Góc khuất blouse trắng (3)
* Bài 3: Áp lực từ người nhà bệnh nhân
Để khám chữa bệnh hiệu quả cho các bệnh nhân nặng thì sự hiểu biết và hợp tác của người nhà của họ là một trong những yếu tố rất quan trọng. Mặc dù vậy, nhiều khi chính họ vì quá lo lắng, lại không hiểu những quy trình cơ bản nên người nhà bệnh nhân tự cho mình quyền nói năng, hành động thái quá, thậm chí là xúc phạm nặng nề đến những người đang bằng mọi cách để đưa người thân của mình qua cơn nguy hiểm.
Các y, bác sĩ thăm bệnh tại khoa Gây mê hồi sức. Ảnh: C.K |
Muôn chuyện phiền hà ở khoa "nóng"...
Bước chân vào Khoa Gây mê hồi sức Bệnh viện Đà Nẵng, tiếng tích tè của máy móc cộng với hình ảnh các bệnh nhân nằm bất động, nhiều người thở bằng máy khiến những ai không quen cảm thấy khá bức bối. Tuy không ồn ào như khu vực cấp cứu, khám bệnh, nhưng không khí im lặng nơi đây luôn ẩn chứa sự căng thẳng tột cùng. Bác sĩ Lê Trọng Bình, Trưởng khoa Gây mê hồi sức, cho biết, với 144 cán bộ nhân viên đảm trách nhiều khâu như mổ, hồi sức ngoại khoa, hồi tỉnh, đây được xem là khoa "nóng" nhất, đa năng nhất của Bệnh viện. Phòng mổ có ngày phải thực hiện tới gần 100 ca trong khi khu hồi sức phải phục vụ từ 40-50 giường bệnh, mỗi y tá đảm trách từ 5-7 giường. Không chỉ căng thẳng trong điều trị bệnh, cán bộ ở đây còn phải vượt qua được áp lực từ người nhà bệnh nhân.
Làm việc lâu năm tại Phòng Hồi sức, bác sĩ Đoàn Quang Vinh tâm sự, phần lớn bệnh nhân vào đây liên quan đến chấn thương sọ não. Thực tế nếu họ hôn mê, bất tỉnh thì các thủ thuật của bác sĩ, y tá được tiến hành thuận lợi hơn so với những người nửa tỉnh nửa mê, mất kiểm soát, không làm chủ được hành vi. Còn những người say rượu, phê ma túy thì càng khó khăn hơn. Nhiều nhân viên vẫn không khỏi rùng mình khi nhớ lại cảnh náo loạn do một bệnh nhân tai nạn chấn thương nặng vì ngáo đá gây ra. "Bệnh nhân không làm chủ được mình, trước khi được chuyển vào viện đã tự dùng vật sắc cứa cổ rách chi chít, máu chảy rất nhiều. Sau khi được khâu lại, anh ta giật đứt hết chỉ. Chúng tôi buộc phải khống chế để khâu lại thì anh ta vùng dậy bẻ cây truyền dịch vụt tới tấp", điều dưỡng Võ Thị Hoài Thương nhớ lại. Cạnh đó, những lúc nước sôi lửa bỏng thì người nhà của họ thường mất bình tĩnh nên gây áp lực không đáng có cho nhân viên y tế. Bác sĩ Vinh cho biết: "Theo quy trình, khi có bệnh nhân vào thì chúng tôi có bộ phận chuyên môn tiếp nhận và triển khai các công việc cần thiết. Trong thời gian đó, bộ phận hành chính phải yêu cầu người nhà lập hồ sơ, bệnh án để theo dõi. Nhưng nhiều người không biết, cứ tưởng bác sĩ gây phiền hà, thậm chí là những chuyện tiêu cực. Họ đâu biết chúng tôi phải tính từng giây vì sức khỏe, tính mạng của bệnh nhân". Hoài Thương kể, đối với người nhà có hiểu biết và bình tĩnh thì mọi thứ được thực hiện rất nhanh chóng và thuận lợi. Nhưng gặp phải những người không hiểu quy trình, nóng nảy thì càng giải thích họ càng làm tới, càng gây áp lực. Phức tạp nhất là một người bệnh nhưng rất nhiều người nhà đi theo, ai cũng vây lấy bác sĩ để hỏi làm cho tình hình thêm rối. "Có nhiều người, khi được yêu cầu kê khai thông tin, làm đầu mối liên lạc hoặc thực hiện các thủ tục như đóng viện phí thì họ nói như chửi vào mặt "cứu người không lo, cứ lo tiền tiền". Thực ra trong thời gian đó, bệnh nhân đã được chuyển đến bộ phận chuyên môn rồi", điều dưỡng Thương kể.
