Hé lộ đường dây đưa lao động “chui” sang Nga
(Cadn.com.vn) - Hàng chục thanh niên nam nữ ở nhiều vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh TT-Huế sau khi được người quen “chạy” thủ tục qua Nga làm lao động hơn 1 năm nay. Thế nhưng, mới đây họ đột ngột trở về quê với dáng vẻ tiều tụy, mệt mỏi, gầy ốm và điều đáng nói là nợ nần chồng chất.
Bức xúc vì bị cưỡng bức lao động
Mấy ngày qua, người dân ở quê nghèo xã Phú Xuân, H. Phú Vang (TT-Huế) bàn tán xôn xao chuyện hàng chục thanh niên trong làng qua Nga lao động may mặc hơn 1 năm nay, bỗng dưng trở về với dáng vẻ tiều tụy, uể oải. Sau nhiều ngày thâm nhập tìm hiểu, ngày 6-8, P.V trở lại xã Phú Xuân thì được bà Đặng Thị Lệ - cán bộ văn hóa xã xác nhận, hàng loạt thanh niên trong xã vừa trở về sau một thời gian đi lao động ở Nga. Theo bà Lệ, những thanh niên đi lao động ở Nga đều do ông Võ Văn Tuyên (ở xã Phú Xuân) đưa đường dẫn lối.
Chị em Trần Thị Mới (26 tuổi) và Trần Thị Xuyến (23 tuổi) sau hơn 13 tháng qua Nga lao động, vừa trở về quê khoảng 1 tuần vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại sự việc. Trước đây, Mới và Xuyến đã có nhiều năm làm nghề may mặc tại TPHCM, nhưng lương thấp, không đủ cho hai chị em trang trải. Năm 2012, khi về quê ăn Tết, bố mẹ Mới và Xuyến nghe ông Võ Văn Tuyên nói người bà con có xưởng may ở Nga, rất cần tuyển lao động.
Chị em Trần Thị Mới và Trần Thị Xuyến sau hơn 1 năm lao động ở Nga, nay trở về nhà lại rơi vào cảnh trắng tay, nợ nần chồng chất. |
Theo ông Tuyên, với những thợ may chuyên nghiệp như Mới và Xuyến thì mỗi tháng sẽ được trả lương 400-500USD, mỗi ngày làm 8 tiếng, làm trong vòng 3 năm. Thủ tục qua Nga cũng rất đơn giản, mỗi lao động chỉ đóng 3 triệu đồng, còn tất cả sẽ có người lo với chi phí 2.000USD. Số tiền này sẽ được trừ vào lương của các lao động. Bà Phan Thị Tịnh - mẹ của Mới và Xuyến nghe vậy rất phấn khởi nên khuyên hai con cố gắng qua Nga làm vài năm, kiếm ít vốn rồi về quê lập gia đình. Thương bố mẹ hoàn cảnh khó khăn, chị em Mới và Xuyến quyết định xa quê. Sau đó, hai em được một phụ nữ tên Dung (trú đường Trưng Nữ Vương, TX Hương Thủy, TT-Huế) dẫn đi làm hộ chiếu. Tiếp đó, toàn bộ thủ tục giấy tờ của các lao động đều có người đứng ra lo. Sau gần 4 tháng được cấp hộ chiếu, các em được bà Dung đưa ra Hà Nội ăn ở một thời gian ngắn, sau đó bay qua Nga và có người Việt đến đón về xưởng may T.G nằm ở thành phố Kalora.
Theo Xuyến và Mới, xưởng may này do một người Việt Nam, tên là Giáo làm chủ. “Trước đây, ông Tuyên, bà Dung nói qua Nga làm việc 1 ngày 8 tiếng và nếu ngày nào tăng ca thì 12 tiếng. Thế nhưng thời gian đầu mới qua, ngày nào tụi em cũng phải làm việc đến 16 tiếng, nhưng sợ bố mẹ lo nên tụi em giấu. Thời gian gần đây, ngày nào tụi em cũng phải làm việc đến 22 tiếng. Không có thời gian nghỉ ngơi và không chịu nổi cảnh bị bóc lột sức lao động, tụi em gọi điện về kể cho gia đình biết” - Mới cho biết. Cũng theo Mới, ngoài việc lao động quá sức thì chỗ ở cũng rất tạm bợ và ăn uống thiếu thốn.
