Góc nhìn trái về doanh nghiệp FDI

Thứ tư, 25/09/2013 12:05

* Hơn 500 DN FDI “vắng chủ” với tổng vốn đăng ký khoảng 903 triệu USD

(Cadn.com.vn) - Đầu tư nước ngoài (FDI) được xem là thành công lớn của Việt Nam hơn 2 thập niên qua. 14.550 dự án (DA) với số vốn đăng ký lên đến hơn 200 tỷ USD (vốn thực hiện gần 100 tỷ USD) là minh chứng cho khả năng hấp thụ nguồn vốn ngoại của nước ta trong suốt một thời gian dài. Thế nhưng, câu chuyện chủ DN có vốn đầu tư nước ngoài (DN FDI) bỏ trốn như Edward Chi (nhà đầu tư căn hộ Tricon Tower - Hà Nội) vừa qua đã dấy lên sự quan ngại về cách quản lý của Nhà nước đối với loại hình DN này.

“Lặn” không sủi tăm

Sau cuộc họp căng thẳng với những chủ căn hộ của DA “hào nhoáng” Tricon Tower (KĐT Bắc An Khánh, Hoài Đức, Hà Nội), Edward Chi - người Mỹ gốc Hoa, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc đã “lặn” không dấu vết, để lại sau lưng một DA hoang phế, ít nhất có 128 nhà đầu tư kỳ vọng. Nhiều người trong số này đã dùng hết số tiền tiết kiệm của họ, thậm chí vay mượn NH để góp vốn, có người bỏ vốn trước lên tới 150.000USD.

Sự biến mất của văn phòng Tricon Tower đã cho thấy một “lỗ hổng” đáng báo động trong quy trình quản lý các DN FDI. Chuyện DN FDI bỏ chạy không phải là hiếm, nhưng thời gian gần đây, khi nền kinh tế chưa thoát khỏi suy giảm, bất động sản đầy những rủi ro tiềm ẩn thì hiện tượng này “rộ” lên.

Trong cuộc họp mới đây, Bộ KH-ĐT đã đưa ra nhiều quan điểm về loại DN này. Một chuyên gia lên tiếng, tình trạng chủ DN FDI bỏ trốn về nước (hoặc không liên lạc được) trong thời gian gần đã gia tăng đáng kể. Hiện có hơn 500 DN FDI “vắng chủ” với tổng số vốn đăng ký đầu tư khoảng 903 triệu USD.

Tại KCN Bình Dương, chủ đầu tư một DN dệt may (600 công nhân) đã “đào tẩu”, để lại khoản nợ lương công nhân 3-4 tháng cùng hàng tỷ đồng BHXH, nợ vay NH, các đối tác. Lý do cơ bản của hiện tượng này là kinh doanh kém hiệu quả, không hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước, không trả lương cho người lao động, mất khả năng thanh toán nợ NH...

Lãnh đạo Cty Magnicon 100% vốn Đài Loan, đã bỏ trốn với tiền nợ lương công nhân hàng tỷ đồng.

Ngân hàng chới với

Một vấn đề đáng quan tâm là đầu tư FDI vẫn còn ẩn chứa nhiều rủi ro. Thời gian qua, việc chuyển giao công nghệ tiên tiến của khối DN FDI chưa đạt như kỳ vọng, có tới 80% DN sử dụng công nghệ trung bình, đặc biệt là 14% mang theo máy móc, thiết bị lạc hậu vào Việt Nam. Điều này không chỉ tạo ra sản phẩm chất lượng thấp mà còn gây hao tốn năng lượng, lãng phí tài nguyên, nhất là tình trạng ô nhiễm môi trường.

Tín dụng NH trong khu vực kinh tế này cũng đang “báo động đỏ”. Mang thiết bị lạc hậu vào Việt Nam để chứng minh bỏ vốn đầu tư, rồi dùng tài sản đó thế chấp NH vay vốn là “chiêu” bỏ của chạy lấy người của một số DN FDI. Cách đây không lâu, một DN sản xuất hàng xuất khẩu Malaysia vào Việt Nam, vay vốn NH để sản xuất. Một thời gian sau, kinh doanh không hiệu quả, lấy lý do gia đình bất ổn, chủ DN ra đi, để lại nợ vay hơn 1 triệu USD. NH xử lý nợ xấu bằng cách “hốt của đổ” tài sản thế chấp hình thành từ vốn vay chỉ thu được hơn 5 tỷ đồng.

Thực tế có rất nhiều ông chủ đến từ Đài Loan, Hàn Quốc vay vốn, phá sản, trốn về nước để lại hàng chục triệu USD nợ xấu cho các NH. Điều này cho thấy, không ít nhà đầu tư FDI vào Việt Namvới ý tưởng “tay không bắt giặc”. Họ có chút ít vốn rồi vào kê khai quá mức, lập DA lớn, kê khai khống cơ sở hạ tầng DA để vay vốn NH rồi ôm tiền bỏ chạy. Khoản nợ vay không có khả năng thanh toán của các DN kiểu này không dừng lại ở hàng chục mà có thể lên đến hàng trăm triệu USD.

Lỗ vẫn mở rộng đầu tư (?)

