Hậu quả pháp lý khi ngừng hoạt động kinh doanh quá lâu
*Bạn đọc hỏi: anh Ngô Đình Cường - Chủ Công ty TNHH MTV X. tại TP Đà Nẵng hỏi: Tôi có thành lập Công ty X. và được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp vào tháng 6/2023. Tuy nhiên từ lúc thành lập cho đến nay, vì gia đình xảy ra nhiều biến cố nên tôi không thể tập trung vào việc vận hành Công ty. Cho tôi hỏi, việc Công ty không hoạt động trong thời gian dài có thể dẫn đến những hệ quả pháp lý gì không?
*Luật sư Đặng Văn Vương – Phó trưởng Văn phòng Luật sư Phong & Partners, trả lời:
Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 206 Luật Doanh nghiệp 2020 và hướng dẫn tại Điều 66 Nghị định 01/2021/NĐ-CP ngày 04/01/2024 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp, trong trường hợp doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp phải gửi thông báo đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chậm nhất 03 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng kinh doanh. Mặc dù việc tạm ngừng kinh doanh là quyền của doanh nghiệp nhưng nhằm kiểm soát tình trạng doanh nghiệp ngừng hoạt động kéo dài, pháp luật quy định rõ thời gian tạm ngừng kinh doanh tối đa là 1 năm. Nếu cần thiết, doanh nghiệp được phép gia hạn thêm 01 lần, nhưng tổng thời gian tạm ngừng không được vượt quá 2 năm.
Như vậy, theo quy định pháp luật, khi tạm dừng kinh doanh, Công ty X. phải có nghĩa vụ thông báo đến Phòng Đăng ký kinh doanh TP Đà Nẵng chậm nhất 3 ngày kể từ ngày tạm ngừng hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, hiện doanh nghiệp của anh Cường đã ngừng hoạt động hơn một năm rưỡi mà không có thông báo đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền là vi phạm quy định.
1. Một số rủi ro pháp lý khi doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong thời gian dài nhưng không thông báo
Trường hợp cơ quan đăng ký kinh doanh kiểm tra và phát hiện Công ty X. tạm ngừng hoạt động kinh doanh trong thời gian dài nhưng không thực hiện thủ tục thông báo thì Công ty X. có thể bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, hoặc thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, buộc thực hiện thủ tục giải thể theo quy định pháp luật, tuỳ mức độ.
Thứ nhất, bị xử phạt hành chính
Điểm c Khoản 1 Điều 50 Nghị định 122/2021/NĐ-CP quy định về xử lý vi phạm hành chính khi không thực hiện nghĩa vụ thông báo tạm ngừng kinh doanh như sau:
“Điều 50. Vi phạm các nghĩa vụ thông báo khác
1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
c) Không thông báo hoặc thông báo không đúng thời hạn đến cơ quan đăng ký kinh doanh về thời điểm và thời hạn tạm dừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh”.
Theo đó, Công ty X. có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với việc không thông báo về thời điểm và thời hạn tạm ngừng hoạt động kinh doanh.
Thứ hai, bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
Điểm c Khoản 1 Điều 212 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp như sau:
“Điều 212. Thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp
1. Doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong trường hợp sau đây:
c) Doanh nghiệp ngừng hoạt động kinh doanh 01 năm mà không thông báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế”
Đồng thời, Khoản 3 Điều 75 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định về trình tự, thủ tục thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp như sau: “Trường hợp doanh nghiệp ngừng hoạt động kinh doanh 1 năm mà không thông báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh và Cơ quan thuế, Phòng Đăng ký kinh doanh thông báo bằng văn bản về hành vi vi phạm và yêu cầu người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đến trụ sở của Phòng để giải trình. Sau 10 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc thời hạn hẹn trong thông báo mà người được yêu cầu không đến hoặc nội dung giải trình không được chấp thuận thì Phòng Đăng ký kinh doanh ban hành quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp”.
