Hành động vì một Đà Nẵng thịnh vượng

Thứ hai, 19/06/2023 16:32
Sau nửa chặng đường thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết lần thứ XXII Đảng bộ thành phố (nhiệm kỳ 2020-2025), Đà Nẵng đã đạt được những thành tựu ấn tượng, khẳng định vị thế đô thị lớn, trung tâm kinh tế - xã hội khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Khát vọng vì một Đà Nẵng thịnh vượng một lần nữa thôi thúc thành phố bên sông Hàn quyết tâm khơi thông mọi nguồn lực đột phá phát triển bằng chương trình hành động cụ thể hóa, đưa Nghị quyết số 26- NQ/TW ngày 03-11-2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết 26-NQ/TW) vào thực tiễn cuộc sống.
Đà Nẵng dần khẳng định vị thế đô thị hạt nhân, trung tâm kinh tế - xã hội khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng: “Nghị quyết 26-NQ/TW là một văn kiện có ý nghĩa rất quan trọng, thể hiện tư duy và tầm nhìn, định hướng chiến lược của Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhằm tạo sự chuyển biến có tính đột phá trong chiến lược phát triển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, cũng như TP Đà Nẵng và các địa phương trong Vùng”.

Mục tiêu chiến lược

Với TP Đà Nẵng, Nghị quyết 26-NQ/TW chính là động lực mới mở ra nhiều cơ hội bứt phá phát triển bền vững trong tương lai. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng nhìn nhận: “Nghị quyết 26-NQ/ TW là một văn kiện có ý nghĩa rất quan trọng, thể hiện tư duy và tầm nhìn, định hướng chiến lược của Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhằm tạo sự chuyển biến có tính đột phá trong chiến lược phát triển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, cũng như các địa phương trong Vùng. Nghị quyết nêu ra 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu; trong đó, TP Đà Nẵng có vai trò phát triển trở thành trung tâm của nhiều ngành, lĩnh vực của Vùng”.

Chính từ cách tiếp cận ấy, ngay sau khi Trung ương quán triệt, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã bắt tay ngay vào việc xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết với 5 nhóm mục tiêu hết sức cụ thể. Về kinh tế, Đà Nẵng phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2030 đạt 9,5-10%/năm; đến năm 2030, GRDP (giá hiện hành) tăng 2,5-3 lần so với năm 2020. GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 8.000- 8.500 USD; thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tăng bình quân 9-11%/năm; tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 85%; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 100%. Về xã hội, đến năm 2030, hằng năm giảm 20%/tổng số hộ nghèo còn sức lao động theo chuẩn nghèo đa chiều từng giai đoạn và đạt trên 20 bác sĩ/vạn dân; 70 giường bệnh/ vạn dân. Về môi trường, đến năm 2030, 100% cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý triệt để. Về quốc phòng, an ninh, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện, sẵn sàng chiến đấu cao, không để bị động, bất ngờ; kiềm chế, kéo giảm tội phạm về trật tự xã hội; tai nạn giao thông, các vụ cháy, nổ nghiêm trọng. Ngoài ra, đến năm 2025, hoàn thành hệ thống cơ sở dữ liệu về tổ chức Đảng, đảng viên trong toàn Đảng bộ TP, mở rộng phạm vi đến đảng bộ cơ sở. Đến năm 2030, 100% tổ dân phố, thôn có chi bộ; hoàn thành việc xây dựng cơ chế phát hiện, thu hút, sử dụng và có chính sách đãi ngộ tương xứng đối với người có tài năng làm việc cho TP.

Đà Nẵng rực rỡ trong Lễ hội Pháo hoa Quốc tế 2023.