Nhân lúc nói đến chuyện tế nhị mà rất nhiều người vẫn thường nói vui là chuyện "đầu tiên" khi vào bệnh viện, điều dưỡng trưởng Khoa Hồi sức Nguyễn Thị Phúc tâm sự: "Mọi thứ đều có căn nguyên của nó, cũng từ một ít trường hợp cá biệt mà ra, chứ không phải là chuyện phổ biến. Có lần khi chuyển bệnh nhân từ phòng mổ qua phòng hồi sức, người nhà cứ lấm lét đi theo sau để gửi tiền bồi dưỡng. Khi được giải thích người nhà, bệnh nhân không phải tốn thêm khoản gì ngoài tiền viện phí đồng thời nghe thông báo tình hình, họ vui vẻ cảm ơn rồi ra về. "Ai ngờ khi về phòng, tôi phát hiện ra cái phong bì trong túi áo, chẳng biết là bao nhiêu tiền nhưng tôi lập tức liên lạc và trả lại. Tôi hỏi anh, do mình không biết gì cả, nếu chẳng may trong khi làm việc, cái phong bì đó tự nhiên rơi ra chỗ đông người thì tôi biết giải thích ra sao, còn mặt mũi nào mà nói chuyện y đức nữa. Có phải họ đã vô tình gây phiền phức cho chúng tôi không".
Sự hợp tác của người nhà là rất quan trọng trong việc cứu chữa bệnh nhân. Ảnh: C.K |
...đến những lời nói, hành động khiếm nhã
Đội ngũ y bác sĩ tại khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện Đà Nẵng kể, nhiều người trong số họ có "hội chứng sợ điện thoại". Dù đó là phương tiện liên lạc cần thiết trong rất nhiều tình huống nhưng cũng lắm lúc đem lại phiền toái nếu chẳng may gặp phải người nhà nóng tính hoặc thích "phây búc". Một nữ điều dưỡng tâm sự, trong rất nhiều trường hợp, khi cần thiết phải hội chẩn nhanh thì các bộ phận thường liên lạc với bác sĩ thông qua điện thoại. Vậy nhưng nhiều người thấy vậy, chẳng biết đầu cua tai nheo như thế nào lại nhảy xổ tới chửi rồi vu lên là bác sĩ, y tá không lo cứu chữa cho bệnh nhân mà cứ ngồi "tám". Nhiều người "xui" đến nỗi vì bệnh nhân quá nhiều, phải liên lạc về nhà báo cho chồng đi đón con lập tức bị chụp hình đưa lên facebook kèm theo chú thích là "nấu cháo điện thoại" trong giờ làm việc. Không chỉ vậy, một số ít người dân có tâm lý xem thường bộ phận y tá, điều dưỡng nên luôn cho mình có quyền được quát tháo, mắng mỏ, thậm chí là đe dọa. Điều dưỡng Nguyễn Thị Phúc tâm sự: "Hàng ngày chúng tôi thường phải nghe rất nhiều người sử dụng cụm từ "Ê, con nớ" để gọi mình. Tổn thương lắm nhưng nhịn cho được việc. Có người khi cảm thấy không được hài lòng với những đòi hỏi vô lý, họ còn sấn tới đòi xem bảng tên để chụp ảnh lại, rồi gọi phản ánh lên lãnh đạo, lên đường dây nóng. Khi đó, dù đúng hay sai cũng phải giải trình. Và dù có đúng thì rồi "đòi được vạ, má đã sưng", chúng tôi tự hiểu với nhau thôi, họ đến rồi đi, để điều tiếng ở lại".
Công Khanh
(còn nữa)