Hàn Quốc lao vào trận chiến chống Covid-19

Thứ ba, 25/02/2020 15:28

Dịch Covid-19 đang lan rộng khắp thế giới khi số ca nhiễm bệnh tăng theo cấp số nhân ở Hàn Quốc, khiến nước này trở thành điểm nóng lớn nhất bên ngoài Trung Quốc, trong khi các nhà chức trách ở Châu Âu và Trung Đông đang nỗ lực chiến đấu với những đợt bùng phát tồi tệ hơn.

Số người tử vong ở Trung Quốc cũng tiếp tục tăng vọt, với 150 người chết được xác nhận trong ngày 24-2, nâng tổng số người chết lên gần 2.600. Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc khẳng định họ đang đạt được tiến bộ trong việc ngăn chặn virus chết người này, khi cho thấy tốc độ lây nhiễm đang giảm dần. Nhưng số lượng lớn các ca nhiễm mới và tử vong ở các nơi khác trên thế giới đã làm tăng thêm nỗi sợ hãi về một đại dịch nguy hiểm trên toàn cầu, với Hàn Quốc, Italia và Iran nổi lên trên tuyến đầu.

Người dân xếp hàng mua khẩu trang tại một cửa hàng ở Daegu, Hàn Quốc. Ảnh: AP 

Dấu hiệu lây lan trong quân đội

Số ca nhiễm Covid-19 ở Hàn Quốc trong ngày 24-2 tăng vọt lên 833 sau khi có thêm hơn 70 người nhiễm mới. Nước này đã báo cáo 231 trường hợp mới chỉ trong ngày 24-2, trong khi số người chết cũng tăng lên 7. Hơn 140 trường hợp nhiễm mới của Hàn Quốc đều ở trong và gần thành phố Daegu, nơi bùng phát ổ dịch lớn nhất ở nước này cho đến nay.

Trong khi các quan chức ở Hàn Quốc bày tỏ hy vọng có thể ngăn chặn sự bùng phát ở khu vực xung quanh Daegu, một số chuyên gia lưu ý các dấu hiệu lây lan khắp nước này, bao gồm một số trường hợp ở thủ đô Seoul. Vấn đề đáng lo ngại hơn nữa là tình hình dịch bệnh có dấu hiệu lây lan trong quân đội. Yonhap ngày 24-2 dẫn nguồn tin Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, đã có 13 binh sĩ được chẩn đoán nhiễm bệnh. Thậm chí, đã có nghi ngờ về sự lây nhiễm lan rộng trong doanh trại quân đội. Trong ngày đã có thêm 4 người mới được xác nhận nhiễm bệnh là 3 người lính của một đơn vị quân đội ở Pocheon, Gyeonggi-do và một sĩ quan của một đơn vị đóng ở Daegu. Họ đều đã tiếp xúc gần gũi với những người đã được xác nhận bị bệnh khác trong cùng đơn vị.

Trước đó, khi các ca lây nhiễm đầu tiên được phát hiện, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đã ban hành lệnh hạn chế các sĩ quan và binh sĩ nghỉ phép, đi ra ngoài, ngủ lại ở ngoài đơn vị và đi thăm viếng người thân. Cho đến nay, quân đội Hàn Quốc đã cách ly hơn 7.700 người.

Hàn Quốc nỗ lực phun thuốc khử trùng tại các khu chợ. Ảnh: AP

Tạm thời đóng cửa nhiều nơi

Thứ trưởng Bộ Y tế Hàn Quốc Kim Gang-lip, trong một cuộc họp ngắn, nói rằng, chính phủ nỗ lực ổn định tình hình của Daegu trong 4 tuần. Các quan chức y tế có kế hoạch kiểm tra tất cả các cư dân thành phố có biểu hiện giống như cảm lạnh, theo ông là khoảng 28.000 người. Các nhân viên y tế cũng đang sàng lọc khoảng 9.000 tín đồ của giáo phái Tân Thiên Địa chi nhánh Daegu.

Sau khi Nhà Xanh nâng cảnh báo nguy cơ lây nhiễm Covid-19 lên mức cao nhất là “nghiêm trọng”, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nước này hôm 24-2 quyết định đóng cửa tạm thời 24 cơ quan trực thuộc, gồm các bảo tàng lịch sử, mỹ thuật và thư viện quốc gia. Hiện đã có 3 nơi tạm đóng cửa là Bảo tàng mỹ thuật hiện đại quốc gia cung Deoksu (Đức Thọ), Bảo tàng quốc gia thành phố Daegu và Thư viện quốc gia thành phố Sejong. Trong ngày 24-2, có thêm 9 bảo tàng quốc gia,  2 bảo tàng mỹ thuật quốc gia hiện đại tại các địa phương và 2 thư viện quốc gia tạm thời đóng cửa. Từ ngày 25-2, một loạt các bảo tàng quốc gia khác, như Bảo tàng dân tộc quốc gia, Bảo tàng lịch sử Hàn Quốc sẽ tạm đóng cửa không cho khách vào tham quan. Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch Hàn Quốc sẽ công bố thời điểm mở cửa trở lại các bảo tàng, thư viện tùy theo diễn biến dịch bệnh.

Trong khi đó, cơ quan quản lý nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ quân sự Hàn Quốc (MMA) cũng quyết định tạm ngừng công tác khám tuyển nghĩa vụ quân sự trên toàn quốc trong hai tuần, từ ngày 24-2 đến 6-3.

Italia ghi nhận ca tử vong thứ 4

Italia ngày 24-2 ghi nhận ca tử vong thứ 4, là một người đàn ông trong độ tuổi 80.

