương, các chuyên gia khởi nghiệp hàng đầu Việt Nam và cộng đồng khởi nghiệp hoan nghênh, đánh giá cao, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội và thúc đẩy phát triển công dân số; tỷ trọng kinh tế số trong GRDP năm 2023 là 8,76%... Tuy nhiên, trụ cột kinh tế số, xã hội số chưa được quan tâm triển khai tương xứng với xây dựng chính quyền điện tử. Việc đầu tư hạ tầng viễn thông ở khu vực miền núi, biên giới, đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ chuyển đổi số tại các cơ quan, đơn vị còn hạn chế, chưa đồng bộ; chưa có cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là chuyên gia giỏi về CNTT và chuyển đổi số…

Tại buổi làm việc, các sở ngành liên quan trong tỉnh và đoàn công tác Ban Kinh tế Trung ương thảo luận, thống nhất đề xuất một số giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn, hạn chế trong thực hiện nghị quyết số 23-NQ/TW và nghị quyết số 52-NQ-NQ/TW của Bộ Chính trị tại tỉnh Quảng Nam.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Lương Nguyễn Minh Triết đánh giá, buổi làm việc hôm nay là cơ hội để tỉnh Quảng Nam giãi bày những vấn đề còn vướng mắc, tồn tại liên quan đến phát triển công nghiệp, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số, khoa học công nghệ… trên địa bàn tỉnh. Nó đã trở thành “điểm nghẽn” kiềm chế sự phát triển của tỉnh Quảng Nam trong thời gian qua. “Tỉnh Quảng Nam mong muốn Đoàn công tác Ban Kinh tế Trung ương kiến nghị lên lãnh đạo Trung ương sớm giải quyết, tạo thuận lợi để Quảng Nam phát triển ngày càng vững mạnh hơn”, Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh.

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển đánh giá cao những thành tựu đạt được trong thực hiện nghị quyết số 23-NQ/TW và nghị quyết số 52-NQ-NQ/TW của Bộ Chính trị tại tỉnh Quảng Nam. Theo Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển, hiện nay, tỉnh Quảng Nam còn nhiều tồn tại, vướng mắc quan trọng liên quan đến cơ chế chính sách để tạo thuận lợi cho phát triển công nghiệp, KCN, hỗ trợ doanh nghiệp; công tác quy hoạch, luật đất đai; đầu tư hạ tầng; cơ chế phân cấp, phân quyền… Đoàn công tác Ban Kinh tế Trung ương sẽ tổng hợp các kiến nghị, đề xuất lên lãnh đạo Trung ương xem xét giải quyết.

LÊ VƯƠNG

Cho phép Đà Nẵng thực hiện mô hình chính quyền đô thị

Bộ Chính trị thống nhất ban hành Kết luận về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW, trong đó cho phép thành phố Đà Nẵng chính thức thực hiện mô hình chính quyền đô thị. Thông tin được Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng thông tin với cử tri thành phố

Bộ Chính trị họp thông qua Đề án sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Sáng 19-4, tại trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã họp và cho ý kiến về Đề án sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tập trung thảo luận giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội

Ngày 9-4, Thành ủy Đà Nẵng tổ chức Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Đảng bộ TP Đà Nẵng khoá XXII để đánh giá tình hình công tác quý I, bàn nhiệm vụ trọng tâm quý II năm 2024 và cho ý kiến một số nội dung theo Quy chế làm việc. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng và Phó Bí thư Thành ủy...