Văn hóa giao thông, văn minh đô thị:

Hải Châu quyết liệt chấn chỉnh ATGT – TTĐT

Thứ ba, 28/10/2014 09:06

(Cadn.com.vn) - Hải Châu là quận trung tâm của TP Đà Nẵng, với mật độ dân số đông đúc, nhiều tuyến đường trọng điểm nên công tác đảm bảo TTATGT, trật tự đô thị (TTĐT) luôn là vấn đề "nóng" được lãnh đạo địa phương quan tâm.

Để công tác đảm bảo ATGT-TTĐT đi vào ổn định, ngay từ đầu năm Ban ATGT quận đã xây dựng Kế hoạch số 387 về việc triển khai công tác đảm bảo TTATGT trên địa bàn và các kế hoạch khác như tuyên truyền, triển khai đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm về sản xuất kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm...

Tham mưu cho Quận ủy, UBND quận triển khai xây dựng mô hình điểm về công tác quản lý trật tự vỉa hè trên địa bàn quận, đồng thời đề xuất các giải pháp thực hiện. Tổ chức phân công lực lượng thực hiện nghiêm túc kế hoạch của UBND quận về "Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự vỉa hè trên các tuyến đường trọng điểm trên địa bàn quận năm 2014".

Theo đó, các lực lượng CSGT, CSTTCĐ-Đội kiểm tra quy tắc đô thị quận và CA các phường đã tổ chức tuần tra, tuyên truyền, kiểm tra xử lý vi phạm, sắp xếp trật tự tại 17 tuyến đường trên địa bàn quận góp phần giữ gìn mỹ quan đô thị, vỉa hè thông thoáng. Tiếp tục kiện toàn tổ chuyên trách trật tự du lịch Q. Hải Châu có nhiệm vụ đảm bảo TTATGT và chống đeo bám, chèo kéo khách du lịch.

Để công tác tuyên truyền đến tận từng người dân, UBND quận còn triển khai nội dung tuyên truyền về quản lý trật tự vỉa hè trên hệ thống xe lưu động và hệ thống loa công cộng ở địa bàn khu dân cư; thực hiện treo 60 panô, 30 băng rôn khẩu hiệu tuyên truyền trực quan trên các tuyến đường trọng điểm.

Tổ chức cho 100% các hộ, cơ quan mặt tiền trên 17 tuyến đường tổ chức sắp xếp trật tự vỉa hè cam kết việc sử dụng vỉa hè, để mô-tô, xe đạp... đúng quy định, phát tờ rơi tuyên truyền... Mở các lớp tuyên truyền pháp luật về ATGT cho hơn 350 lái xe của hãng taxi Tiên Sa, 850 học sinh và giáo viên Trường Tiểu học Tây Hồ.

Bên cạnh đó. Lực lượng CA và quận đoàn tổ chức tuyên truyền Luật GTĐB ở 1.025 tổ dân phố, 1.017 cơ quan với hơn 39.000 lượt người dự nghe. Tổ chức khảo sát, làm việc với 7 trường học trên địa bàn gồm trường Trưng Vương, Nguyễn Huệ, Hoàng Văn Thụ, Tây Sơn, Phan Thanh, Lý Công Uẩn, Lý Thường Kiệt nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trước cổng trường trong các giờ cao điểm. Qua đó phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị, CSGT quận áp dụng biện pháp "phạt nguội" đối với ô-tô dừng, đỗ không đúng nơi quy định... nhờ vậy tình trạng ùn tắc giao thông, trước cổng trường đã giảm đáng kể.

Việc dừng, đỗ xe không đúng quy định nhất là trên một số tuyến phố như: Trần Phú, Bạch Đằng, Phan Đình Phùng, Phan Châu Trinh, Trần Bình Trọng... có chiều hướng giảm. Nhờ thực hiện quyết liệt các biện pháp đảm bảo ATGT trên địa bàn nên trong 9 tháng đầu năm trên địa bàn Q. Hải Châu đều giảm cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương so với cùng kỳ năm 2013 (giảm 9 vụ nghiêm trọng, 4 vụ ít nghiêm trọng, 5 người chết, 11 người bị thương).

