Hai nhà giáo tài hoa và con đường hướng về Cách mạng

Thứ bảy, 20/11/2021 17:56

Có hai người thầy giáo đã sử dụng sự tài hoa của mình để đóng góp vào sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, giải phóng dân tộc. Đó là hai tên tuổi lớn trong nền thơ ca, âm nhạc Việt Nam: Ngô Kha, Trịnh Công Sơn  

 Liệt sĩ, nhà giáo, nhà thơ Ngô Kha                                               Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn 

Nhà giáo, nhà thơ Ngô Kha 

Sau khi tốt nghiệp thủ khoa khóa đầu tiên Trường Đại học Sư phạm Huế (1958-1959) và tốt nghiệp cử nhân Luật khoa (1962) người thanh niên yêu nước Ngô Kha (1935-1973) vừa đi dạy Văn và Công dân ở các trường Quốc học, Hàm Nghi, Nguyễn Du, Hưng Đạo vừa tham gia tích cực các phong trào yêu nước tại Huế. 

Trong khi giới trẻ miền Nam đang nhiễm độc bởi thứ văn nghệ "tâm lý chiến" được chế độ Mỹ- Diệm "rao hàng tận nơi" thì vào năm 1961, Ngô Kha cho xuất bản tập thơ đầu tay mang tên "Hoa cô độc". Tập thơ xuất hiện như một "nỗi buồn lặng lẽ và trong sạch, thực chất là một thái độ hoài nghi và dừng lại trước lẽ sống bịa đặt của chế độ Mỹ- Diệm" (Hoàng Phủ Ngọc Tường, "Nhớ Ngô Kha", 1990). Tiếp đó, ông liên tiếp xuất bản các tập thơ "Trường ca hòa bình" (1968) và "Ngụ ngôn của người đãng trí" (1969), kêu gọi mọi người cùng đứng lên giành lại hòa bình cho dân tộc. Với cách nhìn tiến bộ như thế, nhiều tác phẩm văn chương và chính luận của Ngô Kha cũng thường xuyên được đăng tải trên các báo, tạp chí công khai ở miền Nam như: Trình Bày, Mai, Đất Nước, Đối Diện, Hướng Đi, Tin Tưởng...

Năm 1970, Ngô Kha cùng với Trịnh Công Sơn, Trần Viết Ngạc, Lê Khắc Cầm, Chu Sơn và Thái Ngọc San chủ trương phong trào Tự quyết, ra tập san Tự Quyết. Năm 1972, ông tham gia thành lập và được bầu làm Chủ tịch Mặt trận Văn hóa Dân tộc miền Trung, đặt dưới sự lãnh đạo của Thành ủy Huế. Ông cũng là chủ biên tập san của Mặt trận. Đặc biệt, ông đã cùng với văn nghệ sĩ Huế lên tiếng ủng hộ tuyên bố 7 điểm đề nghị chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình được bà Nguyễn Thị Bình, Trưởng đoàn Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, công bố tại Hội nghị Paris (ngày 1-7-1971).

Nhà thơ, nhà báo Thái Ngọc San, một thành viên của nhóm trí thức đấu tranh Tự quyết của Ngô Kha, nhớ lại: "Đầu những năm 70, thầy giáo, nhà thơ Ngô Kha xuất hiện như một ngọn cờ, hô hào bãi khóa, xuống đường và khởi thảo các bản tuyên ngôn, tuyên chiến với chế độ Sài Gòn. Những bài thơ mới của Ngô Kha trong giai đoạn này là những khúc tráng ca mang đầy dấu ấn của thời cuộc. Chính vì vậy mà nhà chức trách đương thời ở Huế đã rất điên cuồng tìm mọi cách để triệt hạ ngọn cờ Ngô Kha".
Ngô Kha từng bị chế độ Việt Nam Cộng hòa bắt hai lần vào các năm 1966, 1971. Đến khoảng đầu năm 1973, khi gần Tết đến Xuân về, Liên Thành- Trưởng ty Cảnh sát quốc gia Thừa Thiên đã lệnh bắt ông và sau đó đã giết hại người thầy giáo đáng kính của nhiều thế hệ học sinh Huế.

