Gồng mình chống nắng hạn (Bài 2: Thiếu nước từ miền núi đến hải đảo)
Nắng nóng kéo dài gần 2 tháng nay đã khiến nhiều hộ dân miền núi của tỉnh Quảng Nam lao đao vì thiếu nước sinh hoạt. Đáng nói, tại một số xã đảo của địa phương này như Cù Lao Chàm, Tam Hải, người dân cũng không thoát khỏi "thảm cảnh" khi mực nước ngầm đang dần cạn kiệt.
Người dân xã Mà Cooih (H. Đông Giang) thiếu nguồn nước sinh hoạt nghiêm trọng. |
Vượt cả cây số để tắm giặt
Được xem là Khu dân cư kiểu mẫu của H. Phước Sơn, thôn Lao Đu (xã Phước Xuân) có hơn 100 hộ dân. Hơn tháng qua, lượng nước dẫn từ đầu nguồn về không đủ sinh hoạt. Bể chứa nước tự chảy của thôn cũng dần cạn kiệt. Thiếu nước sinh hoạt, hàng chục hộ dân dùng chung một ống dẫn nước nhỏ, thậm chí có người phải vượt hàng cây số để đi tắm giặt, rửa chén bát.
"Hai tháng nay hệ thống dẫn nước ở khe suối đưa về thôn bắt đầu chảy yếu rồi khô dần. Nước khan hiếm, những hộ sống gần bể mới có nước dùng, còn những hộ xa thì phải lên tận đầu nguồn khe suối này tắm giặt, chở nước về", anh A Hải (1975, trú thôn Lao Đu) thông tin. Không có nước sinh hoạt, cháu Y Dung (11 tuổi) cùng hai bé hàng xóm mang chén bát đến ống dây nước tự chảy của một người dân trong thôn để rửa. Cháu Dung cho hay, nhiều ngày qua nhà em không có nước, mọi sinh hoạt dùng nước đều phải ra ống nước tự chảy của hàng xóm.
Trước tình hình trên, ông Nguyễn Chí Sâm - Chủ tịch UBND xã Phước Xuân cho biết, 2 năm gần đây thời tiết thay đổi thất thường, nắng hạn gây thiếu nước trên địa bàn. Trước mắt địa phương đề xuất làm 2 giếng khoan để giải quyết tình trạng thiếu nước cho người dân thôn Lao Đu; đồng thời vận động người dân vệ sinh đường ống, bể nước tự chảy để tận dụng nguồn nước khe suối đưa về.
Nhiều bể chứa nước ở các khu dân cư vùng cao Quảng Nam khô cạn do không có nước. |
Dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh, hàng trăm hộ dân xã Cà Dy (H. Nam Giang, Quảng Nam) cũng gặp tình trạng thiếu nước tương tự. Hai tháng qua, hơn 30 hộ cụm dân cư Bến Giằng (thôn Bến Giằng, xã Cà Dy) phải mang từng chiếc can đi tìm nước về dùng. Ông Trần Ngọc Tiên - chủ một quán cơm ở thôn Bến Giằng cho hay, trước đây nhà ông bỏ tiền mua hơn 1.000m dây nước bắc lên đầu nguồn con suối ở địa phương về sử dụng, tuy nhiên do nắng nóng kéo dài nên hiện nay không có nước. Hiện mỗi ngày ông Tiên đều phải kéo xe chở hàng chục chiếc bình (loại 21 lít) đi lấy nước ở khu vực gần UBND xã Cà Dy về dùng. Tuy nhiên, người dân đi lấy nước rất đông nên phải chờ đợi lâu mới đến lượt. "Cứ đến mùa khô là khan hiếm nước. Ngày nào tôi cũng phải tranh thủ lên đây lấy nước sớm. Cuộc sống bà con đã khó khăn nay lại còn phải tốn thời gian, công sức mới có nước để dùng"- ông Tiên nói.
Chủ tịch UBND xã Cà Dy - ông Doãn Bing cho biết, vào mùa khô, nhất là từ tháng 5 đến tháng 8 nắng hạn không có mưa dẫn đến thực trạng thiếu nước sinh hoạt. Các con suối thì bị khô hạn, trong khi đó địa hình vùng núi phức tạp, việc kéo ống nước cho hộ dân không đồng đều, có chỗ nước dư, có chỗ nước thiếu trầm trọng. Người dân tự ý đấu nối đường dây dẫn nước cũng gây ảnh hưởng đến quá trình đưa nước về của các hộ khác. "Thời gian tới chúng tôi sẽ kiểm tra tất cả nguồn nước, đặc biệt những con suối đảm bảo nước sạch để kéo nước cho các hộ dân. Đối với những khu dân cư không có nguồn nước để kéo về hoặc quá xa, chúng tôi sẽ đề xuất với huyện có chủ trương khoan giếng đưa nước sinh hoạt về cho bà con"- ông Bing nói.
