Hà My quê tôi
(Cadn.com.vn) - Làng Hà My nằm phía Đông-Nam P. Điện Dương, TX Điện Bàn (Quảng Nam), diện tích khoảng 6 km2, số dân hơn 1.600 hộ; phía Bắc giáp sông Hà Sấu và làng Hà Quảng; phía Đông giáp biển Đông và P. Cẩm An; phía Tây giáp làng Hà Gia, Hà Bản và P. Điện Nam Đông; phía Nam giáp xã Cẩm Hà, TP Hội An.
Theo các bậc cao niên trong làng, có thể hiểu địa danh Hà My nôm na: Hà là sông, là nước; My là cái doi đất, cái nổng đất. Phải chăng, nhờ cái tên làng mang "dáng sông, hình đất" như vậy mà địa danh Hà My, tên đất, tên người Hà My đã trở nên thân quen không chỉ là con dân làng Hà My mà của rất nhiều người khác xứ.
Bia tưởng niệm... |
Làng Hà My trước đây được chia thành 2 thôn là Hà My Đông và Hà My Tây. Hiện, làng Hà My được chia thành 4 thôn: Hà My Đông A, Hà My Đông B, Hà My Trung và Hà My Tây. Người dân làng Hà My ngày xưa làm nông nghiệp, một số ít làm nghề biển. Ngày nay, ngoài nông - ngư nghiệp, dân trong làng đã mở mang nhiều ngành nghề như thương mại, dịch vụ du lịch, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, chăn nuôi.
Làng Hà My buổi sơ khai có tên xứ Hà Tôm, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Hoa, Quảng Nam Thừa Tuyên đạo. Vào khoảng năm 1820, vua Minh Mạng đổi tên xứ Hà Tôm thành xã hiệu Hà My, tổng Phú Triêm, phủ Điện Bàn, trấn Quảng Nam. Theo đó, tên ấp, tên xóm của làng Hà My cũng được hình thành: Xóm Trung, xóm Tây, xóm Đông, xóm Trảng Cát, Gò Nông, Sa Khê, Văn Kinh, Thăng Liên, xóm Huế, xóm Nò, xóm Lờ; khai hoang vỡ hóa nhiều cánh đồng màu mỡ như Hà Thại, Hà Lầy, Đập Ông, Bờ Mới, Trảng Hớn, Trảng Sĩ, Trảng Thiều, kinh Thủy Kỳ, Cây Duối, Hà Chang, Bảy Rẫy, Khe Trong, Trảng Cỏ, Bồ Đề, Khúc Giá, Sông Trên. Ngoài biển ngang có Lăng Ông, Bến trên, Bến dưới. Trong sông Hà Sấu có bến Tàu xóm Hải Chữ, cồn Đội để thuyền các nơi giao lưu buôn bán, đồng thời là nơi tránh bão của ngư phủ trong mùa mưa lũ.
Để chống ngập mặn xâm nhập ruộng đồng, dân làng Hà My đã đắp con đập mang tên bờ Thanh niên, bờ Phụ nữ, đập Ông Sắc, mà nay hay gọi đập Ba Ra. Làng Hà My còn có cầu Xã Nhi, cầu ông Điền và cầu Nghĩa Tự, có rừng dừa nước rậm rạp quanh năm che phủ. Đây cũng là nơi ẩn nấp, che giấu du kích, cán bộ trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược; có rừng dương liễu vi vu trong nắng gió bên bờ biển Hà My, bao bọc xóm làng ở mảnh đất nơi đầu sóng ngọn gió.
Trong phong trào Nghĩa hội Quảng Nam của chí sĩ Nguyễn Duy Hiệu, ở làng Hà My có ông Nguyễn Hữu Bành, thường gọi là ông quan Bếp Bành, là người thông minh, văn võ song toàn, thân cận với Nguyễn Duy Hiệu. Khi Nghĩa hội Quảng Nam tan rã, ông cũng đã bị giặc truy sát và chặt đầu ở cây Trâm, Thăng Bình. Làng Hà My còn có nhiều người tài cao học rộng, văn hay chữ tốt. Điển hình như thầy Thuần, được mời ra Triều đình Huế chữa bệnh cho vua; thầy Ba Phụng, vạn pháp quy tôn, bắt ấn qua sông; thầy Thận bốc thuốc thần y cứu người độ thế; thầy Nghê mở trường dạy học, học trò tài ba lỗi lạc; thầy phó Dục văn hay chữ giỏi; Lê Huân làm lý trưởng làng Hà My và làm phó Tổng Phú Triêm; có 2 vị Đô đốc Ngữ và đô đốc Tâm; có những con người nổi tiếng một thời như xã Nhúm, xã Giêng, xã Nhạc,...
...và một KDC mới ở Hà My. |
Tại làng Hà My, chi bộ Đảng được thành lập khá sớm. Năm 1948, Đại hội Đảng bộ xã Điện Dương lần thứ Nhất tại nhà bà Chương. Tháng 4 -1952, Đại hội lần thứ 2 của Đảng bộ xã Điện Dương tổ chức tại đình làng Hà My. Đình làng Hà My ngày ấy có cây đa, giếng nước, sân đình, có ruộng đồng bốn bề che chở, có cây Sợp tán lá che phủ một khoảng trời. Cùng với việc khôi phục và phát triển kinh tế, năm 2011, Ban đại diện Hội đồng chư tôn tộc làng Hà My đã vận động kinh phí để xây dựng lại nhà thờ tiên tự của làng.
Năm 1966, giặc Mỹ ra sức bắn phá, cày ủi, hủy diệt, biến Điện Dương thành vành đai trắng, đem quân chư hầu lữ đoàn Rồng Xanh Đại Hàn đến ém quân tại Hà My. Chúng xây dựng nơi đây 2 sân bay chiến lược, ra sức tàn sát đồng bào. Năm 1968, máu xương của hàng trăm người dân vô tội đã đổ xuống. Trong một buổi sáng sớm, bọn lính Rồng Xanh Đại Hàn ra tay tàn sát 24 người dân đang đi làm nghề chài lưới ở bến ông Đậu. Ngày 24-2-1968, chúng đã càn quét xóm làng, tập trung 135 người dân Hà My Tây vào nhà thờ rồi nã súng sát hại dân lành, đa số là người già, phụ nữ và trẻ em.
Qua 2 cuộc chiến tranh chống ngoại xâm, Hà My là một trong những làng có số liệt sĩ, thương binh, Bà mẹ VNAH nhiều nhất phường Điện Dương: xóm Tây có 64 liệt sĩ, hàng chục thương binh, 9 Bà mẹ VNAH; đặc biệt, gia đình ông Nguyễn Điểu có 11 liệt sĩ.
40 năm sau ngày quê hương giải phóng, đến nay, diện mạo làng Hà My đã thay da đổi thịt, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân đã được nâng lên đáng kể. Và, khi Điện Bàn trở thành thị xã, Điện Dương lên phường, làng Hà My quê tôi cũng đã, đang mang hình hài của phố với những khu phố mới, nhiều biệt thự, resort mọc lên bao khát vọng đổi đời của một vùng quê giàu truyền thống cách mạng.
Đinh Văn Dũng