Mỹ-Trung “hằm hè” trừng phạt Triều Tiên
Trung Quốc cũng là quốc gia chủ chốt ủng hộ trừng phạt Triều Tiên. Nhưng các nhà phân tích vẫn hoài nghi rằng, liệu các nước có đi đến một biện pháp trừng phạt thực sự có hiệu quả hay không.
Triều Tiên tuyên bố đã thử thành công tên lửa ICBM. Ảnh: AP |
CNN ngày 26-7 dẫn lời một quan chức chính quyền cho biết, trong tuần này, Mỹ có thể nhắm mục tiêu các Cty Trung Quốc như một phần của các lệnh trừng phạt tăng cường nhằm vào Triều Tiên, bất chấp việc các nhà ngoại giao đang làm việc với Bắc Kinh tại LHQ để đạt được một thỏa thuận quốc tế mới về vấn đề này.
Phát biểu trước một ủy ban về quan hệ đối ngoại của Thượng viện, bà Susan Thornton, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ cho biết, Washington sẽ thắt chặt kiểm soát các cá nhân và các thực thể hỗ trợ cho các chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, bao gồm cả ở Trung Quốc. Bà Susan nhấn mạnh, Washington sẽ tăng cường hành động để bắt buộc Bình Nhưỡng phải từ bỏ việc phát triển hạt nhân và tên lửa. Bà Susan cũng kêu gọi Bắc Kinh phải kiềm chế nhiều hơn đồng minh Bình Nhưỡng và nhấn mạnh, Trung Quốc là nước duy nhất có ảnh hưởng đối với chế độ Triều Tiên.
Hồi tháng trước, Mỹ đã trừng phạt 2 cá nhân và 1 thực thể Trung Quốc. Giới quan sát cho rằng, nếu tiếp tục gia tăng trừng phạt như cảnh báo, đó chính là thông điệp rõ ràng gửi đến cộng đồng quốc tế: nếu bạn tìm cách trốn tránh các biện pháp trừng phạt và làm ăn với các thực thể của Triều Tiên, bạn sẽ phải trả giá.
Những tuyên bố cảnh báo này của Mỹ được đưa ra trong bối cảnh Washington đang đạt tiến triển trong đàm phán với Bắc Kinh về việc áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Triều Tiên. Ngày 26-7, Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley xác nhận việc này nhưng cho rằng “thử thách thực sự” là việc những biện pháp nào sẽ được Nga nhất trí.
Giới quan sát cho rằng, Moscow sẽ khó chấp nhận việc gia tăng trừng phạt nhằm vào Bình Nhưỡng. Hôm 24-7, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Gennady Gatilov cho biết, một nghị quyết mới tiềm tàng của HĐBA về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên không nên tìm cách bóp nghẹt nền kinh tế của Bình Nhưỡng.
Vấn đề khác đặt ra nữa là Moscow đang rất tức giận sau khi Hạ viện Mỹ thông qua dự luật áp đặt các trừng phạt mới chống Nga, bất chấp việc Tổng thống Donald Trump phản đối dự luật này. Các chuyên gia cho rằng, việc Hạ viện Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào các quan chức cấp cao của Nga để trả đũa cáo buộc Moscow can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 sẽ cản trở Nhà Trắng dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Nga, gây phức tạp cho những nỗ lực của ông Trump nhằm cải thiện quan hệ với người đồng cấp Putin.
Dự luật này phải được Thượng viện Mỹ thông qua trước khi chuyển đến Nhà Trắng để Tổng thống Trump ký phê chuẩn thành luật hay phủ quyết. Hiện các nhà lãnh đạo Thượng viện Mỹ vẫn chưa cho biết khi nào sẽ xem xét dự luật trên, trong khi Nhà Trắng nói rằng, tổng thống chưa quyết định liệu ông có phê chuẩn các biện pháp trừng phạt này hay không.
Nhưng rõ ràng, những bình luận mới nhất của bà Susan cho thấy nỗ lực cân bằng khá khôn khéo của Tổng thống Donald Trump trong vấn đề Triều Tiên. Một mặt, Mỹ “nhờ” đồng minh then chốt Trung Quốc để gây áp lực lên Bình Nhưỡng. Một mặt, họ cảnh báo các biện pháp trừng phạt nhằm hạn chế thương mại và nhập khẩu của Triều Tiên.
Washington xem Bắc Kinh là chìa khóa để giải quyết vấn đề Triều Tiên, ngay cả khi Bình Nhưỡng tăng cường thử tên lửa và hạt nhân kể từ sau cuộc bầu cử đưa ông Trump lên nắm quyền. Hôm 26-7, Triều Tiên lại cảnh báo tấn công hạt nhân phủ đầu nhằm vào Mỹ. Yonhap ngày 26-7 dẫn một bản tin của Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết, nước này sẽ thực hiện đòn tấn công phủ đầu bằng hạt nhân vào Mỹ trong trường hợp Washington có những tính toán sai lầm.
Lời cảnh báo trên do Bộ trưởng Các lực lượng vũ trang Triều Tiên Pak Young-sik đưa ra trong bài phát biểu tại một cuộc mít-tinh được tổ chức nhân dịp 64 năm ngày ký kết hiệp định đình chiến chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên (27-7), như càng “đổ thêm dầu vào lửa” vào thời điểm Mỹ-Trung đang hằm hè tăng cường trừng phạt.
KHẢ ANH