Từ các quy định trên, trong trường hợp doanh nghiệp ngừng hoạt động quá 1 năm mà không thông báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh và Cơ quan thuế thì người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp sẽ phải đến trụ sở của Phòng Đăng ký kinh doanh để giải trình theo thông báo. Trong trường hợp các lý do trong giải trình không được chấp thuận hoặc quá 10 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn hẹn mà người được yêu cầu không đến giải trình thì Phòng Đăng ký kinh doanh ban hành quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Theo thông tin anh Cường cung cấp, Công ty X. đã không hoạt động hơn một năm rưỡi mà không thông báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh và Cơ quan thuế, cũng như không đăng ký tạm ngừng hoạt động. Do vậy, Công ty X. có nguy cơ bị Phòng đăng ký kinh doanh thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp theo quy định.
Thứ ba, buộc thực hiện thủ tục giải thể
Điểm d Khoản 1 Điều 207 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về trường hợp giải thể doanh nghiệp như sau:
“Điều 207. Các trường hợp và điều kiện giải thể doanh nghiệp
1. Doanh nghiệp bị giải thể trong trường hợp sau đây:
d) Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Luật Quản lý thuế có quy định khác.
2. Doanh nghiệp chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ, nghĩa vụ tài sản khác và không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc Trọng tài. Người quản lý có liên quan và doanh nghiệp quy định tại điểm d khoản 1 Điều này cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ của doanh nghiệp.”
Đồng thời, Khoản 8 Điều 75 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định: “Sau khi nhận được quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp thực hiện thủ tục giải thể theo quy định tại Điều 209 Luật Doanh nghiệp, trừ trường hợp doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp để thực hiện biện pháp cưỡng chế theo đề nghị của Cơ quan quản lý thuế”.
Như vậy, sau khi bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, doanh nghiệp buộc phải thực hiện thủ tục giải thể theo trình tự và thủ tục quy định tại Điều 209 Luật Doanh nghiệp. Theo đó, trong trường hợp Công ty X. bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì Công ty X. sẽ phải tiến hành thủ tục giải thể theo quy định của pháp luật sau khi đã thanh toán hết các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản.
Mặt khác, Công ty X. có thể phải chịu các nghĩa vụ thuế phát sinh trong thời gian tạm ngừng hoạt động mà không thực hiện thủ tục thông báo tạm ngừng.
Theo quy định Điểm a Khoản 2 Điều 4 Nghị định 126/2020/NĐ-CP, trong thời gian người nộp thuế tạm ngừng hoạt động, kinh doanh, người nộp thuế không phải nộp hồ sơ khai thuế, trừ trường hợp người nộp thuế tạm ngừng hoạt động, kinh doanh không trọn tháng, quý, năm dương lịch hoặc năm tài chính thì vẫn phải nộp hồ sơ khai thuế tháng, quý; hồ sơ quyết toán năm. Nếu doanh nghiệp không thông báo tạm ngừng kinh doanh với cơ quan thuế theo đúng quy định, về nguyên tắc, doanh nghiệp vẫn được xem là đang hoạt động và phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ kê khai thuế theo quy định của pháp luật.