Khơi thông mọi nguồn lực để phát triển

Để “về đích” đúng hẹn mục tiêu chiến lược ấy, Đà Nẵng quyết tâm phát huy truyền thống đoàn kết, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Trọng tâm là sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách và đẩy mạnh phát triển liên kết vùng giai đoạn 2021-2030 khi được cấp có thẩm quyền ban hành và đột phá để mở rộng, kết nối phát triển không gian và hạ tầng, hình thành vùng đô thị Đà Nẵng bao gồm Chân Mây (Lăng Cô - Huế) - Đà Nẵng - Điện Bàn - Hội An - Nam Hội An. Xây dựng Đề án cơ chế, chính sách đột phá thí điểm áp dụng cho cụm du lịch trọng điểm Trung Trung Bộ và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển mạnh có tầm quốc gia, quốc tế. Tập trung đầu tư hệ thống hạ tầng trọng yếu như sân bay quốc tế, cảng biển, hạ tầng đô thị, logistics, phát triển hạ tầng số. Khai thác hiệu quả Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng đáp ứng 30 triệu khách/năm sau năm 2030, Cảng biển Tiên Sa, xây dựng Cảng biển Liên Chiểu và các hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, tạo sự năng động về kinh tế. Đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu (giai đoạn 2); cải tạo và dần chuyển đổi cảng Tiên Sa thành cảng du lịch, bến du thuyền theo định hướng phát triển của TP. Ngoài ra, Đà Nẵng còn tập trung phát triển mạnh hệ thống đô thị, đẩy mạnh đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng, nhất là hạ tầng giao thông, trong đó, nghiên cứu xây dựng Đề án “Đẩy mạnh liên kết tạo động lực và nâng cao vị thế của TP Đà Nẵng thực hiện nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa XIII” hoàn thành trong tháng 6-2025. Phối hợp với các bộ, ngành Trung ương xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quốc tế cấp vùng và trung tâm fintech của quốc gia vào năm 2045. Đặc biệt, Đà Nẵng xác định vị thế là trung tâm cung ứng dịch vụ y tế, giáo dục và đào tạo của khu vực miền Trung - Tây Nguyên; đảm bảo quốc phòng, an ninh...

Sau những “nốt trầm” phải soi lại chính mình để khắc phục vấn đề còn tồn tại trong quá trình phát triển “nóng” và nỗ lực phục hồi nền kinh tế sau 2 năm liền đối mặt đại dịch COVID-19, Nghị quyết -NQ/TW thực sự như làn gió tươi mới thắp lên niềm tin, động lực mới để Đà Nẵng vượt lên, phát triển xứng tầm như kỳ vọng của người dân cả nước. Hơn ai hết, chính người dân trên mảnh đất kiên trung này càng khát khao, mong mỏi phải làm sao phát huy hết ý chí tự lực, tự cường, dốc sức, đồng lòng huy động mọi nguồn lực để đưa Nghị quyết đi vào thực tiễn cuộc sống, đi vào thực tiễn công cuộc đổi mới phát triển của chính Đà Nẵng và cho cả vùng. Thấu hiểu kỳ vọng ấy, ngay khi đặt bút ký ban hành Chương trình hành động số 28-CTr/TU ngày 22-3-2023, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đặt ra yêu cầu và quyết tâm chính trị rất cao: Việc ban hành Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW được xây dựng trên cơ sở bám sát quan điểm, mục tiêu và cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp được đề ra tại Nghị quyết số 26-NQ/TW và Nghị quyết số 168/NQ-CP ngày 31-12-2022 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW; đồng thời, đảm bảo phù hợp với 12 chương trình, kế hoạch của Ban Thường vụ Thành ủy về triển khai thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên. Tập trung triển khai có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp liên quan trực tiếp đến TP Đà Nẵng. Trong quá trình triển khai thực hiện cần đề cao tinh thần chủ động, quyết liệt với những giải pháp, cách làm sáng tạo, hiệu quả gắn với trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, địa phương, đơn vị trong việc trực tiếp theo dõi, lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết việc triển khai thực hiện…”.

Đà Nẵng dần khẳng định vị thế đô thị hạt nhân, trung tâm kinh tế - xã hội khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Suốt chặng đường phát triển, người dân thành phố bên sông Hàn đã từng là chứng nhân của bao kỳ tích đáng tự hào. Khát vọng ấy vẫn chưa bào giờ ngừng chảy. Công cuộc kiến tạo mang tính bản lề hôm nay sẽ là nguồn nội sinh mạnh mẽ cho những kỳ tích trong tương lai.

QUANG SANG