Hàn Quốc đối phó “bão tham nhũng”
(Cadn.com.vn) - Nhà Xanh và đảng Saenuri cầm quyền đang vướng vào kiếp nạn “từ trên trời rơi xuống” vì liên quan đến vụ bê bối của cựu Chủ tịch tập đoàn xây dựng Keangnam Sung Wan-jong.
Chính quyền Tổng thống Park Geun-hye đang vấp phải những chỉ trích nặng nề khi tên của những quan chức thân cận dính nghi án nhận hối lộ của cựu Chủ tịch tập đoàn Keangnam Sung Wan-jong - người tự tử hôm 9-4 trong vụ bê bối hối lộ đang làm rúng động Hàn Quốc.
Việc ông Sung Wan-jong tự tử để lại thư viết tay tố cáo các chính trị gia tham nhũng đang làm rúng động chính trường Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap |
Thủ tướng sẵn sàng từ chức
Thủ tướng Hàn Quốc Lee Wan-koo là một trong 8 nhân vật chính trị có tên trong bản viết tay để lại của ông Sung trước khi tự sát. Doanh nhân xấu số, người đang bị điều tra vì cáo buộc tham nhũng trong khi thực hiện dự án năng lượng dưới thời cựu Tổng thống Lee Myung-bak, cho biết, ông đã đưa tiền cho 8 người này. Trong bản viết tay để lại, có những con số được viết bên cạnh tên của 6 người ngụ ý về số tiền họ nhận. Tuy nhiên, bên cạnh tên của Thủ tướng Lee và đương kim Chánh văn phòng Tổng thống Lee Byung-kee không có con số nào. Mặc dù vậy, khi trả lời phỏng vấn một tờ báo trước đó, ông Sung tiết lộ đưa 30 triệu won (27.000 USD) tiền mặt cho ông Lee khi ra tranh cử ghế nghị sĩ Quốc hội hồi tháng 4-2013.
Vụ việc này xảy ra chỉ 1 tháng sau khi Thủ tướng Lee tuyên bố mở “cuộc chiến tổng lực” chống tham nhũng và khẳng định sẽ huy động mọi nguồn lực để loại bỏ tệ nạn này. Đáp lại những chỉ trích, Thủ tướng Lee hôm 14-4 tuyên bố sẽ từ chức nếu bị phát hiện nhận tiền của ông Sung Wan-jong. “Tôi không nhận một xu nào từ ông Sung... Tôi sẽ từ chức nếu bị phát hiện nhận tiền”, Yonhap dẫn lời Thủ tướng Lee nói với các phóng viên.
Trước đó, vào ngày đầu tiên của phiên họp Quốc hội kéo dài 4 ngày hôm 13-4, sau khi Cơ quan công tố Hàn Quốc chính thức mở cuộc điều tra vụ bê bối tham nhũng này. Thủ tướng Lee cũng cho biết sẵn sàng hợp tác nếu được triệu tập.
Nhắm vào Nhà Xanh?
Trong khi Nhà Xanh hiện đang chờ đợi kết quả điều tra, nhiều nguồn tin cho rằng, bản viết tay cựu Chủ tịch Keangnam để lại không chứa đựng sự thật và có vẻ như được nhắm đến chính quyền của Tổng thống Park.
Theo Asia News, phe đối lập chính NPAD hiện đang dựa vào vụ bê bối này để tăng cường công kích, thúc giục thủ tướng từ chức và làm dấy lên những đồn đoán, Thủ tướng Lee có thể “kiểm soát” các cuộc điều tra của viện công tố. Tuy nhiên, ông Lee khẳng định “không có vùng đất thiêng liêng” trong việc điều tra và ông cũng không ngoại lệ. Chủ tịch đảng Saenuri Kim Moo-sung cũng bác bỏ tin đồn về đòn tấn công của NPAD, nói rằng, ông sẵn sàng hợp tác với các công tố nếu các cơ quan chức năng tập trung vào vấn đề tài chính của chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2012. Nhà lãnh đạo đảng cầm quyền cho biết, ông từng phụ trách các chiến dịch bầu cử tổng thống và rằng, không có quỹ chính trị bất hợp pháp.
Trên thực tế, vụ bê bối lần này cho thấy sự rạn nứt trong đảng cầm quyền, khi lãnh đạo đảng Saenuri ngụ ý sẽ không tổ chức cuộc họp ba bên với Thủ tướng Lee và Chánh văn phòng Lee Byung-kee trong thời gian này. Ông Kim Moo-sung không nằm trong “danh sách chết” để lại. Mặc dù là người quản lý chiến dịch tranh cử của bà Park năm 2012, nhưng ông Kim không trực tiếp quản lý quỹ của đảng và tổ chức nhân sự vào thời điểm đó. “Tôi không thể khuấy động thêm những nghi ngờ bằng cách gặp gỡ những người có tên trong danh sách”, ông Kim nói với các phóng viên.
Giới phân tích cho rằng, ông Kim hành động như vậy để bảo vệ đảng cầm quyền cũng như tạo danh tiếng cho mình như là ứng cử viên tổng thống tiềm năng. Các nghị sĩ đảng Saenuri lo ngại, scandal sẽ gây tác động tiêu cực đối với đảng trước ngày bầu cử 29-4. Đây là cuộc bầu cử được tổ chức nhằm tìm ra 3 gương mặt nghị sĩ ngồi vào 3 ghế còn trống trong Quốc hội, và được xem như là thước đo tình cảm người dân, cũng như là thử nghiệm quan trọng trước thềm tổng tuyển cử năm 2016 và bầu cử tổng thống năm 2017.
Khả Anh