Về nguyên tắc kinh doanh, không ai bị thua lỗ mà vẫn liều mở rộng đầu tư. Tuy nhiên, thực tế ấy đang diễn ra tại các DN FDI và chúng ta gần như không thể “đụng” được.

Thực hiện kế hoạch thanh tra (TT) năm 2012, TT Chính phủ đã tiến hành một đợt TT về việc chấp hành pháp luật về thu nộp NSNN tại các khu chế xuất và DN chế xuất trên địa bàn Hà Nội, TPHCM, Bình Dương và Đồng Nai. Kết quả TT đã nêu lên nhiều bất cập liên quan đến vấn đề này cũng như từng DN cụ thể, trong đó đặc biệt đáng chú ý là tình trạng các DN FDI liên tục khai lỗ lớn trong khi vẫn mở rộng đầu tư.

Theo kết quả, đến ngày 31-12-2011, qua kiểm tra 399 DN ở khu chế xuất có số thu phải nộp thuế, đã phát hiện ra 125 DN hạch toán lỗ trong 3 năm 2009 - 2011. Trong số này, có tới 36 DN lỗ 3 năm liên tiếp với tổng mức lỗ lên tới hơn 2.800 tỷ đồng; 69 DN khác có mức lỗ 2 năm liên tiếp với tổng mức lỗ 1.829 tỷ đồng. Điển hình nhất là Cty TNHH Sumitomo Bakelite Việt Nam (tại Hà Nội) lỗ lũy kế (LLK) 3 năm lên tới hơn 777 tỷ đồng. Tiếp đến Cty TNHH sản phẩm công nghiệp Toshiba Asia (tại Đồng Nai) với mức LLK 3 năm là hơn 430 tỷ đồng; Cty TNHH điện tử Meiko Việt Nam (Hà Nội) có số LLK 3 năm là hơn 300 tỷ đồng; Cty TNHH Fujitsu Việt Nam (Đồng Nai) với số LLK 2 năm là hơn 292 tỷ đồng.

Tuy nhiên, điều mà TT Chính phủ phát hiện là trong bối cảnh khai lỗ liên tục và lỗ lớn, một số DN vẫn có “tốc độ tăng doanh thu hằng năm cao, hoạt động SXKD liên tục được mở rộng, nhiều DN đã có số lỗ vượt quá số vốn chủ sở hữu”. TT Chính phủ cũng cho rằng, việc SXKD của DN chế xuất không hiệu quả do nhiều nguyên nhân, trong đó “có nguyên nhân từ việc chuyển giá trong giao dịch liên kết”. Tình trạng này không chỉ gây thất thu NSNN mà còn tạo nên sự mất công bằng trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế, tạo nên sự cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và nhiều hệ quả xã hội khác. Tuy nhiên, cho đến nay, do không xác minh được thông tin đầu ra đối với các DN nước ngoài nên cơ quan thuế không đủ cơ sở để xem xét, xử lý tình trạng này.

Vì sao xảy ra tình trạng này và vì sao không thể xử lý? Câu hỏi ngắn nhưng không dễ trả lời.

P.V

Giải pháp nào?

Việc các DN FDI đột ngột ngừng hoạt động, chủ đầu tư bỏ chạy về nước đã gây ra những thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế. Trước mắt là người lao động, các đối tác và NH. Không những thế, Nhà nước cũng thất thu ngân sách từ những khoản nợ thuế, tiền thuê đất, phí hạ tầng...

Vì vậy, để hạn chế những rủi ro, chúng ta phải nhanh chóng hoàn thiện khung pháp lý liên quan đến hoạt động đầu tư nước ngoài, nhất là các quy định của pháp luật về quy trình cấp giấy phép, phá sản, thanh lý... Những giải pháp phòng chống, hạn chế tình trạng nhà đầu tư bỏ trốn phải khả thi, đồng bộ, đồng thời để xử lý dứt điểm các DA không triển khai, tạo cơ hội cho các nhà đầu tư mới. Trong trường hợp chủ  DN FDI đã bỏ trốn, các cơ quan quản lý cần sớm đưa ra phương án xử lý quyết liệt, nhanh chóng xử lý hậu quả.

Muốn vậy, trước hết, hệ thống pháp luật phải được khôi phục, hoàn chỉnh để điều chỉnh hoạt động của các DN FDI. Tiếp theo, Bộ KH-ĐT, đặc biệt là từ Cục Đầu tư nước ngoài đến BQL KCN phải phối hợp, giám sát trước và sau khi cấp giấy phép đầu tư nhằm giảm thiểu tổn thất cho xã hội.

Dù lợi ích kinh tế mang lại vô cùng lớn, nhưng tình trạng DN FDI bỏ chạy đã gây nhiều hệ lụy ở những mức độ khác nhau về KT-XH và môi trường đầu tư. Ngay từ bây giờ, Luật Đầu tư (dự kiến điều chỉnh vào năm 2014) phải được sửa đổi theo hướng đảm bảo quyền lợi của người dân, DN nội địa khi tham gia lao động, đầu tư trực tiếp vào các nhà đầu tư này.

Văn Khoa