Hệ lụy từ tham vọng xây dựng của Philippines

Thứ năm, 07/06/2018 13:02

Dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte, Philippines đang chứng kiến sự bùng nổ cơ sở hạ tầng chưa từng thấy khi thực hiện dự án mang tên “Build! Build! Build!”. Liệu kế hoạch đầy tham vọng của ông Duterte có mở ra “thời hoàng kim về cơ sở hạ tầng” như đã cam kết hay chỉ khiến đất nước trở thành con nợ khổng lồ trong tương lai.

Một công trường xây dựng ở Quezon, thủ đô Manila, Philippines.   Ảnh: Reuters

“Build! Build! Build!” bao gồm hơn 70 dự án quy hoạch hạ tầng trên toàn quốc với kinh phí ước tính lên đến 180 tỷ USD. Một số dự án nổi bật bao gồm xây dựng nhà ga mới tại sân bay quốc tế Manila, hệ thống tàu điện ngầm đầu tiên của quốc gia, và tuyến đường sắt dài 102km trên đảo Mindanao.

Kế hoạch đầy tham vọng của Tổng thống Duterte nằm trong chiến lược phát triển mang tên “Dutertenomics”, hứa hẹn sẽ mang lại sự phát triển đột phá về cơ sở hạ tầng trong nước, tạo công ăn việc làm cho người dân và đảm bảo phát triển kinh tế vững mạnh. Tuy nhiên, Philippines hiện đang đối mặt với một số hệ lụy trong quá trình triển khai dự án.

Lạm phát tăng cao

Để tài trợ cho cấu trúc hạ tầng mới, Manila tăng thu ngân sách thông qua các cải cách thuế. Điều này khiến tỷ lệ lạm phát của quốc gia tăng cao.

Theo thống kê, lạm phát trong tháng 4 của quốc gia Đông Nam Á này tăng 4,5% - mức tăng cao nhất trong suốt 5 năm qua. Con số này đã vượt quá phạm vi mục tiêu từ 2-4% mà chính phủ Philippines đặt ra. Kết quả, tốc độ tăng trưởng kinh tế của quốc gia đã sụt giảm so với mục tiêu 7-8% sau khi lạm phát đè nặng lên chi tiêu của người tiêu dùng.

Ông Victor Manhit, Viện Stratbase ADR của Philippines, cho biết luật cải cách thuế “TRAIN” là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc tăng chi phí sinh hoạt của người dân. Có hiệu lực từ tháng 1, TRAIN tập trung vào việc tăng thuế nhiên liệu và đồ uống ngọt, giảm thuế thu nhập cá nhân và nhiều biện pháp khác. Một số nghị sĩ đối lập của Philippines đã yêu cầu chính phủ điều chỉnh hoặc bãi bỏ TRAIN nếu tỷ lệ lạm phát tiếp tục tăng cao. Trong khi đó, các nhà quản lý kinh tế của ông Duterte lại thay phiên nhau bảo vệ TRAIN khi cho rằng giá dầu thế giới tăng, đồng Peso suy yếu và thiếu hụt gạo trợ cấp là nguyên nhân chính làm gia tăng tỷ lệ lạm phát.

Khoản vay khổng lồ

Bên cạnh việc thực hiện cải cách thuế, Philippines đang huy động vốn từ nhà đầu tư nước ngoài để thực hiện chương trình cơ sở hạ tầng. Cụ thể, Manila dự kiến sẽ vay 17 tỷ USD trong năm nay.

Đáng chú ý, giới chức nước này đang dựa vào sự tài trợ đáng kể của Trung Quốc. Điển hình, Trung Quốc cam kết cho Philippines vay 62 triệu USD để xây dựng hệ thống tưới tiêu Chico ở phía Bắc đảo Luzon, 4,36 triệu USD nhằm hiện đại hóa trung tâm lúa lai của đất nước, và 7,34 tỷ USD hỗ trợ cho chương trình cơ sở hạ tầng của Philippines.

Tuy nhiên, các chuyên gia và chính khách đối lập ở Philippines cho rằng cần thận trọng trước những đề nghị hào phóng từ Trung Quốc, bởi họ lo ngại Bắc Kinh có thể dùng tài trợ để chiếm lĩnh một số khu vực quan trọng của Philippines. Các chuyên gia Philippines cảnh báo Manila có thể sẽ đi theo vết xe đổ của Sri Lanka. Tháng 12-2017, chính phủ Sri Lanka đã chính thức bàn giao quyền sử dụng cảng biển chiến lược Hambantota cho Trung Quốc theo hợp đồng thuê có thời hạn 99 năm khi không có khả năng chi trả các khoản nợ tích tụ mà họ đã vay từ Trung Quốc.

Ngoài nợ nước ngoài, nợ công cũng gây lo lắng không kém cho quốc gia Đông Nam Á này. Hồi tháng 4, chính phủ Philippines đã ghi nhận khoản nợ công 130 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay. Theo Bộ Quản lý Ngân sách Philippines, chi tiêu của chính phủ đã tăng 43% so với cùng kỳ năm ngoái.

Được đánh giá là dự án đầy tiềm năng, hứa hẹn mang lợi ích tuyệt vời cho quốc gia, “Build! Build! Build!” được xem như đứa con cưng đầy tâm huyết của Tổng thống Duterte. Tuy nhiên, theo các nhà kinh tế Philippines, ông Duterte cần có những kế hoạch cụ thể, thực tế và hợp lý hơn để tránh những hệ lụy không đáng có xảy ra cho quốc gia mình.

TUỆ KHANH (Theo Reuters)