Hành trình yêu thương đưa cháu bé 10 ngày tuổi về quê tránh dịch
“Nhìn thấy cháu bé 10 ngày tuổi còn đỏ hỏn, mẹ bế trên tay cho bú, tôi nghĩ đến con mình ở nhà. Nếu tiếp tục để cháu ngồi trên chiếc xe máy cà tàng không biết lúc nào hỏng của bố mẹ vượt hơn 800km nữa để về nhà, tự dưng thấy lòng thắt lại. Tôi quyết định chở mẹ con cháu bé về Nghệ An mà không chút đắn đo, do dự” – Nhà báo Hoàng Quân, phóng viên thường trú của Chuyên đề Công an TP Hồ Chí Minh tại miền Trung vừa có hành động chở mẹ con sản phụ từ Đà Nẵng vượt 480km về Nghệ An, chia sẻ.
Hình ảnh cháu bé mới 10 ngày tuổi còn đỏ hỏn đã thôi thúc Nhà báo Hoàng Quân chở về quê.
Vượt gần 500km chở mẹ con cháu bé về quê
Đầu giờ chiều ngày 26-9, nhà báo Hoàng Quân và một số đồng nghiệp đi tác nghiệp, đưa tin về một đoàn 30 người dân tộc Mông đi xe máy từ miền Nam về đến chốt kiểm soát huyện Hòa Vang (Đà Nẵng). Họ là những người đi lao động cạo mủ cao su ở Bình Phước nhưng bị thất nghiệp do dịch COVID-19. Thời gian qua, những lao động nghèo này đã sống cầm cự bằng khoản tiền ít ỏi dành dụm được. Sau khi có kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính, họ dắt díu nhau đi xe máy về quê tránh dịch. Đoàn người này đã đi 3 ngày đêm và đầu giờ chiều ngày 26-9 thì đến Đà Nẵng. Đáng chú ý nhất trong đoàn có một em bé mới tròn 10 ngày tuổi được bố là Và Bá Tồng và mẹ là Xồng Y Rê quê ở xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) chở trên chiếc xe máy cà tàng về quê tránh dịch.
“Sau khi lấy xong hình ảnh và tư liệu, bất chợt đập vào mắt tôi là hình ảnh cháu bé. Một bé trai còn đỏ hỏn mới 10 ngày tuổi, chưa kịp đặt tên được người mẹ ẵm trên tay đứng bên đường cho bú. Tôi bỗng nghĩ đến con mình. Nhìn sang chiếc xe máy cà tàng của bố cháu bé dựng bên vệ đường, tôi không nghĩ là họ đã vượt chặng đường gần 800km từ Bình Phước về đến Đà Nẵng. Nếu để cháu bé tiếp tục ngồi trên chiếc xe máy này với quãng đường như vậy nữa, tự dưng lòng tôi thắt lại. Tôi quyết định chở mẹ con cháu bé về Nghệ An mà không chút đắn đo, do dự” – Anh Hoàng Quân chia sẻ.
Lúc này, đi cùng gia đình bé trai 10 ngày tuổi còn có vợ chồng chú ruột Và Bá Giờ và Lỳ Y No. Sau khi bàn tính với nhau, họ quyết định để lại chiếc xe máy cà tàng của anh Giờ nhờ một đồng chí ở chốt kiểm soát dịch giữ hộ để bán. Bố cháu bé đi xe máy về sau, còn hai mẹ con chị Rê và vợ chồng anh Giờ lên xe ô-tô về quê. Suốt chặng đường 480km từ Đà Nẵng về TP Vinh (Nghệ An), anh Hoàng Quân chỉ dừng 2 lần chủ yếu là để ăn uống và nghỉ tay lái. Họ trải qua 5 lần khai báo, viết cam kết tại 5 chốt trải dọc các tỉnh trên đường về.
“Đi được nửa chặng đường, tôi mới nhớ gọi điện về thông báo cho vợ nhưng cô ấy không nghe máy. Chắc khi chưa biết chuyện, vợ tôi có chút giận dỗi vì hiện tại cô ấy đang một mình chăm 2 đứa con nhỏ (đứa 5 tuổi và đứa 5 tháng tuổi) nhưng khi biết được việc tôi làm, tôi chắc là cô ấy sẽ thông cảm cho quyết định đường đột của mình. Suốt chặng đường, một số anh em đồng nghiệp biết chuyện nên gọi điện hỏi thăm và trách móc “Sao mày liều, điên thế. Nếu là tao, tao... cũng thế". Có khi, tôi không giải thích được việc làm của mình có ý nghĩa gì, giúp được gì, kết quả ra sao, mà nghĩ nếu dùng dằng, chậm vài phút, vài chục phút thì cảm thấy khó chịu, ăn năn, ray rứt” – anh Hoàng Quân chia sẻ.
Cái kết có hậu
Đêm 26-9, sau khi nắm được thông tin 124 công dân Nghệ An từ huyện Bù Đăng, Bình Phước về quê tránh dịch, ông Nguyễn Hữu Minh - Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn đã có mặt tại Cầu Bến Thủy 2 để tiếp nhận công dân và bố trí phương tiện đưa họ đi cách ly tập trung ngay sau đó. Tất cả những lao động này đều là người dân tộc thiểu số, trong đó có 118 công dân quê ở huyện Kỳ Sơn, số còn lại đến từ Tương Dương, Quế Phong. Những người này phần lớn làm công nhân ở huyện Bù Đăng nhưng thất nghiệp nhiều tháng nay do dịch, có nhu cầu về quê. Tỉnh Bình Phước đã bố trí 3 xe khách,1 xe tải để chở những người này về quê.
Thông tin Nhà báo Hoàng Quân đang chở mẹ con cháu bé mới sinh vượt gần 500km từ Đà Nẵng về Nghệ An tránh dịch được lãnh đạo UBND huyện Kỳ Sơn vô cùng cảm kích. Huyện cũng đã bố trí xe cứu thương chở những người này về địa phương cách ly theo quy định.
Chia sẻ sau hành trình của mình, anh Hoàng Quân cho biết: “Suốt chặng đường đi, tôi cũng không mường tượng được huyện Kỳ Sơn nằm chỗ nào, đường khó đi hay không mà chỉ nghĩ đó là huyện cách TP Vinh khoảng 300km. Tôi cũng không biết là Nghệ An đang xảy ra mưa to, nhiều địa phương bị ngập nặng và chặng đường về tận xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn đường đi rất khó khăn, vất vả. Lúc đó, bản thân chỉ nghĩ sẽ cố gắng chở mẹ con cháu bé về đến nơi đến chốn, giao cho chính quyền địa phương. Thật may mắn, hành trình “hồi hương” của họ đã nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương và sự chia sẻ của rất nhiều người. Tôi có thể yên tâm và quay xe trở về Đà Nẵng”.
Dương Hóa