Sang Nga làm lao động may mặc cùng xưởng T.G với Mới và Xuyến còn có em Trần Thị Loan (21 tuổi) và Đặng Rốt (25 tuổi, cùng trú xã Phú Xuân). Theo Rốt cho biết, em và Loan cũng đi theo “đường dây” do ông Tuyên giới thiệu và bà Dung dẫn dắt. “Lúc đầu họ nói em qua Nga chỉ làm may mặc, mỗi ngày 8 giờ nhưng khi qua đó ngày nào cũng phải làm 16 tiếng. Ngoài công việc may mặc, em còn phải đi kéo đẩy xe rác” - Rốt kể. Qua tìm hiểu được biết, tất cả các lao động và chủ xưởng may T.G không có ký kết bất cứ giấy tờ hợp đồng lao động nào.
Đặng Rốt kể lại những tháng ngày bị cưỡng bức lao động tại Nga; và em Trần Thị Loan vẫn chưa hết mệt mỏi sau khi được về nước. |
Nợ nần chồng chất
Nhiều nam nữ thanh niên ở Phú Xuân sau một thời gian dài qua làm việc tại xưởng may T.G, bị bóc lột sức lao động và cuộc sống túng thiếu nên tìm mọi cách để về quê. Tuy nhiên, kể từ khi đặt chân đến nước Nga, những lao động này chưa bao giờ cầm được passport, visa hoặc bất cứ giấy tờ tùy thân gì. Vì vậy, việc các lao động muốn trở về quê là rất khó khăn. Không chịu nổi trước cảnh bị cưỡng bức lao động, những lao động này đã gọi điện về cho gia đình cầu cứu. Bà Trần Thị Dâu (45 tuổi, trú thôn Lê Bình, xã Phú Xuân), có con gái là Hồ Thị Lành (23 tuổi) - một trong số lao động làm việc tại xưởng may T.G nghẹn ngào: “Qua điện thoại, nghe con gái khóc nức nở và một hai xin được về nhà, tui chạy đi tìm gặp ông Võ Văn Tuyên để hỏi sự việc. Mấy ngày sau, ông Tuyên nói nếu muốn con gái về thì tui phải nộp vào tài khoản cho một người lạ 30 triệu đồng. Nhà không có tiền nhưng vì thương con, tui phải chạy vạy vay mượn nộp đủ 30 triệu đồng để “bảo lãnh” cho con về.
Cũng tương tự như vậy, người nhà của Trần Thị Mới, Trần Thị Xuyến, Trần Thị Loan và Đặng Rốt cũng phải nộp tiền vào tài khoản theo yêu cầu của chủ xưởng mới được trở về quê. Trong đó, trường hợp đóng ít nhất là 30 triệu đồng, trường hợp đóng cao nhất là 60 triệu đồng. Vợ chồng bà Phan Thị Tịnh khi biết tin con ở xứ người “sống dở chết dở” đã phải đi vay “nóng” 60 triệu đồng và chuyển vào tài khoản có tên Nguyễn Quang Minh. “Sau gần 10 ngày chuyển đủ tiền thì hai đứa con gái tui mới được về. Thấy hai con trở về nhà hốc hác, xanh xao mà tui không cầm được nước mắt. Vợ chồng tui tin tưởng ông Tuyên là người trong làng, ai ngờ lại đến nông nỗi này”.
Nói về số tiền “bảo lãnh” để được về nước, một số lao động cho biết đó là do chủ xưởng đòi vì các lao động nợ khi làm thủ tục sang Nga. Tuy nhiên, những lao động khẳng định dù họ làm việc hơn 1 năm nhưng chủ xưởng không hề trả một đồng lương nào. Theo tính toán của các lao động, với công suất làm việc của họ thì chỉ khoảng trong 4 tháng, thu nhập của họ sẽ hơn 2.000USD và đủ để chi trả tiền làm thủ tục, tiền ăn ở trong 4 tháng.
Hiện ở xã nghèo Phú Xuân vẫn còn một số lao động đang làm việc tại xưởng may mặc T.G chưa về quê được vì gia đình không có tiền nộp vào tài khoản theo yêu cầu của chủ xưởng. Và những lao động quê Phú Xuân trở về từ Nga cho biết, số lao động làm việc tại xưởng may T.G không chỉ ở xã Phú Xuân mà còn ở rải rác của các huyện Phú Vang, Quảng Điền và TX Hương Thủy.
Điều đáng nói là đường dây tổ chức đưa người sang lao động ở Nga với quy mô rầm rộ như thế nhưng chính quyền địa phương và cơ quan chức năng liên quan không hề hay biết. Vậy, liệu đây có phải là đường dây đưa lao động Việt Nam đi làm “chui” ở nước ngoài?
Hải Lan