Hệ lụy từ việc sử dụng GPLX giả
(Cadn.com.vn) - Việc mua, bán và sử dụng giấy phép lái xe (GPLX) giả là vi phạm pháp luật, thế nhưng nhiều người bất chấp để trục lợi hoặc để đối phó với cơ quan chức năng. Tình trạng người điều khiển phương tiện sử dụng GPLX giả trên địa bàn Gia Lai hiện có rất nhiều, tiềm ẩn nhiều hệ lụy đối với TTATGT cũng như gây nguy hiểm cho xã hội...
Đường dây bán GPLX giả
Theo thống kê của Sở GTVT Gia Lai, từ năm 2013 đến nay, lực lượng chức năng của tỉnh đã phát hiện hơn 1.300 GPLX giả mạo. Phần lớn được phát hiện trong quá trình cấp đổi GPLX của Sở GTVT, số khác được lực lượng CSGT phát hiện trong quá trình TTKS. Chỉ tính riêng trên địa bàn TP Pleiku từ đầu năm 2015 đến nay, qua TTKS, lực lượng CSGT CATP Pleiku đã phát hiện hơn 20 trường hợp sử dụng GPLX giả.
Cũng qua công tác TTKS, xử lý vi phạm về TTATGT của lực lượng CSGT, năm 2016, Cơ quan CSĐT CA tỉnh Gia Lai đã khám phá một đường dây bán GPLX giả trên địa bàn. Tối 22-3-2016, tổ TTKS CSGT CA tỉnh Gia Lai phát hiện Phạm Thị Vinh (1982, trú xã Trà Đa, TP Pleiku) điều khiển xe máy BKS 81T4 - 9908 vi phạm Luật GTĐB. Qua kiểm tra, lực lượng CA phát hiện GPLX Vinh đang sử dụng được làm giả rất tinh vi nên đã chuyển vụ việc cho đơn vị nghiệp vụ của CA tỉnh Gia Lai tiếp tục điều tra, làm rõ. Từ đây, cơ quan CA phát hiện Vinh tàng trữ nhiều GPLX giả, đặc biệt tại nơi ở của Vinh có nhiều tài liệu liên quan đến việc làm giả GPLX. Tiếp tục khám xét tại quán cà-phê của vợ chồng Vinh tại KCN Trà Đa (xã Trà Đa), cơ quan CA thu giữ nhiều ảnh, hồ sơ liên quan phục vụ cho việc làm GPLX giả.
Tại cơ quan CA, Vinh khai nhận, khi có khách vào quán, Vinh chủ động dò hỏi, giới thiệu bán GPLX giả. Nếu khách đồng ý mua thì cung cấp thông tin cá nhân, ảnh và mỗi GPLX giả được Vinh bán từ 600.000 đến 700.000 đồng. Từ tháng 9- 2013 đến khi bị bắt, Vinh đã nhận làm hơn 100 GPLX giả, trục lợi hàng chục triệu đồng. Mở rộng điều tra, cơ quan CA bắt khẩn cấp đối tượng Vũ Văn Minh (1960, trú TP Biên Hòa, Đồng Nai). Minh thừa nhận đã nhận hồ sơ từ Vinh, sau đó tự làm GPLX giả. Liên quan đến vụ án trên, TAND tỉnh Gia Lai đã xét xử và tuyên phạt Vũ Văn Minh và Phạm Thị Vinh mỗi bị cáo 24 tháng tù về tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức".
Thượng tá Bùi Bá Quát, Phó trưởng Phòng ANKT CA tỉnh Gia Lai, cho biết: "Qua phối hợp điều tra, chúng tôi biết được 2 đối tượng trên thỏa thuận chuyển tiền qua ngân hàng và nhận hồ sơ qua đường xe khách để tránh bị phát hiện... Thời gian qua, cơ quan CA đã phát hiện một số GPLX được các đối tượng làm giả bằng chất liệu mới (dạng nhựa PET), rất khó phát hiện bằng mắt thường... Theo quy định của pháp luật, nếu bị phát hiện những trường hợp sử dụng GPLX giả, người vi phạm trong vòng 5 năm không được đăng ký học và cấp giấy phép lái xe".
Cơ quan CA thu giữ nhiều GPLX, hồ sơ phương tiện giao thông giả mạo. |
Cơ quan An ninh điều tra đọc lệnh bắt đối với đối tượng Phạm Thị Vinh (đứng giữa). |
Hậu quả nhãn tiền
Không chỉ làm giả, sử dụng GPLX giả đối với xe máy mà nhiều "bác tài" xe tải, xe khách đường dài cũng liều mạng mua GPLX giả để được "cầm lái". Điển hình như vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tối 27-11-2015 trên QL14 (đoạn qua xã Ia Khươl, H. Chư Păh, Gia Lai) làm 5 người chết, 9 người bị thương. Vào thời điểm trên, Cao Đại Trọng (1986, trú H. Đức Cơ, Gia Lai) điều khiển xe tải BKS 81M-5781 lưu thông trên QL14 B, chạy từ hướng TP Pleiku đi Kon Tum. Khi đến Km 1568 + 700 đã tông vào xe công nông do anh Rơ Châm Hrưng điều khiển chở 13 người, lưu thông cùng chiều, làm 5 người chết và 9 người bị thương. Nguyên nhân tai nạn là do Trọng điều khiển xe trong tình trạng buồn ngủ, thiếu quan sát. Mặt khác, Cao Đại Trọng không có giấy phép lái xe (sử dụng GPLX giả) nhưng vẫn điều khiển phương tiện. Trọng khai đã mua GPLX giả nói trên với giá hơn 4 triệu đồng, sử dụng được thời gian ngắn thì gây ra vụ tai nạn. Mới đây, TAND H. Chư Păh đã xét xử, tuyên phạt bị cáo Cao Đại Trọng 8 năm tù về tội "Vi phạm về điều khiển giao thông đường bộ". Bên cạnh đó, tòa tuyên buộc bị cáo phải bồi thường cho các bị hại hơn 800 triệu đồng, mỗi tháng phải chu cấp 2,8 triệu đồng cho 4 cháu nhỏ (con của các nạn nhân tử vong trong vụ TNGT) đến 18 tuổi.
Mới đây nhất, vào đầu tháng 7-2016, lực lượng CSGT CATP Pleiku phát hiện một thanh niên trú tại TP Pleiku điều khiển xe máy hiệu Exciter BKS 92L1-083.62 vi phạm Luật GTĐB nên tiến hành kiểm tra. Qua tra cứu, cơ quan CA phát hiện người điều khiển xe máy trên sử dụng GPLX giả, các giấy tờ liên quan đến chiếc xe cũng làm giả. Vụ việc đang được Cơ quan CSĐT CATP Pleiku điều tra, xử lý.
Có thể thấy, việc người dân vẫn chưa chấp hành nghiêm việc sử dụng GPLX đúng quy định hiện hành bởi ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân còn thấp, chưa nhận thấy những hiểm họa đang rình rập chính mình và cho những người xung quanh khi ngồi sau tay lái.
Minh Tân