Hạnh phúc ở nơi định cư mới
(Cadn.com.vn) - Cuối năm, tôi có dịp đến mái ấm của những người phụ nữ đơn thân trong các khu chung cư ở Hòa Phú 5A, P.Hòa Minh và bà con làng Vân về định cư ở khu nhà liền kề thuộc 2 tổ 13, 14, P.Hòa Hiệp Nam, Q.Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) để gặp gỡ, trò chuyện, tìm hiểu cuộc sống mới của những hoàn cảnh đặc biệt được thành phố hỗ trợ.
Chị Lê Thị Hết yên tâm với nghề may tại nhà. |
Những mái ấm đơn thân
Đối với những phụ nữ đơn thân được bố trí ở Khu chung cư thuộc địa phận Hòa Phú 5A thì khu nhà liền kề cấp 4 cũ ở P.Hòa Minh, nơi ở cũ cách đây gần 8 năm giờ chỉ còn trong ký ức. Năm 2009, cơn bão số 10 quét qua đã làm tốc mái toàn bộ 2 dãy nhà liền kề, kéo theo bao nhiêu số phận khó khăn càng thêm chồng chất. "Nói vậy chứ giờ đã qua rồi. Bây chừ, được ở nhà chung cư thoáng đãng, sạch sẽ, không còn khó khăn nhiều như trước. Đã an cư rồi lại được địa phương, các tổ chức, cá nhân hảo tâm tặng máy may, máy vắt sổ nên đã có công việc làm ổn định"-chị Lê Thị Thương, bị liệt chân, bày tỏ niềm vui rất thật.
Mấy ngày nay chị phải ở nhà vì đau chân do ngã. Thấy mẹ bị đau, cậu con trai nuôi thay mẹ lo hết chuyện nhà. Ở gần đó, đứa em ruột của chị Thương là Lê Thị Hết (hơn 50 tuổi) liệt nửa người, sống một thân một mình nhưng vẫn chí thú với nghề may để tự nuôi sống mình. Không chỉ bà con ở trong khu chung cư mà người dân quanh đó cần may vá đều đem đến nhờ chị giúp đỡ. Hôm đến đây, tôi gặp bác Phạm Trung Khảm, Bí thư Chi bộ và thiếu úy Nguyễn Văn Sơn, CSKV Hòa Phú 5A, P.Hòa Minh, Q.Liên Chiểu. Bác Khảm cho biết, hiện khu chung cư này có 12 nóc nhà với 432 hộ; trong đó có 4 nóc hộ đơn thân bất hạnh được thành phố bố trí vào ở từ đầu năm 2013 đến nay.
Hồi còn ở khu nhà liền kề cũ, hầu hết chị em đều thuộc hộ nghèo, lại do mới lên, địa bàn lạ, tìm việc làm khó nên cuộc sống rất khó khăn. Mãi khi chuyển sang khu chung cư 5 tầng được xây mới, cuộc sống họ đã dần ổn định. Chị Dương Thị Huệ đã ngoài 50 tuổi, có một đứa con trai bị bại não nằm một chỗ nhưng cũng bươn chải làm đủ mọi việc để lo cho gia đình nhỏ của mình. Gần đó, chị Ngô Thị Cầm có con bị thiểu năng trí tuệ nên chọn việc bán hàng tạp hóa ở nhà để vừa chăm sóc cho con. Khó như chị Nguyễn Thị Hòa, một mình nuôi tới 4 đứa con, trong đó 2 đứa bị tâm thần cũng ráng tìm mọi cách để vượt qua bằng cách đi làm thuê chỗ này, chỗ nọ để đắp đổi qua ngày. Nhiều tấm gương vượt khó khác được bác Khảm giới thiệu từ khi ổn định nơi ở mới đã cố gắng vươn lên như chị Nguyễn Thị Ánh, chị Nguyễn Thị Thanh Nhàn…
Dẫu trước mắt chưa phải hết khó khăn nhưng từ ngày sang "mái ấm" mới, những phụ nữ đơn thân đã bắt đầu hòa nhịp cuộc sống mới, từng bước vượt qua những trở ngại để vươn lên thoát nghèo.
