Gói 10 nghìn tỷ đồng: Ngư dân mừng & lo

Thứ ba, 17/06/2014 10:23

(Cadn.com.vn) - Quảng Nam là một trong những địa phương có điều kiện phát triển kinh tế biển. Tuy nhiên, có một thực trạng là các loại tàu thuyền có công suất lớn vẫn còn khiêm tốn nên ngư dân chủ yếu hoạt động ở tuyến lộng và tuyến bờ; sử dụng cách khai thác, đánh bắt truyền thống nên sản lượng ít, giá trị kinh tế không cao. Mới đây Chính phủ đã có chủ trương thực hiện chính sách tín dụng, ưu đãi nguồn vốn 10 nghìn tỷ đồng cho ngư dân vay đóng tàu vỏ sắt nhằm hỗ trợ lẫn nhau trong hoạt động đánh bắt để gia tăng chất lượng khai thác thủy hải sản. Đối với ngư dân Quảng Nam, đây là tín hiệu vui, nhưng cũng là một nỗi lo rất lớn.

Xã Tam Giang là một trong số những địa phương có số lượng tàu đánh khai thác thủy hải sản lớn nhất của H. Núi Thành, tỉnh Quảng Nam, với một đội tàu có hơn 50 chiếc, tổng công suất khoảng hơn 32 nghìn CV và có gần 2.000 ngư dân tham gia hoạt động đánh bắt thủy hải sản. Hiện nay, đội tàu của xã Tam Giang thì chỉ có 1 tàu có công suất khoảng 1.000 CV, do khó khăn về nguồn vốn nên việc đầu tư đóng mới tàu có công suất lớn tại đây còn hạn chế. Khi gói tín dụng 10 nghìn tỷ đồng được triển khai thì đây cũng là cơ hội để địa phương có điều kiện trang bị, nâng cao công suất tàu thuyền, tạo điều kiện để ngư dân yên tâm bám biển. Theo ông Phạm Văn Châu, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Giang, Núi Thành: "Dự án của Chính phủ, đây là cơ hội, địa phương cũng khuyến khích cho ngư dân, từ vỏ gỗ chuyển sang đóng vỏ sắt mang tính an toàn cho ngư dân khi khai thác trên biển".

Ngư dân đầu tư số tiền lớn để đóng mới tàu công suất lớn vươn khơi đánh bắt  hải sản,
giữ vững chủ quyền.

Không riêng gì ngư dân H. Núi Thành mà đối với các tỉnh ven biển miền Trung nói chung, phần lớn tàu khai thác hải sản của ngư dân có công suất nhỏ, vỏ gỗ, máy móc cũ, lạc hậu. Gói tín dụng 10 nghìn tỷ đồng lần này một phần để hỗ trợ cho ngư dân trong việc hoán cải các con tàu hiện nay cũng như sửa chữa, nâng cấp các con tàu đang xuống cấp và phần chủ yếu là để có tiềm năng đóng các con tàu sắt to lớn hơn. Theo tính toán, mức đầu tư cho những chiếc tàu vỏ thép cao hơn khoảng 60% so với tàu gỗ cùng kích thước. Tuy nhiên tàu vỏ thép có tốc độ di chuyển cao hơn, tiêu hao nhiên liệu thấp hơn 15%, có thể hoạt động đánh bắt, khai thác thủy sản trên biển liên tục dài ngày với độ an toàn cao hơn.

Mặc dù vậy, nhưng ngư dân cũng còn e ngại với việc chuyển đổi từ tàu gỗ sang tàu sắt bởi nhiều lý do. Anh Võ Công Thảo, xã Tam Hải, H. Núi Thành, Quảng Nam cho biết, bình quân một chiếc tàu gỗ có công suất khoảng từ 600 -700 CV thì chi phí cho một chuyến ra khơi khoảng 150 triệu đồng, nhưng đối với tàu sắt thì chi phí gấp 3 - 4 lần, chưa kể việc sửa chữa, bảo trì đối với tàu sắt cũng phức tạp hơn rất nhiều. Trao đổi với chúng tôi,  anh Thảo bày tỏ suy nghĩ: "Đóng tàu vỏ sắt chỉ để đảm bảo cho quá trình đi lại sóng gió, rồi phòng chống những tàu lạ, tàu Trung Quốc thôi, chứ còn nói về hiệu quả kinh tế, khai thác đánh bắt tài nguyên trên biển thì phải liên quan đến lao động, đến chi phí và đầu tư của thuyền viên. Mà nguồn thu nhập như hiện nay thì sợ rằng sẽ không đảm bảo cho thuyền viên bám biển".

Một trong những tàu vỏ sắt đầu tiên ở miền Trung được đầu tư vươn khơi.

 Rõ ràng, để chuyển đổi từ tàu vỏ gỗ sang tàu vỏ sắt là thay đổi cả quá trình, thói quen sản xuất của ngư dân. Vì vậy, đòi hỏi phải có sự tuyên truyền, giải thích cụ thể cho ngư dân hiểu rõ hơn về lợi ích của tàu vỏ sắt. Bên cạnh đó, việc tiếp cận với nguồn vốn cũng phải được triển khai nhanh chóng, kịp thời, tạo sự thông thoáng, tiện lợi cho ngư dân. Ông Ngô Tấn,  Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Nam cho biết: "sẽ có sự tiếp cận với ngư dân, bằng cách hướng dẫn cho họ những phương án, những kế hoạch, để trên cơ sở sau khi vay từ nguồn vốn hỗ trợ này, ngư dân có hướng làm ăn hiệu quả và bền chắc hơn. Bằng cách là vừa phải nâng cao công suất tàu thuyền và đồng thời đầu tư ngư lưới cụ hiện đại, phù hợp với tàu có công suất lớn".

Với gói tín dụng 10 nghìn tỷ đồng,  ngư dân sẽ được vay đến 90% tổng giá trị dự án đóng tàu vỏ thép, vật liệu mới với thời hạn vay đến 10 năm và vay 70% tổng giá trị dự án vay vốn đối với tàu vỏ gỗ với thời hạn 7 năm; lãi suất tối đa 3%/năm. Bên cạnh đó, ngư dân được sử dụng giá trị tàu đóng mới, tàu cải hoán, nâng cấp để bảo đảm vốn vay. Đây có lẽ là chính sách thông thoáng nhất từ trước đến nay về việc cho vay vốn trung và dài hạn để ngư dân đóng mới, cải hoán, nâng cấp tàu khai thác hải sản, tàu dịch vụ hậu cần phục vụ khai thác hải sản.

Thanh Hải- Long Phi