“Gót chân Achilles” của Trung Quốc

Thứ năm, 10/09/2015 08:56

(Cadn.com.vn) - Sự phụ thuộc của Trung Quốc vào dầu mỏ Trung Đông chính là mối đe dọa rất thực tế đối với sự ổn định trật tự kinh tế nước này và toàn cầu.

Khi những bất ổn gần đây trong nền kinh tế Trung Quốc khiến giới đầu tư lo ngại, giới chuyên gia lại đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng khác: đó là nguồn cung dầu mỏ. Sức tiêu thụ dầu mỏ tăng vọt của Trung Quốc và bất ổn ở Trung Đông đang trở thành vấn đề trung tâm và chính nó đang tạo ra cảnh quan năng lượng toàn cầu trong những năm gần đây.

Nhưng sự phụ thuộc quá lớn và ngày càng tăng của Trung Quốc từ khu vực ngày càng hỗn loạn này khiến quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới này phải đối mặt với các tác dụng phụ của sự gián đoạn nguồn cung. Tình hình an ninh bất ổn ở Trung Đông và thế cân bằng chính trị mong manh tạo mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh năng lượng của Trung Quốc và nói rộng ra, đe dọa sự ổn định của thị trường toàn cầu.

Trung Quốc khát dầu thô. Thực tế đó là rõ ràng. Quốc gia đông dân nhất thế giới tiêu thụ hơn 11 triệu thùng/ngày và chiếm hơn 1/3 nhu cầu dầu tăng thêm trên toàn cầu vào năm ngoái. Hiện nay, ngoài các nước Trung Đông, Venezuela và Nga đang chạy đua giành “miếng bánh béo bở” Trung Quốc. Nhưng có vẻ như bất chấp những nỗ lực tốt nhất của nhà sản xuất từ Moscow và Caracas, Bắc Kinh vẫn sẽ phụ thuộc dầu mỏ từ Trung Đông.

Năm 2014, khi Saudi Arabia quyết định bảo vệ thị phần chứ không cắt giảm năng suất sản xuất dầu mỏ dù phải đối mặt với giá dầu giảm, một cuộc chạy đua đã bùng nổ giữa các nhà sản xuất dầu ở Trung Đông. Mùa hè này, sản lượng dầu thô của Iraq ở mức cao kỷ lục và các nhà sản xuất dầu ở Vùng Vịnh Arab cũng tăng mức sản lượng lên cao nhất trong lịch sử, trong đó, Saudi Arabia đạt đỉnh ở khoảng 10,6 triệu thùng/ngày. Tất cả động thái này cùng với việc người Mỹ hướng đến khí đá phiến đã đẩy giá dầu giảm mạnh một lần nữa.

Tuy nhiên, Saudi Arabia vẫn kiên định từ chối cắt giảm sản lượng cũng như nhường lại thị phần với các đối thủ địa chính trị như Nga và Iran. Trước tình thế này, các quốc gia Trung Đông khác, như Iraq, cũng buộc phải tiếp tục sản xuất dầu thô ở mức cao kỷ lục để bảo vệ thị phần. Tương tự như vậy, Trung Quốc có lợi ích thương mại trong nhập khẩu dầu Trung Đông khi nhiều nhà máy lọc dầu của nền kinh tế số 2 thế giới chỉ lựa chọn dầu thô từ Vùng Vịnh. Và tất nhiên, trong ngắn hạn, Trung Quốc vẫn bị khóa trong tay các nhà sản xuất Trung Đông.

Nhưng mối nguy hiểm đặt ra cho Bắc Kinh là các quốc gia Trung Đông đang rất dễ bị tổn thương bởi các mối đe dọa khác nhau trong khu vực, nhất là mối nguy hiểm từ nhóm Hồi giáo cực đoan IS, căng thẳng phe phái... Tại Iraq, IS đốt giếng dầu Ajil, nắm giữ nhà máy lọc dầu Baiji ở bắc Tikrit, và tấn công đường ống dẫn đến Thổ Nhĩ Kỳ. Tại Saudi Arabia, nhà cung cấp dầu thô lớn nhất cho Trung Quốc, IS kích động bất ổn sắc tộc tại khu vực miền đông giàu dầu mỏ...

Vậy Bắc Kinh có thể làm gì để giải quyết vấn đề an ninh năng lượng Trung Đông của mình? Theo giới phân tích, thực tế là, trong ngắn hạn, Bắc Kinh chưa biết và không biết phải làm gì. Và đó chính là “Gót chân Achilles” của ngành năng lượng nước này.

Thanh Văn