Dù được tuyên truyền, vận động nhưng tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường vẫn diễn ra (buôn bán dưới lòng đường Ông Ích Khiêm trưa 20-10). 

Tuy nhiên, đối với công tác đảm bảo TTĐT, mặc dù các ngành chức năng đã kiên quyết vào cuộc thì kết quả vẫn chưa được như mong muốn. Do đa phần các hộ buôn bán hàng rong đều là những hộ nghèo, vì mưu sinh họ sẵn sàng chịu phạt, chịu đẩy đuổi nên xảy ra tình trạng "bóp" chỗ này thì lại "phình" ra chỗ kia nên cứ nếu có lực lượng chức năng "đuổi" thì tạm thời "chạy", còn khi lực lượng chức năng khuất bóng thì đâu lại vào đấy. Để xử lý nghiêm tình trạng buôn bán lấn chiếm vỉa hè, vi phạm ATGT, Q. Hải Châu đang tính đến phương án xử lý cả người mua hàng chứ không chỉ người bán.

Tại hội nghị sơ kết công tác đảm bảo ATGT-TTĐT 9 tháng vừa qua của Q. Hải Châu, ông Huỳnh Văn Rân - Đội trưởng Đội quy tắc quận thẳng thắn, xảy ra tình trạng nhiều người vẫn cố tình lấn chiếm buôn bán ở vỉa hè một phần là do ý thức của người mua còn thấp. Nhiều người khi tham gia giao thông, thấy người ta buôn bán dọc vỉa hè là dừng xe lại mua và cho rằng đó là thuận tiện, khi bị nhắc nhở thì họ chỉ cần "vù" ga một cái là xong.

Vì vậy theo ông Rân, ngoài việc tuyên truyền cho những người buôn bán hàng rong không lấn chiếm vỉa hè thì cần tuyên truyền cho cả những người mua hàng để tránh tình trạng "có cầu thì ắt có cung". Ông Lê Anh - Chủ tịch UBND Q. Hải Châu, Trưởng Ban chỉ đạo ATGT-TTĐT quận cho rằng, việc xử lý những người buôn bán lấn chiếm vỉa hè, không đúng nơi quy định là một nhẽ.

Tuy nhiên, chúng ta cũng phải xử lý cả những người mua hàng hóa không đúng nơi quy định. "Không thể để ở một thành phố văn minh thế này mà cứ gánh gánh cá, đẩy cái xe đi bán thịt, bán rau tràn lan trên các tuyến phố, làm mất mỹ quan đô thị. Các anh (thành viên của Ban ATGT-TTĐT quận) nghiên cứu xem có cách nào để xử lý những người mua không đúng nơi quy định không, rồi xem có đưa vào để bình xét tiêu chí gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa không..."-Ông Lê Anh nhấn mạnh.

Được biết, để quản lý ATGT-TTĐT, Thường trực Quận ủy, UBND Q. Hải Châu còn chỉ đạo mở các lớp tập huấn kiến thức công tác "đảm bảo TTĐT-môi trường" cho cán bộ phường, tổ trưởng tổ dân phố, bí thư chi bộ... tại 13 phường do Trung tâm bồi dưỡng chính trị Quận thực hiện. Trong 8 tháng qua, Trung tâm đã hoàn thành kế hoạch mở 14 lớp với tổng số học viên là 1.500 người.

Qua đó, đã chuyển tải được nhiều kiến thức về đảm bảo TTĐT-môi trường để áp dụng tại các khu dân cư, tổ dân phố. Mặt khác, để dần chuyển hướng ngành nghề cho các hộ buôn bán ngoài việc xây dựng tuyến phố chuyên doanh Lê Duẩn theo kế hoạch của UBND TP, hiện UBND Q. Hải Châu cũng đang xây dựng thêm 2 tuyến phố chuyên điểm tâm khác là Huỳnh Thúc Kháng và Nguyễn Thái Học. Thực hiện chủ trương cho người dân mượn các lô đất trống, bố trí các khu vực vỉa hè cho các hộ kinh doanh, buôn bán, cải thiện đời sống góp phần đảm bảo ATGT và xây dựng văn minh đô thị.

Nguyễn Tuấn