Các tổ chức, cá nhân tặng quà cho bà con làng Vân. |
Bình yên xóm mới làng Vân
Cảm giác thật dễ chịu khi đặt chân đến nơi ở mới của bà con Làng Vân ở tổ 13, tổ 14, P.Hòa Hiệp Nam, Q.Liên Chiểu. Dường như cuộc sống mới đã hòa nhập trở lại với những người đã từng sống lâu năm nơi heo hút bóng người. Đến tìm anh Trịnh Như Đông, tổ trưởng tổ 14 thì gặp bác Hồ Hòa, 68 tuổi, tổ 14 ngồi chơi trước sân, uống trà, ngắm dàn hoa cảnh buổi sáng, thổ lộ: "Chú ấy đi làm ở khu công nghiệp Hòa Khánh chưa về. Anh ngồi đây uống nước nói chuyện. Nhanh thật đấy, mới đó mà đã được 3 năm, 4 tháng về nơi ở mới. Đến giờ đã quen đất, quen người rồi nên ai cũng thấy gắn bó không muốn đi đâu cả". Bác Hòa còn cho biết, từ hồi vào đây đến nay, được sự quan tâm của các cấp chính quyền, đoàn thể, sự chia sẻ của các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm và bà con ở khu dân cư gần đó đã xóa tan đi biết bao mặc cảm, giúp cho mọi người sống tự tin và yêu đời hơn.
Tôi bất ngờ gặp chị Nguyễn Phạm Thái, tổ trưởng tổ dân phố 13. Hóa ra, chồng chị trước đây làm tổ trưởng ở đây nhưng đã bị bệnh mất hơn một tháng nay nên chị đảm nhận luôn công việc này thay chồng. Đứa con trai chưa được 3 tuổi nên chị đành tạm nghỉ công việc ở một công ty ở KCN Hòa Khánh để chăm con cho đến tuổi đi mẫu giáo mới tính đến chuyện đi làm trở lại. Chị Thái cho biết, 40 hộ ở tổ đều là người già yếu, bệnh tật, không có việc làm mà chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước mỗi tháng. Số con em trẻ thì được địa phương giới thiệu vào làm công nhân trong Khu công nghiệp Hòa Khánh. "Dẫu còn nhiều khó khăn song bà con sống với nhau rất đoàn kết, gắn bó, yêu thương như người một nhà. Chính điều đó đã giúp mọi người vượt qua được mọi rào cản để hòa nhập với cuộc sống mới"-chị Thái tâm sự. Ghé nhà bác Trần Đây, tổ dân phố 14, tôi được bác giới thiệu: "Anh thấy đó bây giờ ở đây ai cũng được xây một căn phòng chống bão kiên cố, nhà cửa đã được sửa chữa lại. Việc xây phòng chống bão khởi công từ tháng 8-2015 và vừa mới xong, bà con mừng lắm"…
Ông Hồ Đắc Thắng, Phó Chủ tịch UBND phường P.Hòa Hiệp Nam cho biết, khi mới chuyển về từ tháng 8-2012 có 70 hộ, giờ thì còn 68 hộ (2 hộ đã mất) với 160 nhân khẩu. Các hộ đều được nhận tiền trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng. Tùy theo đối tượng được thụ hưởng nhưng mức cũng hơn 1 triệu đồng/người. Bên cạnh đó, bà con còn được sự quan tâm của chính quyền các cấp, các tổ chức, cá nhân hảo tâm đến thăm tặng quà vào các dịp lễ, Tết. Chỉ tính từ đầu năm 2015 đến nay, đã có 40 tổ chức, cá nhân đến thăm tặng quà và tiền trị giá hơn 400 triệu đồng cho bà con làng Vân tại nơi ở mới nên mọi người rất phấn khởi. Chuẩn bị cho Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, nhiều đơn vị đã đến liên hệ với chính quyền địa phương nắm tình hình và lên danh sách từng hộ tại 2 tổ dân phố 13, 14 để có kế hoạch tặng quà Tết. "Biết được điều này, bà con vui lắm và đang háo hức dón một mùa Xuân mới ấm cúng với sự góp tay, chia sẻ của cộng đồng"-anh Thắng phấn khởi.
Phương Kiếm