Guam, Nhật “chờ” đối phó tên lửa Triều Tiên

Thứ hai, 14/08/2017 07:48

Giới chức quân đội Triều Tiên đang đưa ra những con số cuối cùng về kế hoạch bắn 4 tên lửa vào Nhật Bản và vùng lãnh thổ Guam của Mỹ, đồng thời khẳng định, sẽ trình bản kế hoạch này lên nhà lãnh đạo Kim Jong-Un trong vài ngày tới.

Hàn-Mỹ chuẩn bị tập trận Người Bảo vệ Tự do Ulchi
trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên gia tăng.
   Ảnh: Bussiness Insider

Đảo Guam vẫn là tâm điểm của cuộc khẩu chiến giữa Mỹ và Triều Tiên.

Trung tâm Thông tin Chung của Guam hôm 13-8 đã ra thông báo cảnh báo người dân làm thế nào để chuẩn bị “cho một mối đe dọa tên lửa sắp xảy ra”. “Đừng nhìn vào ánh đèn flash hoặc quả cầu lửa - nó có thể khiến bạn bị mù bạn”, thông báo lưu ý đồng thời nhấn mạnh: “Hãy nằm trên mặt đất và che đầu bạn lại. Nếu vụ nổ cách xa một chút, có thể mất 30 giây hoặc lâu hơn một chút”. Trong một tuyên bố, Nhà Trắng nêu rõ trong cuộc điện đàm với Thống đốc đảo Guam Eddie Calvo, Tổng thống Trump “trấn an” rằng, lực lượng Mỹ sẵn sàng đảm bảo an toàn và an ninh cho người dân Guam, cùng với phần còn lại của Mỹ.

Vẫn khẩu chiến gay gắt

Cuộc khủng hoảng Mỹ-Triều tiếp tục leo thang đáng lo ngại. Giới chức quân đội Triều Tiên đang đưa ra những con số cuối cùng về kế hoạch bắn tên lửa vào Nhật và vùng lãnh thổ Guam của Mỹ. Theo các nguồn tin, bản kế hoạch này sẽ được trình lên nhà lãnh đạo Kim Jong-Un trong vài ngày tới.

Trong một tuyên bố, tướng Kim Rak Gyom, Chỉ huy Lực lượng Chiến lược của Quân đội Nhân dân Triều Tiên, nói rằng, kế hoạch bắn  “4 tên lửa đạn đạo chiến lược tầm trung Hwasong-12... vốn được cho là lời cảnh báo quan trọng đối với Mỹ”, sẽ sẵn sàng vào giữa tháng 8”. Đáp trả, Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un “không có bất kỳ hành động nào nhằm vào Mỹ, các vùng lãnh thổ nước này như Guam hay các đồng minh của Washington”. Trả lời báo giới, Tổng thống Trump cho biết, Mỹ đang xem xét “rất cẩn thận” các phương án quân sự, đồng thời hy vọng, nhà lãnh đạo Kim Jong-Un nghe rõ những lời mà ông nói trong những ngày gần đây.

Giới lãnh đạo Triều Tiên tuyên bố chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch phóng cùng lúc 4 tên lửa Hwasong-12 về phía đảo Guam. Điều này được cho là nhằm áp đảo hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ. Cố vấn An ninh Nội địa của đảo Guam, ông George Charfauros cho biết, tên lửa Triều Tiên sẽ chỉ mất 14 phút để đến Guam. Tuy nhiên, để tấn công đảo Guam, tên lửa của Triều Tiên phải vượt qua hệ thống đánh chặn Aegis BMD và hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD. Vì vậy, giới chuyên gia quân sự vẫn hoài nghi khả năng của Bình Nhưỡng.

Trong khi đó, Nhật đã triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot để đối phó với tên lửa Triều Tiên. Theo NHK, Bộ Quốc phòng Nhật Bản bắt đầu triển khai hệ thống Năng lực Tân tiến Patriot-3 (PAC-3) ở Shimane, Hiroshima và Kochi, những tỉnh mà Bình Nhưỡng cảnh báo là nằm trên đường bay của các tên lửa. Hệ thống này cũng sẽ được triển khai ở Ehime gần đó. Các hình ảnh trên truyền hình cho thấy, xe quân sự chở các bệ phóng và các thiết bị khác cho hệ thống đất đối không PAC-3 đi vào một căn cứ Nhật Bản tại Kochi lúc tờ mờ sáng.

Tại Hàn Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Song Young-moo cảnh báo, lực lượng vũ trang của quốc gia “duy trì sự sẵn sàng đầy đủ” để “ngay lập tức trừng phạt bằng sức mạnh” bất kỳ hành động nào chống lại quốc gia miền Nam.

Phản ứng của các nước

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo thế giới khác đã kêu gọi các bên bình tĩnh khi cả Bình Nhưỡng lẫn Washington đều đưa ra những lời cảnh báo mạnh mẽ nhằm vào nhau.

Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, trong cuộc điện đàm với Tổng thống Trump, Chủ tịch Tập đã nói rằng, tất cả các bên liên quan cần kiềm chế, tránh những lời nói và hành động làm leo thang những căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel mô tả việc căng thẳng leo thang là “câu trả lời sai”, trong khi Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nói rằng, những cảnh báo của ông Trump “rất đáng lo ngại”. Liên minh Châu Âu (EU) tuyên bố sẽ triệu tập phiên họp bất thường vào hôm nay (14-8) để thảo luận về tình hình căng thẳng leo thang trên bán đảo Triều Tiên.

Từ Pháp, Tổng thống Emmanuel Macron kêu gọi cộng đồng quốc tế làm việc với Triều Tiên để “nối lại con đường đối thoại mà không có điều kiện”, sau cuộc điện đàm với ông Trump. Washington trước đó cho biết sẽ cân nhắc việc đàm phán với Bình Nhưỡng nếu họ đồng ý từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân, điều kiện tiên quyết mà giới chức Triều Tiên mô tả là “bất khả thi”.

KHẢ ANH