Hàng rong biến tướng (2)

Thứ bảy, 19/12/2015 09:06

* Bài cuối: Nan giải xử lý

(Cadn.com.vn) - Sau khi được đưa trả trở về địa phương, không ít trường hợp người lang thang xin ăn lại quay trở về Đà Nẵng để hoạt động, vì vậy mà công tác xử lý người lang thang xin ăn ở Đà Nẵng gặp nhiều khó khăn.

Lần này là lần thứ 2, anh Nguyễn Hữu Thắm (39 tuổi, quê Hà Tĩnh) được đưa vào Trung tâm Bảo trợ xã hội (TTBTXH) TP Đà Nẵng sau những ngày vào Đà Nẵng lang thang xin ăn. Anh Thắm kể, rời quê hương Hà Tĩnh vào Đà Nẵng từ năm 8 tuổi, lớn lên anh cũng đã cưới vợ sinh con như nhiều người khác. Tuy nhiên sống chung với nhau một thời gian thì hạnh phúc gia đình tan vỡ, chán nản, anh lao vào rượu chè, bỏ đi lang thang, đói quá thì xin ăn của mọi người, có khi uống rượu say, rồi ra vỉa hè ngủ. Một lần, sau nhiều ngày lang thang xin ăn, anh Thắm được mọi người đưa vào TTBTXH TPĐN. Sau khi xác minh quê quán, Trung tâm đã hỗ trợ kinh phí để anh Thắm trở về quê Hà Tĩnh nhưng cũng chỉ được thời gian anh quay trở vào Đà Nẵng tiếp tục đi lang thang. “Sống ở quê khó khăn lắm, không có công ăn việc làm nên đầu năm nay tôi vào lại Đà Nẵng. Lần này tôi hứa sẽ bỏ rượu để đi kiếm việc làm chứ mình còn trẻ ai lại sống nhờ trung tâm xã hội”, anh Thắm nói. Nói thì nói vậy, nhưng không ai chắc anh ta sẽ làm được khi rời khỏi TTBTXH. Ở Trung tâm còn rất nhiều trường hợp khác và mỗi người có một lý do để lý giải hành vi lang thang xin ăn của mình. Ông Nguyễn Văn Tài (trú Q. Thanh Khê), là người hai lần được đưa vào Trung tâm dù có hộ khẩu ở Đà Nẵng. Hỏi lý do, ông nói:  “Nói thật là chừ nếu tôi ra ngoài thì cũng lại đi lang thang xin ăn thôi nên mong muốn được ở lại luôn trong Trung tâm”. 56 tuổi nhưng ông Tài không có vợ con, sống chung với anh trai nhưng do mâu thuẫn gia đình nên phải bỏ đi lang thang xin ăn, có tiền thì mua rượu uống, say thì ngủ ở công viên hoặc vỉa hè.

Người đàn ông xin tiền ở các quán nhậu trên đường 30-4 trong đêm 13-12

Ông Lê Văn Hai, Phó Giám đốc TTBTXH TPĐN cho biết, hiện đơn vị đang quản lý, chăm sóc 167 đối tượng, trong đó không ít người lang thang xin ăn. Năm 2015, khi TPĐN triển khai thực hiện Năm văn hóa văn minh đô thị, số người trung tâm tiếp nhận tăng lên, qua công tác thu gom người lang thang xin ăn. “Theo đúng quy trình thì những người lang thang xin ăn hay bị tâm thần sau khi thu gom đưa vào Trung tâm thì chúng tôi tiến hành xác minh quê quán và liên hệ với gia đình để đưa trả về địa phương. Tuy nhiên, không ít trường hợp sau đó lại quay trở lại Đà Nẵng để lang thang hoặc xin ăn vì về quê họ không kiếm được việc làm, chính quyền địa phương ít quan tâm, khi trở vào Đà Nẵng họ lại được đưa vào Trung tâm. Thực trạng này giống như cái vòng luẩn quẩn, cần phải xử lý từ gốc mới hết được”, ông Hai nói.

Theo báo cáo của Sở LĐ–TB&XH, thời gian qua đã thu gom 170 đối tượng lang thang xin ăn, tăng 178,6% so với cùng kỳ năm trước và đã phân loại đưa về địa phương 70 đối tượng, trong đó có 13 trường hợp tâm thần. Đồng thời đã phát hiện 5 đối tượng có biểu hiện chăn dắt, lợi dụng người khuyết tật, trẻ em để bán hàng rong, xin ăn.  Ngoài ra, các địa phương còn tổ chức gặp mặt đối thoại với 205 trường hợp bán hàng rong, vận động được 19 trường hợp bán hàng rong, lang thang xin ăn chuyển đổi việc làm. Với những biện pháp quyết liệt, TPĐN đã kiểm soát được vấn nạn lang thang xin ăn. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi nhiều đối tượng vẫn dùng nhiều  hình thức khác để đi xin. Tối 13-12, một người đàn ông trung niên rảo quanh các quán nhậu trên đường 30-4 để xin tiền và không ít khách đã cho. Hay một phụ nữ lớn tuổi, thường mang theo quang gánh vờ là mua ve chai, nhưng thật ra là đi dọc các tuyến phố ở Đà Nẵng để xin tiền khách uống cà-phê...

Đó là những hình thức biến tướng mà nhiều người lang thang xin ăn áp dụng để qua mặt cơ quan chức năng. Ông Trần Bốn-Tổ xử lý thông tin người lang thang xin ăn TPĐN (Tổ 550, thuộc Sở LĐ-TB&XH) cho biết, việc phát hiện và ngăn chặn các đối tượng lang thang, xin ăn biến tướng không phải dễ dàng. Bởi những đối tượng này thường lẩn tránh khi thấy cơ quan chức năng. “Những năm qua thành phố xử lý nạn xin ăn rất quyết liệt vì vậy thời gian qua đã hạn chế các đối tượng từ các tỉnh thành khác đến Đà Nẵng hoạt động. Tuy nhiên vẫn còn những trường hợp xin ăn biến tướng, có trường hợp giả nhà sư để xin tiền, đây là những đối tượng khó phát hiện, xử lý. Ngoài ra, thời gian qua chúng tôi cũng xử lý nhiều trường hợp ở địa phương khác đến Đà Nẵng đi lang thang, không có công ăn việc làm”, ông Bốn nói.

Tổ 550 Q. Hải Châu phối hợp với CAP Phước Ninh lập hồ sơ xử lý người lang thang
xin ăn trên địa bàn.

Quả thật để xử lý dứt điểm tình trạng người lang thang và xin ăn biến tướng ở Đà Nẵng không phải là chuyện đơn giản, khi mà có nhiều người nghèo khó, người già ở các địa phương khác vẫn tìm đến Đà Nẵng để kiếm sống.

Hoàng Anh