Hậu quả của việc thay đổi vĩnh viễn ADN của con người
Câu chuyện chỉnh sửa gen để chống lây nhiễm HIV/AIDS của nhà nghiên cứu người Trung Quốc He Jiankui vẫn gây tranh cãi và làm dấy lên nhiều lo ngại về hậu quả của việc thay đổi vĩnh viễn ADN của con người.
Việc điều chỉnh ADN để chống nhiễm virus HIV bị nghiêm cấm và rất nguy hiểm. Ảnh: Reuters |
Công nghệ thay đổi ADN điều chỉnh phôi không phải là mới mẻ. Nó đang được sử dụng trong nhiều phòng thí nghiệm trên thế giới, nhưng tất cả chỉ mới là thử nghiệm trên động vật. Hiện không có quốc gia nào trên thế giới cho phép điều chỉnh ADN của con người.
Vì vậy, tuyên bố của nhà khoa học Trung Quốc He Jiankui về việc điều chỉnh ADN của 2 bé gái sinh đôi với mục đích giúp những em bé chưa sinh ra có khả năng chống lại việc lây nhiễm HIV/AIDS vấp phải làn sóng chỉ trích gay gắt.
Tham vọng trên... những thử nghiệm
Ông He Jiankui tuyên bố, ông đã tham gia cuộc thử nghiệm đầu tiên trong lịch sử về chỉnh sửa ADN điều chỉnh phôi thai. Theo AP, nhà khoa học điều chỉnh phôi cho 7 cặp vợ chồng trong quá trình điều trị khả năng sinh sản. Trong đó có 1 cặp đã thành công cho đến thời điểm hiện tại. Nhà khoa học người Trung Quốc nói rằng, mục đích của ông không phải là chữa trị hay ngăn ngừa căn bệnh di truyền, mà chỉ cố gắng đưa vào gen đó một khả năng mà ít người có được bẩm sinh - đó là khả năng chống lại việc lây nhiễm virus HIV, AIDS. Và kết quả là, hai bé gái sinh đôi tên Lulu và Nana được chỉnh sửa bộ gene đã chào đời vào tháng 11 với bộ gen có khả năng chống lây nhiễm virus HIV/AIDS.
Trong tương lai gần, liệu pháp gen sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc điều trị và phòng ngừa bệnh tật. Các nhà nghiên cứu đang nhanh chóng tìm hiểu cách chỉnh sửa ADN để chống lại các bệnh nan y như Huntington (bệnh múa giật, tức vận động không tự chủ), Tay-Sachs và bệnh tim di truyền. Tuy nhiên, họ chỉ tiến hành các thí nghiệm hợp pháp trên động vật. Những thí nghiệm thay đổi ADN trên phôi của động vật đang được thực hiện thành công trên thế giới, nhưng vì lý do đạo đức các nhà khoa học không phát triển phôi đến giai đoạn con non ra đời, và chúng bị phá hủy sau khi kết thúc cuộc nghiên cứu. Và các nhà khoa học cũng chưa từng thử nghiệm trên con người việc tạo ra trẻ sơ sinh vì không có nhà khoa học nào có thể dự đoán hậu quả của thí nghiệm thay đổi ADN của con người.
“Các nhà khoa học có trách nhiệm trong việc phát triển thế hệ chỉnh sửa gen tiếp theo”, Kyle Alarmer, một chuyên gia về gen tại Đại học Pittsburgh, người hy vọng sẽ có thể thay đổi gen để phục vụ việc điều trị bệnh cho biết. Ông nói rằng, có nhu cầu công khai rõ ràng về loại nghiên cứu ông đang làm. “Các gia đình liên lạc với tôi mọi lúc, và những người đàn ông không có tinh trùng và không có khả năng sinh sản rất cần giúp đỡ”, ông nói thêm.
Nguy hiểm đến mức nào?
