Hàng trăm công nhân khổ sở với nhà xã hội vừa ở vừa... chạy(!?)

Thứ ba, 19/11/2019 08:56

Gom góp, vay mượn đủ đường để mua nhà ở xã hội với mong muốn có nơi an cư, nhưng ngay khi vào ở, hàng trăm công nhân đã phải “khóc ròng” với cảnh nước thấm dột nghiêm trọng, điện cháy nổ bất ngờ. Đã đôn đáo đề nghị chủ đầu tư khắc phục, sửa chữa bao lần nhưng 1 năm qua họ vẫn sống trong khổ sở.

Câu chuyện đang xảy ra tại dự án chung cư nhà ở xã hội Khu công nghiệp Hòa Khánh (Đà Nẵng) do Cty CP Địa ốc xanh Sài Gòn Thuận Phước làm chủ đầu tư.

Nước dột cả trong nhà và ngoài hành lang.

Nước thấm dột tong tong, điện cháy nổ bôm bốp

Tình trạng thấm dột xảy ra tại tầng 12 của 2 tòa nhà E1 và E2 chung cư nhà ở xã hội KCN Hòa Khánh (nằm ở khu vệt kẹp giữa đường DT 602 và KCN Hòa Khánh) đã xảy ra gần 1 năm nay, ngay từ khi công nhân đủ điều kiện đăng ký mua và chuyển vào ở. Không phải chỉ một vài căn hộ mà hầu hết các gia đình sống tại tầng 12 đều chịu cảnh này vào những ngày mưa. Các hộ bị nhẹ thì nước men theo tường chảy xuống sàn, nặng thì nhỏ tong tong ngay giữa nhà, nơi giường ngủ, trong phòng vệ sinh, phải dùng xô chậu để hứng. Dần dần các vị trí thấm dột mốc meo, loang lỗ trông như các căn nhà chất lượng kém đã sử dụng lâu năm. Anh Phan Thanh Vương (công nhân Cty Nam Trí) và vợ để dành không đủ tiền, phải vay mượn thêm người quen để mua căn hộ 1223 có diện tích 33m2 với giá 230 triệu đồng. Dù chật chội nhưng vợ chồng anh và 2 đứa con nhỏ cũng thoát khỏi cảnh ở trọ. Vui chưa được bao lâu thì chỉ sau vài cơn mưa tường nhà ướt từ trong ra ngoài, trên trần thấm dột ngày càng nhiều. “Mưa là vừa phải dùng giẻ để trên sàn để lau, huy động thau chậu để hứng khắp nơi. Có đêm ngủ quên sáng mai nhà lênh láng. Các hộ dân đề nghị chủ đầu tư khắc phục. Họ cho người lên làm nhưng khắc phục xong thì... thấm dột nhiều hơn”, anh Vương bức xúc.

Nhà anh Vương phải dùng chậu tắm của con để hứng nước dột trên trần.

Mỗi khi mưa thì “chạy nước” đã đành, có nhiều hộ phải bỏ nhà đi ở nhờ vì đường điện ngầm bị ngấm nước chập cháy khét lẹt trong đêm. Chị Nguyễn Thị Kim Oanh (căn hộ 1225, tòa nhà E2) rùng mình kể lại, lần đầu cả nhà đang ăn cơm thì nghe nổ “bốp” ngay phía trên phòng khách rồi khói kín nhà, bốc mùi khét lẹt, phải dùng que gỗ dập cầu dao xuống rồi bỏ chạy. Có đêm đang cho con đi vệ sinh thì thấy phòng tự nhiên nóng lên, dây điện cháy lép bép trong trần, chỉ kịp bồng con lao ra ngoài hành lang để hô hoán mọi người cắt cầu dao tổng. “Dây điện trong tường, trên trần cháy hết, nhà thì ẩm nước chúng tôi không dám dùng điện nữa. Vừa rồi họ đục sàn mái để khắc phục mà thủng cả xuống nhà. Gom góp đồng lương cả hơn chục năm rồi vay mượn mới mua được căn nhà, giờ thì công ty đang cắt giảm lao động, nợ còn trên đầu mà có ngôi nhà không dám ở. Anh coi được không? Bà con ở đây muốn chủ đầu tư đến đây ở trên tầng 12 một đêm mưa coi họ có dám không”, chị Oanh ngán ngẩm.

