Hàn Quốc lại lo khủng hoảng dân số

Thứ sáu, 30/08/2019 20:07

Tỷ lệ sinh của Hàn Quốc đạt mức thấp kỷ lục vào năm ngoái, nhưng dữ liệu mới công bố của chính phủ nước này hôm 28-8 cho thấy, con số này tiếp tục giảm dù Seoul đã đưa ra rất nhiều biện pháp cố gắng đảo ngược tình trạng này.

Dữ liệu mới công bố cho thấy hơn 30% phụ nữ Hàn Quốc sinh con đầu lòng khi đã 35 tuổi trở lên. Ảnh: Alamy

Tỷ lệ sinh giảm mạnh

Tỷ lệ sinh là số con trung bình mà một phụ nữ sẽ có trong đời. Năm 2018, con số này giảm xuống 0,98, vượt xa mức 2,1 cần thiết để duy trì sự ổn định dân số. Điều này có nghĩa là mỗi phụ nữ sinh chưa đến 1 con. "Đây là lần đầu tiên con số này giảm xuống dưới mức kỷ lục kể từ khi Seoul bắt đầu thu thập dữ liệu vào năm 1970",  Cơ quan Thống kê của Hàn Quốc cho biết.

Hàn Quốc đã đối mặt với khủng hoảng nhân khẩu học trong một thời gian dài. Tỷ lệ sinh trung bình vào năm 2017 là 1,05, cũng ở mức thấp kỷ lục tại thời điểm đó, trong khi tỷ lệ tử vong nhảy vọt lên mức cao kỷ lục. Điều này cho thấy, số em bé được sinh ra ở Hàn Quốc vào năm 2018 ít hơn 8,7% so với năm 2017. Trong khi đó, dân số tiếp tục già đi. Điều này có nghĩa là dân số của nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới, hiện tại là 51 triệu người, có thể bắt đầu trượt dốc trước năm 2028, năm mà Seoul dự báo là điểm khởi đầu cho sự suy giảm dân số.

Theo báo cáo của chính phủ, tỷ lệ sinh của phụ nữ trong độ tuổi 20 tuổi đã giảm mạnh nhất. Hàn Quốc cũng có tỷ lệ sinh con ngoài hôn nhân thấp nhất thế giới - 1,9% vào năm 2017 - trong khi các quốc gia phát triển khác như Pháp và Na Uy có tỷ lệ sinh trong số các cặp vợ chồng chưa kết hôn ở mức 55% trở lên. Dữ liệu công bố hôm 28-8 cũng cho thấy, hơn 30% phụ nữ Hàn Quốc sinh con đầu lòng khi đã 35 tuổi trở lên. Năm 1998, tỷ lệ này chỉ chiếm 6,2%.

Mức sinh thấp kỷ lục này đặt Hàn Quốc vào nhóm các nước có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới, thậm chí còn thấp hơn so với Nhật Bản, quốc gia đã phải nhiều năm vật lộn với dân số già, lực lượng lao động bị thu hẹp và tỷ lệ sinh thấp.

Nỗ lực đảo ngược tình hình

Tokyo đã đưa ra nhiều sáng kiến khác nhau để cố gắng đảo ngược xu hướng này. Năm 2017, Tokyo đã công bố gói chi tiêu trị giá 2.000 tỷ yên (18 tỷ USD) để mở các trường mầm non miễn phí và cắt giảm thời gian chờ đợi tại các trung tâm chăm sóc trẻ em ban ngày.

Seoul cũng chi 135.000 tỷ won (120 tỷ USD) kể từ năm 2005 trong một nỗ lực tăng tỷ lệ sinh, cung cấp trợ cấp cho trẻ em cho cha mẹ cũng như khởi động các chiến dịch khuyến khích người Hàn Quốc kết hôn và sinh con, nhưng không thành công. Năm ngoái, chính phủ Hàn Quốc cũng giảm số giờ làm việc tối đa từ 68 giờ/tuần xuống còn 52 giờ khi một số chuyên gia chỉ ra những hậu quả đối với nền kinh tế khi tỷ lệ sinh giảm.

Nhiều chuyên gia viện dẫn các lý do khác nhau, từ chi phí nuôi con, thất nghiệp cao ở giới trẻ và gánh nặng thêm cho các bà mẹ đi làm khi phải gánh vác công việc gia đình và chăm sóc con cái. Những người khác cho rằng, một xã hội có tính cạnh tranh khét tiếng như Hàn Quốc là những yếu tố chính. "Tôi nghĩ rằng việc đưa một đứa trẻ đến thế giới này là một tội lỗi. Xã hội này quá cạnh tranh. Tôi nghĩ rằng, bất kỳ đứa trẻ nào không nên sống trong xã hội này", một phụ nữ Hàn Quốc 34 tuổi cho biết.

Dó là lý do vì sao xu hướng trì hoãn hoặc tránh kết hôn giữa nam và nữ ngày càng tăng lên. Nhiều người Hàn Quốc trẻ tuổi cho biết, họ không có thời gian, tiền bạc hoặc cảm xúc để hẹn hò. Họ đang phải đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp gia tăng trong một thị trường việc làm mang tính cạnh tranh cao, có nghĩa là nhiều người dành thời gian rảnh đến các trung tâm để lấy thêm chứng chỉ hoặc kỹ năng chuyên môn. Vì thế, một số trường học đại học và các nhà giáo dục đang cố gắng dạy sinh viên về hẹn hò, tình yêu và tình dục, nhằm đảo ngược văn hóa chống hẹn hò, thậm chí giao nhiệm vụ cho sinh viên đi hẹn hò.

Một số biện pháp tại Nhật Bản còn đi xa hơn nữa. Một thị trấn nông nghiệp ở phía tây nước này trả tiền cho các cặp vợ chồng sống ở đó để họ sinh con. Các gia đình nhận được khoản thanh toán 100.000 yên (879 USD) cho đứa con đầu lòng, 150.000 yên (1.335 USD) cho lần sinh thứ hai và khoảng 400.000 yên (3.518 USD) cho đứa con thứ năm. Biện pháp này dường như đã phát huy hiệu quả. Từ năm 2005 đến 2014, tỷ lệ sinh của thị trấn đã tăng gấp đôi, từ 1,4 lên 2,8.

AN BÌNH