Hiện nay, chính quyền 4 vùng phía Bắc gồm Lombardy, Veneto, Friuli Venezia Giulia và Piemonte quyết định mở rộng quyết định đóng cửa đối với tất cả các cấp học và đình chỉ mọi hoạt động liên quan đến giáo dục. Trong khi đó, tại vùng Trentino Alto Adige, các trường đại học và nhà trẻ cũng đóng cửa cho đến ngày 1-3. Tại nhiều vùng, các hoạt động công cộng cũng bị cấm. Thị trấn Vo Euganeo thuộc tỉnh Padova cũng bị phong tỏa và tuần tra bởi lực lượng cảnh binh Italia. chính quyền thành phố Venice cũng quyết định dừng các hoạt động của Lễ hội hóa trang Carnival thường niên nổi tiếng đang diễn ra ở thành phố này.

Iran thành lập trung tâm ứng phó Covid-19,  hơn 50 người chết

Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 24-2 ra lệnh thành lập sở chỉ huy quốc gia để ứng phó với tình trạng bùng phát của dịch Covid-19.

Theo kênh truyền hình quốc gia Iran, Tổng thống Rouhani yêu cầu Bộ Y tế Iran thành lập sở chỉ huy quốc gia để tổ chức phiên họp và sử dụng mọi tiềm lực của cơ quan này nhằm giúp ngăn chặn dịch bệnh Tehran đã triển khai hàng loạt biện pháp dự phòng khẩn cấp, trong đó có quyết định tạm thời đóng cửa các trường học và trung tâm văn hóa nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Trong ngày 24-2, hãng thông tấn bán chính thức ILNA của Iran thông báo có tới 50 người đã thiệt mạng tại thành phố Qom vì Covid-19. Ông Ahmad Amiriabadi Farahani, một quan chức từ Qom, cho ILNA biết rằng hơn 250 người đã bị cách ly tại thành phố. Ông cũng nói rằng con số 50 người chết này tính từ ngày 13-2. Tuy nhiên Iran chỉ báo cáo trường hợp nhiễm virus và cái chết đầu tiên vì Covid-19 vào ngày 19-2.

Triều Tiên cách ly gần 400 người nước ngoài

Ngày 24-2, truyền thông nhà nước Triều Tiên đưa tin, Bình Nhưỡng đã cách ly khoảng 380 người nước ngoài trong một phần của những nỗ lực ngăn chặn nguy cơ bùng phát dịch Covid-19.

Đài phát thanh Trung ương Triều Tiên cho biết: “Đến nay, chúng tôi đã cách ly khoảng 380 người nước ngoài trên toàn quốc, trong khi tăng cường hoạt động cô lập, giám sát y tế và các biện pháp xét nghiệm đối với những người trở về từ các chuyến đi ra nước ngoài, những người đã tiếp xúc với họ và những người cho thấy các triệu chứng bất thường”. Tuy nhiên cơ quan truyền thông trên không cung cấp thông tin chi tiết về những người nước ngoài bị cách ly, song dường như đó là các nhà ngoại giao sinh sống và làm việc ở Bình Nhưỡng và những người liên quan đến hoạt động kinh doanh ở nước ngoài.

Thêm nhiều nước hạn chế cho người Hàn Quốc nhập cảnh

Sự lây lan đáng lo ngại này làm dấy lên mối lo ngại về sự bùng phát dịch bệnh ngoài tầm kiểm soát. Ngoài Hàn Quốc và Nhật Bản, các trường hợp nhiễm mới gia tăng nhanh chóng ở Italia và Iran chỉ trong vài ngày.

Trước tình hình này, thêm nhiều nước hạn chế cho người Hàn Quốc nhập cảnh. Tính đến thời điểm hiện tại đã có 15 nước và vùng lãnh thổ cấm hoặc siết chặt nhập cảnh từ Hàn Quốc. Từ ngày 24-2, Israel áp dụng biện pháp cấm nhập cảnh đối với người nước ngoài từng lưu trú tại Hàn Quốc và Nhật Bản trong vòng 14 ngày. Bahrain cũng thực hiện biện pháp tương tự đối với người nước ngoài đến từ những quốc gia bùng phát dịch Covid-19 từ ngày 21-2. Cộng hòa Kiribati, Samoa và Samoa thuộc Mỹ cũng đã chặn nhập cảnh từ Hàn Quốc. Cộng hòa Mauritius đã tiến hành cấm nhập cảnh và cho cách ly với du khách du lịch trăng mật người Hàn. Brunei cũng chỉ định Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Singapore và Thái Lan là những nước lây nhiễm cao và theo dõi tình trạng sức khỏe của những người nhập cảnh từ những quốc gia trên trong vòng 2 tuần. Anh, Brazil cũng yêu cầu những người từng tới 7 nước, trong đó có Hàn Quốc, hợp tác kiểm dịch, như cung cấp thông tin tình trạng sức khỏe… Đặc biệt, nhiều nước như Anh, Singapore đã khuyến cáo người dân hạn chế đi du lịch tới các “ổ dịch” tại  Hàn Quốc như thành phố Daegu và huyện Cheongdo thuộc tỉnh Bắc Gyeongsang.

Chính phủ Hàn Quốc dự kiến sẽ chia sẻ chính xác tình hình dịch Covid-19 cũng như những nỗ lực phòng dịch của Seoul đến chính phủ các nước. Mặc dù số ca nhiễm tại Hàn Quốc có tăng, nhưng không lây lan trên toàn Hàn Quốc mà chỉ hạn chế ở một số địa phương như thành phố Daegu, tỉnh Bắc Gyeongsang và ở một số nhóm đặc biệt như những tín đồ giáo phái Tân Thiên Địa.

KHẢ ANH