Hào khí tháng 3... (Kỳ 2: Những mốc son chói lọi)

Thứ năm, 26/03/2020 16:11

Theo ông Bùi Văn Tiếng - Chủ tịch Hội khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng, có thể khẳng định, Đảng bộ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng từ khi thành lập vào cuối tháng 3-1930 cho đến cuối tháng 3-1975 đã khẳng định được vai trò lãnh đạo của mình đối với đất nước và đất Quảng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Một đất nước và đất Quảng cơ bản sạch bóng quân xâm lược cũng là thành tựu to lớn của toàn Đảng bộ trong suốt 45 năm tính từ ngày thành lập (nói cơ bản sạch bóng quân xâm lược vì vẫn còn đó huyện đảo Hoàng Sa đang bị ngoại bang dùng vũ lực chiếm đóng trái phép từ đầu năm 1974 đến tận hôm nay).

Quân giải phóng tiến vào Đà Nẵng ngày 29-3-1975 (ảnh tư liệu).

Vẻ vang người lính cộng sản

Thật vậy, ngay sau khi thành lập, những người cộng sản Đà Nẵng đã thực hiện hàng loạt các hoạt động cách mạng như: rải truyền đơn, treo cờ đỏ rải rác trong thành phố, nhất là vụ treo cờ ở rạp chiếu bóng Nguyễn Khoa Lệ và một vụ ở Bót cò Đà Nẵng nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1-5. Từ đó về sau hàng chục, rồi hàng trăm đảng viên cộng sản xuất hiện tại Đà Nẵng, từ việc tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng yêu nước, nhất là thông qua học tập tác phẩm "Đường Kách mệnh" của Nguyễn Ái Quốc, những người cộng sản Đà Nẵng, Quảng Nam đã bất chấp khó khăn, gian khổ, hiểm nguy để tuyên truyền, giác ngộ cách mạng cho nhân dân. Đảng bộ đã lãnh đạo các phong trào những năm 1930-1931 ủng hộ phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh; phong trào đòi dân sinh - dân chủ 1936-1939 và cao trào cách mạng 1939-1945, tiến hành thành công cuộc khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945.

Trong rất nhiều hồi ký của các nhà yêu nước tại Đà Nẵng - Quảng Nam lúc bấy giờ, như Trung tướng Phan Hoan - Thường vụ Đặc khu ủy, Tư lệnh Mặt trận 44 Quảng Đà; Trần Thận - Bí thư Đặc khu ủy; Đại tá Lê Công Thạnh - Ủy viên Đặc khu ủy, Phó Chính ủy Mặt trận 44..., có thể thấy, tinh thần, ngọn lửa yêu nước của người dân nơi đây cùng với sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng một lần nữa lại được khẳng định qua từng chiến công.

Việc xây dựng các "vành đai diệt Mỹ" ở Hòa Vang và nhiều địa phương khác, với rất nhiều cách đánh sáng tạo đã khiến cho kẻ thù khiếp vía và chịu nhiều tổn thất. Đặc biệt, trong chiến dịch Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân - 1968, quân và dân Đà Nẵng đã nổi dậy, tấn công vào thành phố. Sau đó địch phản kích, hàng trăm chiến sĩ cách mạng đã anh dũng hy sinh. Mặc dù bị bao vây giữa lòng địch, nhưng các đảng viên, chiến sĩ cách mạng quyết không hạ vũ khí đầu hàng, chiến đấu đến giọt máu cuối cùng, lấy máu đào tô thắm thêm ngọn cờ quang vinh của Đảng, tạo thế chiến lược sau này cho hàng loạt chiến thắng của quân và dân tỉnh nhà, đã góp phần làm thất bại Chiến lược chiến tranh cục bộ, Chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh của đế quốc Mỹ và tay sai, buộc kẻ thù phải ký vào Hiệp định Paris, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Quân đội Sài Gòn rút chạy khỏi Đà Nẵng (ảnh tư liệu).