Theo Điều 143 Luật Quản lý thuế 2019, một trong các hành vi trốn thuế là không nộp hồ sơ khai thuế; nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp hồ sơ khai thuế hoặc ngày hết thời hạn gia hạn nộp hồ sơ khai thuế theo quy định. Do đó, nếu doanh nghiệp không nộp hồ sơ khai thuế hoặc nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày kể từ thời hạn quy định thì hành vi này có thể bị xem là trốn thuế và bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, Điểm c Khoản 2 Điều 1 Nghị định 22/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2016/NĐ-CP quy định: “Người nộp lệ phí đang hoạt động có văn bản gửi cơ quan thuế quản lý trực tiếp về việc tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh trong năm dương lịch không phải nộp lệ phí môn bài năm tạm ngừng kinh doanh với điêu kiện: văn bản xin tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh gửi cơ quan thuế trước thời hạn phải nộp lệ phí theo quy định (ngày 30 tháng 01 hàng năm) và chưa nộp lệ phí môn bài của năm xin tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trường hợp tạm ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh không đảm bảo điều kiện nêu trên thì nộp mức lệ phí môn bài cả năm”. Như vậy, trong trường hợp Công ty X. không đáp ứng đầy đủ các điều kiện nêu trên, tức là không gửi văn bản xin tạm ngừng hoạt động đúng thời hạn hoặc đã nộp lệ phí môn bài trước khi có thông báo tạm ngừng thì vẫn phải thực hiện nghĩa vụ nộp lệ phí môn bài cho cả năm tài chính. Khoản 2 Điều 59 Luật Quản lý thuế 2019 quy định mức tính tiền chậm nộp và thời gian tính tiền chậm nộp tiền thuế nói chung và lệ phí môn bài nói riêng như sau:
Số tiền chậm nộp (tiền phạt khi chậm nộp) = Số tiền lệ phí môn bài chậm nộp x 0.03% x Số ngày chậm nộp
Trong đó, thời gian tính tiền chậm nộp được tính liên tục kể từ ngày tiếp theo ngày phát sinh tiền chậm nộp đến ngày liền kề trước ngày số tiền nợ thuế, tiền thu hồi hoàn thuế, tiền thuế tăng thêm, tiền thuế ấn định, tiền thuế chậm chuyển đã nộp vào ngân sách nhà nước.
Ngoài một số hậu quả pháp lý cơ bản nêu trên, việc doanh nghiệp dừng hoạt động lâu có thể dẫn đến một số hậu quả khác tùy theo tình hình của mỗi doanh nghiệp.
2. Một số giải pháp
Dưới đây là một số giải pháp gợi ý để hạn chế rủi ro pháp lý cho anh Cường như sau:
Kiểm tra tình trạng pháp lý hiện tại của doanh nghiệp: Kiểm tra thông tin trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp (https://dangkykinhdoanh.gov.vn) và Cổng thông tin về thuế (https://www.gdt.gov.vn/wps/portal) để xem doanh nghiệp có bị cơ quan thuế hoặc cơ quan đăng ký kinh doanh cảnh báo hay không. Nếu có thì anh Cường cần liên hệ Phòng đăng ký kinh doanh và Cơ quan thuế để được hướng dẫn khắc phục nội dung cảnh báo trước khi hoạt động kinh doanh trở lại.
Tạm ngừng kinh doanh (nếu cần thiết): Nếu chưa sẵn sàng hoạt động, anh Cường cần làm thủ tục thông báo tạm ngừng kinh doanh với Phòng Đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế để tránh các nghĩa vụ pháp lý phát sinh trong thời gian ngừng hoạt động.
Giải thể doanh nghiệp (nếu cần thiết): Nếu anh Cường không có ý định tiếp tục kinh doanh, cân nhắc thủ tục giải thể để tránh các rủi ro về sau.
Như vậy, để hạn chế rủi ro pháp lý, anh Cường cần nhanh chóng xem xét và lựa chọn phương án phù hợp với tình hình doanh nghiệp. Việc am hiểu và tuân thủ đúng quy định pháp luật không chỉ giúp tránh các chế tài xử phạt mà còn tạo điều kiện thuận lợi nếu muốn tiếp tục hoạt động kinh doanh trong tương lai. Dù quyết định tạm ngừng hay giải thể, việc chủ động thực hiện các thủ tục cần thiết sẽ giúp doanh nghiệp giảm thiểu những hệ lụy không đáng có.
Chuyên mục này có sự hợp tác về chuyên môn của Văn phòng Luật sư Phong & Partners. Đường dây nóng hỗ trợ tư vấn: 0236.3822678 - 0905.102425