Trong nhiều năm, đã có nhiều cảnh báo cho thấy việc chỉnh sửa gen có thể thay đổi di truyền con người - thông qua việc thay đổi trứng, tinh trùng hoặc phôi - không được thử nghiệm trong thai kỳ cho đến khi các nhà khoa học biết được liệu việc thực hành có an toàn hay không.
Nỗi lo sợ lớn nhất là những thí nghiệm như vậy có thể vô tình làm tổn thương các gen mà sau đó có thể truyền lại cho các thế hệ tương lai. Trung Quốc đã ra lệnh dừng ngay lập tức các thí nghiệm “dưới lòng đất” của nhà khoa học He Jiankui và nhóm của ông. “Đây là những gì chúng tôi sợ: Không phải các nhà khoa học hợp pháp – mà là “những người điên” luôn muốn thử nó mà không hề lo lắng về hậu quả”, nhà khoa học Shoukhrat Mitalipov thuộc Đại học Y tế&Khoa học Oregon, người đang thực hành các thí nghiệm về cách sửa chữa các khiếm khuyết gen trong phôi người.
Thí nghiệm của nhà khoa học Trung Quốc chưa được mô tả trong bất kỳ tạp chí khoa học nào, vẫn chưa thể xác nhận hay bác bỏ kết quả này. Mặt khác, cuộc nghiên cứu này, nếu xảy ra, là một nỗ lực để áp dụng liệu pháp gen trên con người, nhằm ngăn ngừa dịch bệnh HIV đang trở thành mối đe dọa đối với loài người. Tất nhiên, việc điều chỉnh ADN để chống nhiễm virus HIV là một nhiệm vụ có thể thực hiện được. Nhưng, công nghệ này bị nghiêm cấm và rất nguy hiểm. Sau Thế chiến II, những thí nghiệm trên con người không được thực hiện. Các nhà khoa học có thể thay đổi ADN phôi động vật có vú, có nghĩa là cũng có khả năng thay đổi ADN của con người, nhưng, điều đó bị nghiêm cấm”, - nhà di truyền học Vedunova nói trong cuộc phỏng vấn với Sputnik.
Công nghệ thay đổi DNA có vẻ rất đơn giản. Nhưng các bác sĩ không thể đảm bảo sự an toàn của các thí nghiệm như vậy. Cuộc thí nghiệm có thể mang lại những hậu quả không lường trước. Có khả năng mấy thế hệ sẽ phát triển bình thường, nhưng sau đó hệ thống đột ngột gặp trục trặc, sẽ xuất hiện những thứ bệnh nguy hiểm khác. Công nghệ này có thể gây ra những thay đổi trong cơ thể con người mà không có liệu pháp nào có thể chữa khỏi được.
Cuộc thăm dò vào hồi năm 2017 của Trung tâm nghiên cứu Pew cho thấy, hầu hết người Mỹ - khoảng 7/10- cho biết việc thay đổi ADN của thai nhi để điều trị một căn bệnh nghiêm trọng là hợp lý. Nhưng tỷ lệ ủng hộ giảm mạnh khi người ta nói rằng, việc này sẽ liên quan đến nghiên cứu phôi thai. Và chỉ 19% nghĩ rằng việc chỉnh sửa gen cho những thứ như tăng cường trí thông minh sẽ là thích hợp.
Làm thế nào để chứng minh rằng việc chỉnh sửa gen là đủ an toàn để thử hợp pháp trong quá trình mang thai của con người là một câu hỏi hóc búa cho đến nay. “Không có điều chỉnh nào theo sau đứa trẻ đó suốt đời, ít hơn nhiều so với thế hệ con cháu của sau đó”, một nhà khoa học lưu ý. Một câu hỏi khác là ngay cả khi nó được coi là an toàn, liệu việc chỉnh sửa gen của phôi thực sự cần thiết cho các lựa chọn ngày nay? Các gia đình có thể đủ khả năng thụ tinh trong ống nghiệm, có thể trả thêm tiền để có phôi được thử nghiệm di truyền và thực hiện cấy, nhưng câu hỏi là liệu việc đó có cần thiết và có nên làm hay không.
KHẢ ANH