Điều làm hơn 100 chủ hộ ở 2 block chung cư này bức xúc là sau khi đề nghị sửa chữa, chủ đầu tư đã đưa nhà thầu đến tiến hành khắc phục, nhưng lại làm vào mùa mưa. Và cứ thế gần 1 năm qua, công nhân thi công cứ đục tường, bơm chất chống thấm nhưng cứ có mưa là trong dột. Sau những trận mưa thời gian qua, đơn vị thi công bắt đầu triển khai đục sàn mái, hút nước, bơm keo để lợp tôn, nhưng mưa tới là thấm dột nhiều hơn. “Họ chống thấm kiểu Úc. Khoan đục kiểu gì mà thủng cả nhà dân, lợp kiểu gì mà lợp xong nước tràn xuống nhiều hơn. Quá vô trách nhiệm với đồng tiền do công nhân nghèo bỏ ra”, chị Linh sống tại căn hộ 1219, block E1 bức xúc.

Một chủ hộ dùng ống hút nước trên trần nhưng càng hút thì nước càng nhiều.

Người dân chế ống dẫn nước thấm từ trên trần vào nhà vệ sinh.

“Do công nghệ mới, đổi nhà thầu”?

Khi chúng tôi đến các căn hộ để tìm hiểu phản ánh của công nhân thì một người tự xưng là bảo vệ của tòa nhà E2 lao vào dọa nạt với thái độ rất hầm hồ đồng thời theo sát và yêu cầu “xuống ngay” để làm việc với lãnh đạo. Tuy nhiên, khi chúng tôi xuất trình giấy tờ theo quy định để đề nghị cung cấp thông tin thì ông Trần Thanh Mai – Phó Tổng giám đốc Cty CP Địa ốc xanh Sài Gòn Thuận Phước nói là không thể cung cấp đồng thời giới thiệu gặp một người khác.

Điện chập cháy trong nhà vệ sinh...

Được trao đổi về những kiến nghị, bức xúc của người dân đã mua căn hộ tại dự án chung cư nhà ở xã hội KCN Hòa Khánh, bà Phùng Thị Hoài Thương – một Phó Tổng giám đốc khác của Cty này thừa nhận, thực trạng thấm dột, chập điện tại 2  tòa nhà E1 và E2 của chung cư nhà ở xã hội KCN Hòa Khánh là có thật và đã xảy ra gần một năm qua. Tổng cộng có 71 căn hộ của tòa E1, 51 căn của tòa E2 đều thuộc tầng 12 nằm trong tình trạng này. Hiện Cty đang làm việc với nhà thầu thi công tiến hành khắc phục. Hỏi nguyên nhân có phải vì thi công ẩu, chất lượng công trình kém đã dẫn đến nỗi khổ của người dân hiện tại, bà Thương giải thích là do công trình sử dụng gạch không nung. Phóng viên đặt vấn đề là gạch chỉ ảnh hưởng đến phần tường, còn sàn mái liên quan đến chất lượng bê-tông, kỹ thuật, vật liệu chống thấm. Bà Thương nói sàn mái vẫn được chống thấm, cán vữa và lót gạch chống nóng nhưng khi thi công không đảm bảo, xuất hiện vết nứt chân chim mới để lại hậu quả hôm nay. Quá trình thi công dự án cũng đã 2 lần thay nhà thầu. “Nói chung chúng tôi có xử lý nhưng chưa kịp thời. Vì muốn xử lý cần phải lên phương án trình Sở Xây dựng. Khi thực hiện phương án cũ không xử lý được hậu quả thì hiện tại đang lên phương án mới là chống thấm lại, cán vữa, lót gạch chống nóng và lợp tôn. Dự kiến khoảng cuối tháng 11-2019 sẽ xử lý xong”, bà Thương cho hay. Về lo ngại là chất lượng chống thấm sau khi khắc phục, bà nói: “Chúng tôi đang cố gắng để khắc phục toàn bộ, đảm bảo chất lượng, chứ không phải sửa cho xong”, bà Thương cam kết.

... và ngay trần nhà, do nước thấm gây chập cháy khiến gia đình chị Oanh không dám sử dụng điện.

Trao đổi với chúng tôi về nỗi khổ của công nhân nghèo mua căn hộ chung cư chất lượng quá kém, bà Mai Thị Thùy Linh – Trưởng phòng Quản lý nhà và thị trường Bất động sản, Sở Xây dựng TP Đà Nẵng cho hay, Sở cũng đã có văn bản yêu cầu Chi cục Giám định tiến hành kiểm tra thực tế để đề nghị chủ đầu tư khắc phục. “Hiện chủ đầu tư đang tiến hành các thủ tục để tiến hành sửa chữa. Chúng tôi đã nghe thông tin phản ánh và yêu cầu chủ đầu tư sớm khắc phục để đảm bảo quyền lợi cho người mua nhà”, bà Linh cho biết.

CÔNG KHANH