Bộ Chính trị họp thông qua Đề án sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

Thứ hai, 22/04/2024 15:25
Sáng 19-4, tại trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã họp và cho ý kiến về Đề án sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tham dự cuộc họp có đồng chí Nguyễn Văn Quảng, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị thành phố Đà Nẵng và đồng chí Lê Trung Chinh, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng phát biểu tại cuộc họp.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Văn Quảng phát biểu tại cuộc họp.

Tại phiên họp, sau khi nghe lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương báo cáo nội dung đề án, phát biểu tiếp thu, bổ sung của đồng chí Bí thư Thành ủy Đà Nẵng và ý kiến trao đổi, thảo luận của các thành viên dự họp, Bộ Chính trị đánh giá cao công tác phối hợp chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo, trách nhiệm của Ban Kinh tế Trung ương và Thành ủy Đà Nẵng, nhất là các nội dung báo cáo, đề xuất với Bộ Chính trị; đồng thời đã thống nhất thông qua Đề án sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW.

Bộ Chính trị ghi nhận, đánh giá cao những kết quả thành phố Đà Nẵng đạt được sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW. Theo đó, nghị quyết đã được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Đà Nẵng nghiêm túc quán triệt và quyết liệt triển khai với nhiều cách làm đồng bộ, hiệu quả; Đà Nẵng từng bước củng cố và phát huy vai trò là trung tâm kinh tế - xã hội lớn của vùng và cả nước, cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng hiện đại, hướng tới là trung tâm vùng, nhất là dịch vụ, du lịch biển.

Công tác cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh gắn với thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đạt nhiều kết quả quan trọng. Văn hóa, xã hội, giáo dục và đào tạo, y tế có bước phát triển, các chương trình an sinh xã hội được duy trì với nhiều chính sách vượt trội, mang tính nhân văn, được dư luận đánh giá cao. Việc thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị gắn với đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền đạt được kết quả tích cực, khẳng định tính phù hợp của mô hình.

Đồng thời, Bộ Chính trị cũng đã chỉ rõ các khó khăn, hạn chế sau 5 năm thực hiện Nghị quyết như: Nhiều chỉ tiêu về phát triển kinh tế có khả năng khó hoàn thành nếu không có quyết tâm cao và các giải pháp phù hợp; quy mô kinh tế vẫn còn nhỏ và chưa có sự bứt phá… Ngoài các nguyên nhân khách quan, chủ quan đã nêu trong đề án, Bộ Chính trị chỉ ra một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến việc thực hiện nghị quyết đó là: Việc đặt ra mục tiêu, định hướng về vị trí, vai trò trung tâm của thành phố Đà Nẵng là khá cao trong khi cơ chế, chính sách đã được ban hành chưa mang tính đột phá, nguồn lực đầu tư chưa tương xứng trong bối cảnh không gian, dư địa phát triển của Đà Nẵng không còn nhiều.

Từ đó, Bộ Chính trị đề nghị thành phố Đà Nẵng cần tích cực phối hợp với các cơ quan Trung ương nghiên cứu, đề xuất toàn diện, kịp thời các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 43-NQ/TW, xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, là một trong những trung tâm đào tạo nguồn nhân lực, y tế chất lượng cao, khoa học - công nghệ phát triển của đất nước.

Trên tinh thần đó, Bộ Chính trị thống nhất ban hành Kết luận về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW với một số chủ trương, định hướng mới, phù hợp với bối cảnh và thực tiễn hiện nay của thành phố, trong đó giao thành phố Đà Nẵng chủ động phối hợp với các cơ quan Trung ương sớm tham mưu cấp có thẩm quyền đánh giá và đề xuất việc thực hiện mô hình chính quyền đô thị gắn với ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù tạo động lực mới thúc đẩy phát triển Đà Nẵng trong thời gian đến. Bộ Chính trị khẳng định việc thực hiện nhiệm vụ phát triển thành phố Đà Nẵng theo Nghị quyết số 43-NQ/TW là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, trước hết là trách nhiệm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Đà Nẵng.

* Trước đó, tại phiên họp thứ 32, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất ban hành Nghị quyết số 45/2024/UBTVQH15 về điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất bổ sung dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19-6-2020 của Quốc hội vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trình Quốc hội quyết định việc xây dựng, ban hành nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn và xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5-2024), theo quy trình 1 kỳ họp.

VĂN PHÒNG THÀNH ỦY ĐÀ NẴNG