Hành vi lừa đảo của một nhà báo "không có điểm dừng"

Thứ ba, 01/09/2020 17:58

Trong khi đang bị CA tỉnh Khánh Hòa liên tục triệu tập để xem xét một loạt vụ việc do người dân tố cáo liên quan đến mình, thậm chí ngay sau khi Tổng Biên tập báo Văn Nghệ đã đình chỉ công tác, thu hồi thẻ nhà báo và đang kiểm điểm xem xét kỷ luật... thì "nhà báo" Phùng Thế Dũng- Phó trưởng VPĐD báo Văn nghệ tại miền Trung- Tây Nguyên vẫn ung dung đến thị xã Sông Cầu (tỉnh Phú Yên) tiếp tục giở chiêu lừa đảo chiếm đoạt tài sản và đã bị bắt quả tang vào ngày 25-3-2020.

Cảnh sát dẫn giải bị can Phùng Thế Dũng từ phòng hỏi cung về lại nơi tạm giam.

Kết luận điều tra của CA thị xã Sông Cầu cho biết: Qua nhiều nguồn tin, Phùng Thế Dũng biết được một số người dân ở Sông Cầu có nhu cầu được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) nhưng còn vướng mắc thủ tục nên từ năm 2019 Dũng từ Nha Trang đến Sông Cầu tìm gặp họ đặt vấn đề làm dịch vụ cấp số đỏ. Dũng "nổ": không chỉ là nhà báo, luật gia mà còn có mối quan hệ thân tín nhiều cán bộ lãnh đạo ở tỉnh Phú Yên và thị xã Sông Cầu, nên có đủ khả năng tác động, giải quyết việc chuyển cấp sổ đỏ nhanh chóng từ 40 đến 50 ngày, với chi phí "lót tay" mỗi trường hợp 50 đến 70 triệu đồng. Nhiều người dân đã "sa vào bẫy lừa" nên chấp nhận đưa tiền cho "nhà báo" này. Nhưng "tiền đã trao", nhưng "cháo thì không múc", khi người dân liên lạc hối thúc, đòi lại tiền thì Dũng viện hết lý do này đến lý do khác để trì hoãn. Đã ăn rồi, còn muốn ăn nữa, lừa được người này, Dũng còn muốn lừa thêm người khác, nên ông ta không bỏ trốn mà còn... tiếp tục gây án. Vậy là Dũng đã sa lưới. Ngày 25- 3-2020, cơ quan CSĐT CA thị xã Sông Cầu đã phục kích và bắt quả tang khi Dũng đang nhận 60 triệu đồng của một người dân ở quán càphê Ruby thuộc xã Xuân Hải. Quá trình điều tra, CA thị xã Sông Cầu xác định Phùng Thế Dũng đã lừa đảo chiếm đoạt 432 triệu đồng của 7 người dân ở Sông Cầu đồng thời đề nghị Viện KSND cùng cấp truy tố Dũng về tội danh "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Trong lúc Dũng chuẩn bị ra vành móng ngựa thì cơ quan CSĐT CA tỉnh Khánh Hòa lại ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với "nhà báo" đầy tai tiếng này cùng cộng sự của ông là bà Lê Thị Mỹ Hớn (1989), nguyên kế toán của VPĐD trong một vụ án khác. Ngày 20-8, cơ quan CSĐT CA tỉnh Khánh Hòa đã ra Quyết định số 89 khởi tố vụ án, khởi tố bị can về hành vi "Lạm dụng chức vụ quyền hạn, chiếm đoạt tài sản" đối với ông Dũng và bà Hớn. Một ngày sau, Viện KSND tỉnh Khánh Hòa phê chuẩn các quyết định khởi tố vụ án và khởi tố bị can của CQĐT.

Thông tin ban đầu của CQĐT cho biết: Vào năm 2016, lợi dụng chính sách ưu đãi của Ngân hàng Đông Á (Chi nhánh Nha Trang), cho cán bộ công nhân viên các cơ quan Nhà nước vay gói tín dụng tiêu dùng bằng phương thức tín chấp, trả góp; Phùng Thế Dũng đã mượn danh của 24 người ngoài xã hội, kèm theo hồ sơ giả mạo như hợp đồng lao động, quyết định hưởng lương, nâng lương của VPĐD báo Văn nghệ, giao cho Lê Thị Mỹ Hớn đánh máy, lập danh sách đem đến Chi nhánh Ngân hàng Đông Á lập thủ tục vay tiền với tổng số tiền xác định ban đầu là 2,135 tỷ đồng.

Giấy nhận tiền Phùng Thế Dũng trao cho một bị hại.

Liên quan đến Phùng Thế Dũng, còn có vụ "chạy án" cho bị can Đỗ Duy Trí (1992, trú xã Cam Thành Nam, TP Cam Ranh), lấy 70 triệu đồng vào năm 2011 (nhưng sau đó do Dũng đã khắc phục hậu quả nên CATP Nha Trang đã đình chỉ vụ án). Trước một loạt hành vi của Phùng Thế Dũng, tháng 12-2019, Sở TT và TT, Hội Nhà báo tỉnh Khánh Hòa đã có công văn đề nghị cơ quan thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định pháp luật đối với ông Dũng. Tổng Biên tập báo Văn Nghệ đã đình chỉ công tác, thu hồi thẻ nhà báo đối với ông Dũng và giao Trưởng VPĐD báo Văn Nghệ tại miền Trung- Tây Nguyên tiến hành kiểm điểm, xem xét kỷ luật. Vậy nhưng, ông ta vẫn tiếp tục.

Vụ án "cựu nhà báo" Phùng Thế Dũng đang tiếp tục được các cơ quan bảo vệ pháp luật điều tra, truy tố và xét xử. Tuy nhiên bài học đắt giá cho các nhà báo và cơ quan báo chí thì ngay bây giờ phải rút ra và quán triệt nghiêm túc. Trong bối cảnh cơ chế thị trường, nạn tham nhũng đang tràn lan thì không gì có thể nói trước. Bởi vậy việc quản lý, giáo dục của các Ban Biên tập, và sự tự giác rèn luyện của bản thân các nhà báo là điều phải được thực hiện thường xuyên và không thể xem nhẹ.

NGUYỄN XUÂN