Vươn mình đổi mới sau đau thương

Anh hùng LLVT Nhân dân, Đại tá Phạm Xuân Sanh - nguyên Đội trưởng Đội 170 Đặc công Hải quân (nay là Đội 3, Lữ đoàn 126 Đặc công Hải quân) - vào những năm 1964-1972 được Mỹ - Ngụy đặt biệt danh là "con Rái cá" miền sông nước Quảng Đà; đồng thời treo thưởng hàng chục ngàn đô-la cho ai phát hiện, bắt giữ hoặc tiêu diệt được ông còn nhớ như in quãng thời gian chiến đấu, cống hiến, hy sinh cho mảnh đất này. Từ miền Bắc, ông cùng đơn vị Nam tiến, và mảnh đất Quảng Đà là nơi dừng chân hoạt động, chiến đấu. "Sự khốc liệt của chiến trường Quảng Đà trong chiến tranh chống Mỹ có lẽ không bút mực nào có thể tả hết. Chiến công nhiều, nhưng mất mát, hy sinh cũng rất lớn. Chỉ với đơn vị Đội 170 Đặc công Hải quân, mặc dù cực kỳ thiện chiến nhưng con số hy sinh, bị thương cũng không nhỏ, đơn vị phải nhiều lần bổ sung quân, thay đổi phiên hiệu", Đại tá Sanh nhớ lại.

Trong chiến dịch mùa Xuân năm 1975, với việc giải phóng Đà Nẵng ngày 29-3-1975 đã góp phần quan trọng để Trung ương quyết định mở chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Sau ngày thống nhất đất nước, từ năm 1975 đến năm 1996, dưới sự lãnh đạo Đảng bộ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, Thành ủy Đà Nẵng đã tập trung lãnh đạo khắc phục hậu quả chiến tranh, giành được những thành tựu quan trọng. Điểm nổi bật trong thời kỳ này là Quảng Nam - Đà Nẵng là tỉnh đi đầu trong việc thực hiện khai hoang, vỡ hóa, phong trào hợp tác hóa nông nghiệp, xây dựng công trình đại thủy nông Phú Ninh... Cùng với tập trung lãnh đạo phục hồi, phát triển nông nghiệp, đẩy mạnh công nghiệp hóa, một số ngành công nghiệp chủ yếu như cơ khí, khai khoáng, vật liệu xây dựng, dệt - may, hóa chất, khai thác, chế biến, nuôi trồng thủy, hải sản, các ngành xuất nhập khẩu, giao thông vận tải... hình thành và phát triển.

Ông Bùi Văn Tiếng nhìn nhận, bước vào thời kỳ đổi mới, Thành ủy Đà Nẵng đã vận dụng một cách sáng tạo đường lối của Đảng vào hoàn cảnh cụ thể của tỉnh; vừa tranh thủ sự chỉ đạo, giúp đỡ của cấp trên, vừa phát huy nội lực, giành được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực, cải thiện một bước đáng kể đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, góp phần cùng cả nước vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế kéo dài, bảo đảm quốc phòng và an ninh quốc gia, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, tạo đà quan trọng cho sự phát triển trong những năm sau này.

 "Trong hơn 20 năm tính từ cuối tháng 3 năm 1975 cho đến cuối năm 1996, Đảng bộ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng tiếp tục khẳng định được vai trò lãnh đạo của mình đối với đất nước và đất Quảng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc sau chiến tranh, trong sự nghiệp Đổi Mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo. Sau khi chia tách từ tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng thành hai đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương vào đầu năm 1997, trong hơn 20 năm qua, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam có điều kiện để phát triển ở một tầm cao mới, và qua đó, cùng với Đảng bộ tỉnh Quảng Nam anh em, Đảng bộ thành phố Đà Nẵng tiếp tục giữ vững vai trò lãnh đạo của mình", ông Bùi Văn Tiếng nói.

Vận dụng cơ hội xây dựng thương hiệu Đà Nẵng

Từ năm 1997 đến nay, với cơ chế của một thành phố trực thuộc Trung ương, Đảng bộ Đà Nẵng vận dụng cơ hội mới để phát triển, xây dựng được thương hiệu riêng. Thành phố đã thực hiện công cuộc quy hoạch, chỉnh trang, phát triển đô thị một cách mạnh mẽ, tạo sức bật mới cho Đà Nẵng đổi thay nhanh chóng và diệu kỳ; kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng khá cao, du lịch phát triển nhanh, khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn; đạt nhiều thành tựu đáng khích lệ trong việc thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, cải thiện và nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, các chương trình "thành phố 5 không", "thành phố 3 có", "thành phố 4 an" giàu tính nhân văn được ban hành và thực hiện tích cực, chỉ số phát triển con người của Đà Nẵng luôn đứng vị trí cao so với cả nước; đã phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị, xây dựng chính quyền của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội cơ bản đảm bảo, không để bị động bất ngờ, môi trường đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn được bảo đảm.

 (Còn nữa)

Doãn Hùng