Hành trình triệt phá chuyên án lừa đảo quốc tế (Bài cuối: Vào Nam phá án)
Nhiều đồng phạm người Việt Nam
Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, các đối tượng quốc tịch Malaysia được nhóm đối tượng người Đài Loan chỉ đạo nhập cảnh vào Việt Nam với mục đích mua thông tin cá nhân của người Việt Nam và chuyển về cho nhóm người này để nhóm người Đài Loan dùng tổng đài VoIP giả danh số điện thoại của Cơ quan Công an, Viện kiểm sát đe dọa nạn nhân và chiếm đoạt thông tin ngân hàng trực tuyến. Đồng thời, nhóm người Malaysia còn có nhiệm vụ thuê người Việt Nam lập các tài khoản ngân hàng tại Việt Nam; sau đó chuyển thông tin tài khoản cho nhóm người tại Đài Loan để nhóm người này sử dụng thông tin ngân hàng đã chiếm đoạt được thông qua ứng dụng “Bộ Công an” chuyển khoản trực tuyến tiền từ tài khoản bị hại người Việt Nam vào các tài khoản ngân hàng do nhóm người Malaysia hoặc người Việt Nam được thuê quản lý và chiếm đoạt.
10 đối tượng bị bắt trong chuyên án ... |
Đến ngày 12-1-2020, Ban chuyên án triển khai đồng loạt các tổ công tác bắt giữ khẩn cấp 10 đối tượng trong đường dây lừa đảo này tại địa bàn TPHCM, Cần Thơ, Đồng Tháp…. Cụ thể, gồm: Long Boon Leng (1991, quốc tịch Malaysia); Lim Kean Kew (1996, quốc tịch Malaysia) và các đối tượng người Việt Nam, gồm: Nguyễn Thị Bích Tuyền (1994, trú Định An, tỉnh Long An); Nguyễn Thị Trà My (1997, trú Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp); Trần Thị Băng Nhi (2000, trú Càng Long, tỉnh Trà Vinh); Cao Ngọc Nhi (1998, trú Phnom Penh, Campuchia); Đỗ Thị Đông (1993, trú Phnom Penh, Campuchia) cùng đảm nhận vai trò mở tài khoản ngân hàng đưa cho đối tượng Malaysia để chiếm đoạt tiền của bị hại; Trần Văn Phát (1990, trú Q. 4, TP Hồ Chí Minh), chuyên cung cấp số lượng lớn các thông tin tài khoản cá nhân người Việt Nam cho người nước ngoài; Nguyễn Thị Bé (1992, trú Lấp Vò, Đồng Tháp), giúp sức và thanh toán tiền cho đối tượng Jackson Liew (đối tượng cầm đầu cùng với Long Boon Leng, hiện đã xuất cảnh khỏi Việt Nam); Võ Thiên Long (1988, trú Q. Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh), vai trò bán thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng và rút tiền từ tài khoản ngân hàng cho các đối tượng Malaysia.
Khám xét nơi ở của các đối tượng, CQĐT đã tạm giữ 57 ĐTDĐ, gần 2 tỷ đồng, 5 laptop, 1 thiết bị Air Tel, 5 thiết bị lưu trữ, 289 sim điện thoại, 50 thẻ ATM, các loại sổ sách giấy tờ khác có liên quan. Ngoài ra, Ban chuyên án đã ngăn chặn, phong tỏa 55 tài khoản ngân hàng của 25 cá nhân người Việt Nam và người Malaysia mở tài khoản tại Việt Nam với tổng số tiền phong tỏa 3,7 tỷ đồng.
...và CQĐT khám xét nơi ở của một số đối tượng trong chuyên án. |
Hơn 10 vạn tài khoản ngân hàng bị “dòm ngó”
Qua khai thác thông tin từ các thiết bị điện tử thu giữ cũng như lời khai các đối tượng, Ban chuyên án xác định: Nhóm đối tượng người Đài Loan và các đồng phạm đã nắm giữ số lượng hơn 100.000 thông tin tài khoản ngân hàng cá nhân của người Việt Nam (họ tên, số điện thoại, địa chỉ cư trú, tên ngân hàng) cũng như thông qua ứng dụng giả mạo “Bộ Công an” đã chiếm đoạt thông tin của hơn 2.000 cá nhân (86 tài khoản ngân hàng người Việt Nam, 1.914 tài khoản ngân hàng Trung Quốc) gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng trên phạm vi toàn quốc.
“Phân tích sao kê tài khoản ngân hàng do các đối tượng mở tại Việt Nam để nhận tiền lừa đảo, CQĐT nhận thấy mỗi tài khoản trong 3 tháng giao dịch với số tiền 10 tỷ đồng. Qua làm việc, các đối tượng khai nhận sau 5 tháng sẽ thay đổi cách thức và thay đổi tài khoản ngân hàng khác để tiếp tục hoạt động. Căn cứ số lượng thẻ ngân hàng thu được của các đối tượng, ước tính số tiền các đối tượng đã chiếm đoạt của các bị hại trên khắp cả nước lên đến hơn 500 tỷ đồng”, Đại tá Nguyễn Đức Dũng- Giám đốc CA tỉnh Quảng Nam thông tin.
Việc triệt phá thành công chuyên án trên được xem là thành tích đặc biệt xuất sắc của CA tỉnh Quảng Nam và Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) trong đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm đảm bảo ANTT Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Nhằm kịp thời động viên tinh thần tấn công trấn áp tội phạm của CA tỉnh, ngày 18-1 (tức 24 Tết), ông Phan Việt Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam đã đến biểu dương, thưởng nóng 20 triệu đồng cho Ban chuyên án CA tỉnh.
Qua đây, CA tỉnh Quảng Nam khuyến cáo người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác khi hoạt động trên không gian mạng, nhất là mạng xã hội facebook và ứng dụng zalo… chú ý không đăng nhập thông tin cá nhân vào các địa chỉ website, App không đáng tin cậy. Khi có cuộc gọi từ số điện thoại lạ liên quan đến tài khoản ngân hàng, người dân cần liên hệ hoặc trực tiếp đến ngân hàng nơi mình mở tài khoản để xác định nội dung; không tùy tiện cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng của mình cho bất kỳ ai qua điện thoại khi chưa xác định được người gọi. CQĐT tỉnh Quảng Nam cũng thông báo, ai là bị hại liên quan đến vụ án trên mà chưa trình báo cần phối hợp trình báo với cơ quan Công an để đấu tranh, làm rõ.
TRẦN TÂN
Biểu dương chiến công đặc biệt xuất sắc nói trên của lực lượng CA tỉnh Quảng Nam, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường, nhấn mạnh: “Mặc dù trong những ngày cận Tết bộn bề công việc, nhưng chỉ trong thời gian chưa đầy 1 tuần, lực lượng CA tỉnh, đặc biệt là CBCS Phòng Cảnh sát hình sự tham gia chuyên án đã rất nỗ lực, làm việc không kể ngày đêm để điều tra khám phá án. Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam cũng chỉ đạo CA tỉnh tiếp tục đấu tranh để có thể thu hồi phần nào số tiền bị chiếm đoạt trả lại cho bị hại. |