Ngày 3-11-1981, nhà thơ, nhà giáo Ngô Kha được công nhận là liệt sỹ. Ngày nay, một con đường ở gần nhà ông và trường tiểu học tại địa bàn P. Gia Hội, TP  Huế được mang tên liệt sĩ, nhà thơ, nhà giáo Ngô Kha.

Nhà giáo, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn

Trịnh Công Sơn theo nghề giáo tại tỉnh Lâm Đồng trong 3 năm (1964-1967) và tại Thừa Thiên - Huế trong 2 năm (1973-1974). 

Ngoài là một nhà giáo, nhạc sĩ, Trịnh Công Sơn còn là một người đấu tranh tích cực cho phong trào hòa bình tại miền Nam. Năm 1970, ông đã tham gia phong trào Tự quyết với Ngô Kha, Trần Viết Ngạc, Lê Khắc Cầm, Chu Sơn và Thái Ngọc San. Lê Khắc Cầm, một trí thức làm cơ sở cho Thành ủy Huế nhớ lại: "Anh Sơn biết tôi là cơ sở của Thành ủy... Chúng tôi trong đó có Trịnh Công Sơn đọc rất nhiều sách báo từ chiến khu gửi vào và đặc biệt đêm nào cũng ôm cái radio nghe đài Hà Nội với sự ngưỡng mộ Cách mạng".

Ngày 30-4-1975, nhà giáo, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã hát "Nối vòng tay lớn" tại Đài phát thanh Sài Gòn vừa được cách mạng tiếp quản. Ông xúc động nói: "Tôi, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, rất vui mừng và cảm động gặp và nói chuyện với tất cả các anh em nghệ sĩ ở miền Nam Việt Nam này. Hôm nay là cái ngày mà mơ ước của tất cả chúng ta đó là ngày mà chúng ta giải phóng hoàn toàn tất cả đất nước Việt Nam".

Sau khi miền Nam được giải phóng, người thầy giáo năm nào đã sống lại một cách yêu đời, yêu người trong tâm hồn Trịnh Công Sơn. Trong ca khúc "Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui", ông đã thể hiện sự yêu đời, yêu người của mình với cuộc sống mới: "Và như thế tôi sống vui từng ngày/ Và như thế tôi đến trong cuộc đời/ Đã yêu cuộc đời này bằng trái tim của tôi". Sống dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, ông đã có những sáng tác đi cùng năm tháng về những con người xã hội chủ nghĩa. 

Vào năm 1981, cùng với các nhạc sĩ Trần Long Ẩn, Phạm Trọng Cầu, ông đã đi thực tế đời sống mới ở nông trường Nhị Xuân (H. Hóc Môn, TPHCM), nơi có những Thanh niên xung phong đang ngày đêm  đóng góp sức trẻ của mình. Mấy tháng sau, ông hay tin có 20 nữ Thanh niên xung phong ngày đó ông gặp đã hy sinh ở biên giới Tây- Nam nên ông đã sáng tác nên ca khúc "Em ở nông trường em ra biên giới" để ca ngợi về những con người xã hội chủ nghĩa. Đầu năm 1984, Trịnh Công Sơn khi thăm nhà bảo tàng ở Quảng Bình. Ông rất xúc động khi thấy tấm ảnh mẹ Suốt (1908-1968) và sau đó  đã sáng tác nên ca khúc "Huyền thoại Mẹ". Ca khúc này của ông đã tạo nên tượng đài về Mẹ Tổ quốc bất tử…  Cùng với gia tài âm nhạc đồ sộ, những ca khúc Cách mạng của Trịnh  Công Sơn góp phần không nhỏ vào sự phát triển của nền âm nhạc Việt Nam sau giải phóng, cổ vũ các phong trào thi đua trong xây dựng và phát triển đất nước.

Ở Huế hiện đã có đường Trịnh Công Sơn, đã có Gác Trịnh ở đường Nguyễn Trường Tộ. Huế cũng đã có nhiều chương trình âm nhạc Trịnh Công Sơn nằm trong khuôn khổ Festival Huế như một lời tri ân đối với nhà giáo- nhạc sĩ tài hoa này.

Huế, 19-11-2021

NGUYỄN VĂN TOÀN