Hãy "trả nợ cho rừng"!

Thứ năm, 31/03/2016 08:25

(Cadn.com.vn) - Mấy cái thủy điện ở thượng nguồn sông Hương, sông A Sáp thuộc tỉnh TT-Huế cứ lần lữa  trả nợ cho rừng Bề Tui ạ...

- Có phải chuyện trồng rừng thay thế không Ba A Lưới?

- Thì đó, theo quy định, chủ đầu tư các dự án thủy điện (DATĐ) phải đầu tư trồng rừng mới thay thế diện tích rừng chuyển sang mục đích sử dụng khác. Thế nhưng, nhiều năm qua, các DATĐ Bình Điền, Hương Điền, A Lưới cứ chây ì việc “trả rừng” dù các DATĐ này đã chặt phá 910 ha rừng của TT-Huế.

- Cụ thể từng DATĐ trên còn “nợ” bao nhiêu?

- Với DATĐ Bình Điền (thượng nguồn sông Hương) phải trồng 450 ha rừng trồng thay thế, nhưng sau gần 7 năm đã phát điện, chủ đầu tư chỉ mới trồng được 70 ha rừng thay thế. Tương tự, sau gần 6 năm đi vào vận hành, DATĐ Hương Điền chỉ trồng được 35 ha trong tổng số 320 ha rừng thay thế phải trồng. Còn DATĐ A Lưới (thượng nguồn sông A Sáp) đi vào vận hành hơn 4 năm nhưng mới trồng 70/140 ha rừng thay thế.

- Vậy thì các cơ quan chức năng tỉnh TT-Huế phải “thúc nợ” chớ.

- Mặc dù chủ đầu tư các DATĐ đều cam kết “giấy trắng, mực đen” và chính quyền tỉnh đôn đốc, giám sát nhưng những doanh nghiệp này than khó, kể khổ... để khất (!?).

- Theo Bề Tui, có thể chủ đầu tư các DATĐ nói trên không có thời gian hay chuyên môn để trồng rừng. Vậy sao cơ quan có thẩm quyền không quy ra tiền để các DATĐ nộp vào cho đơn vị chuyên môn thực hiện trồng rừng?

- UBND tỉnh TT-Huế đã nhiều lần yêu cầu các chủ đầu tư dự án nghiêm túc thực hiện quy định, đồng thời ban hành đơn giá trồng rừng thay thế với mức 73 triệu đồng/ha để chủ đầu tư các DATĐ có thể nộp tiền vào Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh để trồng rừng trong năm nay. Nhưng khi Sở NN&PTNT tỉnh TT-Huế mời họ yêu cầu nộp tiền trồng rừng thì đại diện của các doanh nghiệp thủy điện này lại tiếp tục... than khó, kể khổ.

- Bề Tui cho rằng, chủ đầu tư các DATĐ nêu trên không có thiện chí “trả nợ rừng” chớ không phải khó, khổ. Thiết nghĩ, nếu chủ đầu tư các DATĐ tiếp tục chây ì thì chính quyền tỉnh TT-Huế cần tính đến phương án cưỡng chế thực hiện việc trồng rừng thay thế.

Sau 7 năm đi vào vận hành, TĐ Bình Điền (ảnh) chỉ trồng được 70 ha rừng thay thế,
còn nợ 380 ha rừng trồng.

BỀ TUI