Gót chân Achilles của Mỹ!
(Cadn.com.vn) - Nếu Mỹ không thể kết nối Nhật-Hàn, Trung Quốc sẽ tìm cách lợi dụng những căng thẳng trong mối quan hệ này.
Chính sách tái cân bằng Châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ xem ra khá phong phú, ít nhất là trong một số khía cạnh. Chẳng hạn, Washington và Tokyo tái khẳng định quan hệ chiến lược về các vấn đề khu vực và toàn cầu, động thái rõ ràng khiến Bắc Kinh dè chừng.
Nhưng có lẽ lập trường của Mỹ vẫn chưa được hoàn toàn "cân bằng", đặc biệt là khi nói đến các mối quan hệ Nhật - Hàn. Thái độ và hành động gây tranh cãi, đặc biệt là liên quan đến vấn đề lịch sử của Nhật - đồng minh thân cận của Mỹ - liên tục khiến không chỉ Trung Quốc, mà cả Hàn Quốc đều khó chịu.
Bắc Kinh dự định thiết lập "quan hệ quyền lực lớn kiểu mới" với Washington, nhưng chưa tìm thấy sự nhiệt tình hay hào hứng nào từ Nhà Trắng. Vì vậy, Trung Quốc không thể lãng phí không gian chiến lược vốn tồn tại những bất hòa và xung đột giữa hai nước láng giềng của mình. Bắc Kinh gần như biến mối quan hệ Tokyo - Seoul thành gót chân Achilles của Washington ngay cả khi Mỹ có chiến lược chuyển hướng tới khu vực này. Khi ảnh hưởng ở Hàn Quốc gia tăng, Trung Quốc sẽ có vị thế mạnh hơn để gây áp lực để Nhà Xanh giảm bớt mối quan hệ an ninh với Nhà Trắng.
Trong khi đó, Mỹ có đủ lý do để lo lắng về mối bất hòa Hàn-Nhật. Từ quan điểm của Nhà Trắng, không khó để tưởng tượng tình hình khu vực có thể sẽ khác như thế nào nếu Seoul cải thiện đáng kể mối quan hệ với Tokyo. Điều này sẽ giúp ổn định sự hiện diện của Mỹ ở Đông Bắc Á. Thực tế, các cuộc thăm dò cho thấy, 57,8% người Hàn Quốc ủng hộ Tổng thống Park Geun-hye cải thiện quan hệ với Nhật. Mặc dù vậy, mối quan hệ hai nước vẫn phải chịu đựng sự lạnh nhạt.
Và Nhà Trắng thấy mình rơi vào tình huống hơi khó xử: Mỹ, Trung, Hàn cùng phe Đồng minh chiến thắng Nhật trong Thế chiến II. Nhưng Washington tin rằng, Tokyo thành công trong công cuộc chuyển hướng phát triển hòa bình và trở thành đồng minh quan trọng của họ ở Đông Bắc Á. Tuy nhiên, Trung-Hàn đều có mối quan tâm của riêng mình. Và sự phân kỳ này vẫn chưa được khắc phục gây ra những phản biện của Bắc Kinh trong nỗ lực chống "tái cân bằng" của Mỹ.
Tình hình hiện nay giống như giải đấu bóng đá đa cấp ở Đông Á. Các cầu thủ không chỉ là Trung, Mỹ, mà còn các quốc gia khác như Hàn, Nhật. Bắc Kinh tin rằng có thể lợi dụng những chiến lược và chiến thuật khác nhau của sự khác biệt giữa 3 cầu thủ khác để tối đa hóa lợi nhuận.
Tổng thống Mỹ Barack Obama thể hiện mức độ linh hoạt nhất định liên quan đến chính sách hướng đến Trung Quốc, được thể hiện bằng thỏa thuận đáng chú ý với Chủ tịch Tập Cận Bình về các vấn đề khu vực quan trọng. Nhưng ông Obama chỉ còn có 2 năm ở Nhà Trắng. Sau năm 2016, Trung Quốc không biết liệu Nhà Trắng sẽ có lập trường khác hoặc mạnh mẽ hơn đối với mình hay không.
Và quan trọng hơn nữa, Washington có thể tìm thấy cách đối phó nghiêm túc với gót chân Achilles trong khu vực.
Thanh Văn