Người dân thôn Bãi Ông (Cù Lao Chàm) trữ nước phục vụ sinh hoạt. |
Xã đảo vật vã vì nắng hạn
Tại xã đảo Tân Hiệp (Cù Lao Chàm, TP Hội An), nắng nóng kéo dài khiến nhiều khe suối dọc các cánh rừng trên đảo khô cạn. Trong khi đó lượng nước ở bể chứa phục vụ sinh hoạt đang cạn kiệt gây khó khăn cho người dân. Mặc dù chưa bước vào cao điểm mùa khô nhưng nhiều hộ dân ở các thôn Bãi Ông, Bãi Hương đã thiếu nước sinh hoạt. Bà Mai Thị Tịnh (xóm Đồi Cao, thôn Bãi Ông) cho biết, khu vực nhà bà có 7 hộ dân, vào mùa nắng là thiếu nước. Trước đây các hộ dân thường đi xách nước về sử dụng, sau đó được địa phương đầu tư làm một đường dây nước bắc từ khe suối. Tuy nhiên do nắng nóng kéo dài, lượng nước về rất ít, người dân phải chờ rất lâu mới lấy được nước. "Các con suối dần khô cạn nên vài ngày mới có nước về. Ngoài ra, người dân tự ý đấu nối đường ống để dẫn nước về nhà mình cũng gây nên tình trạng thiếu nước"- bà Tịnh chia sẻ.
Bà Phạm Thị Mỹ Hương - Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp cho hay, đa số hộ dân trên địa bàn lấy nước ở hồ chứa Bãi Bìm với trữ lượng 80.000m3. Các thôn Bãi Ông, Bãi Hương thường thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô. Nặng nhất là thôn Bãi Ông, thôn này không thể khoan giếng vì phía dưới là lớp đá. Nếu nắng nóng kéo dài, không có mưa thì chắc chắn hồ chứa Bãi Bìm sẽ khô cạn. Khi đó các thôn sẽ thiếu nước và ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh, du lịch.
Để chủ động ứng phó khô hạn, ngay từ đầu năm, UBND xã Tân Hiệp đã có phương án chống hạn, tập trung thu nước rỉ tại các khe suối đưa về hồ chứa để người dân dùng. Ngoài ra, địa phương cũng chú trọng tu sửa và làm những đường ống nước kéo về khu tập trung. "Song song với bảo vệ nguồn nước thì công tác bảo vệ rừng được thực hiện rất nghiêm ngặt. Mọi tác động về rừng là không có nên đã bảo vệ được hệ sinh thái, bảo vệ nguồn nước. Chúng tôi cũng đang làm hồ sơ để xây dựng các bể nước ngầm"- bà Hương thông tin.
Tương tự, tại xã đảo Tam Hải (H. Núi Thành), do nắng nóng kéo dài nên nguồn nước ngầm nhiễm phèn, nhiễm mặn khiến hàng trăm hộ dân xã đảo bị thiếu nước sạch trầm trọng. Ông Trần Diệu (1962, trú thôn Bình Trung, xã Tam Hải) cho biết, ông thuê thợ đóng giếng sâu hàng chục mét, song nước bơm lên vẫn bốc mùi tanh, vài phút sau là ngả sang màu vàng. Mặc dù nước nhiễm bẩn nhưng nhiều năm qua, gia đình vẫn cố dùng để phục vụ cho việc tắm giặt. Còn nước uống gia đình ông phải xách can nhựa, chạy xe máy vượt cả chục cây số sang xã khác để lấy về sử dụng.
Trước tình hình trên, thời gian qua chính quyền xã Tam Hải đã cho lắp đặt các đường ống dẫn nước vào từng gia đình, nhưng đến nay đường ống đã có nhưng nước vẫn chưa đến được nhà dân. Lý giải cho vấn đề trên, ông Nguyễn Tấn Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hải cho biết, xã đã trích khoảng 200 triệu đồng lắp đặt đường ống ngầm kéo dài 1 cây số qua sông Trường Giang. Sau khi thăm dò, đánh giá tổng quan về trữ lượng nước ngầm, chất lượng nước, hệ số sinh hóa..., và sẽ tiến hành xây dựng đài nước nhằm cung cấp nước sạch cho người dân. Nguồn kinh phí đầu tư xây dựng một đài nước đạt chuẩn đặt tại thôn Bình Trung khoảng 4 tỷ đồng. Khi dự án trên hoàn thiện mới có nguồn nước sạch cung cấp cho bà con sử dụng.
(còn nữa)
BÃO BÌNH - ĐẠI THẮNG