Xung quanh thông tin lãnh đạo Cty CP Đầu tư tài chính Hà Nội Vàng (HGI) bị bắt về hành vi kinh doanh trái phép.

HGI chi nhánh Đà Nẵng lừa tiền khách hàng, nợ tiền thuê nhà

Thứ năm, 15/01/2015 09:36

(Cadn.com.vn) - Sau khi Công an TP Hà Nội tiến hành tạm giữ 16 người của Cty HGI để điều tra làm rõ hành vi “Kinh doanh trái phép”, lừa nhà đầu tư 270 tỷ đồng thông qua hình thức góp vốn kinh doanh, ngày 12-1, đại diện Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao, CATP Hà Nội phối hợp với Phòng cảnh sát Kinh tế CATP Đà Nẵng tiến hành khám xét văn phòng HGI tại Đà Nẵng và di lý bà Phan Thị Mỹ Linh (1982), Giám đốc Chi nhánh HGI Cty tại Đà Nẵng và ông Phạm Hoàng Quốc Bảo, Kế toán trưởng ra Hà Nội để phục vụ công tác điều tra. 

HƠN 500 KHÁCH HÀNG BỊ LỪA, NỢ TIỀN THUÊ NHÀ HƠN 1 TỶ ĐỒNG

Sáng 14-1 chúng tôi có mặt tại văn phòng Cty HGI tại tòa nhà dầu khí PVFC trên đường 30-4, nơi đây ngổn ngang tài liệu giấy tờ, chỉ duy nhất 1 nhân viên thu ngân Nguyễn Anh Khoa có nhiệm vụ khóa cửa văn phòng. Anh Khoa cho biết, trong những ngày đầu năm 2015 nhiều nhà đầu tư đã góp vốn liên tục đến văn phòng Cty xin rút tiền gốc lẫn lãi nhưng Cty không có tiền, đại diện Cty khất và hứa hẹn nhiều lần, nhiều nhà đầu tư lo lắng, thậm chí bực tức đập phá tài sản… Cũng theo anh Khoa, Cty HGI có 70 người làm việc thường xuyên tại văn phòng Đà Nẵng, còn lại số lượng công tác viên (trading) hàng trăm người thỉnh thoảng lui tới. 

Khi làm việc với chúng tôi về việc HGI thuê nguyên tầng 6 của tòa nhà PVFC miền Trung, bà Hồ Thị Như Thương, Phó Ban quản lý tòa nhà cho biết, Cty HGI ký hợp đồng thuê nguyên tầng 6 từ tháng 7-2013, tuy nhiên đến khi Cty HGI bị điều tra còn 6 tháng chưa thanh toán tiền thuê cho BQL tòa nhà. Khi được hỏi giá cả cho thuê mỗi tháng bao nhiêu bà Thương không tiết lộ, nhưng theo anh Khoa nhân viên bộ phận thu ngân của HGI thì mỗi tháng tiền thuê mặt bằng hơn 200 triệu đồng. Như vậy, chỉ tính riêng tiền thuê PVFC cũng đã nợ hơn 1,2 tỷ đồng.

Theo Thượng tá Đặng Hoàng Quang, Đội trưởng Đội 3, Phòng cảnh sát Kinh tế, CATP Đà Nẵng, ngày 12-1, Phòng cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao, CATP Hà Nội cử 3 cán bộ điều tra vào làm việc với PC46 CATP Đà Nẵng đề nghị phối hợp để tiến hành triệu tập bà Phan Thị Mỹ Linh, Giám đốc chi nhánh  và ông Phạm Hoàng Quốc Bảo, Kế toán trưởng Cty Chi nhánh Đà Nẵng và khám xét trụ sở làm việc Chi nhánh Đà Nẵng.

Hiện tại cơ quan điều tra đã thu giữ 5 ổ cứng máy tính chứa dữ liệu nội bộ và một số tài liệu khác. CA Hà Nội đã di lý bà Linh và ông Bảo cùng các tài liệu liên quan ra Hà Nội để phục vụ công tác điều tra. Cũng theo Thượng tá Đặng Hoàng Quang, tại Đà Nẵng, qua kiểm tra ban đầu xác định có 61 khách hàng ủy thác đầu tư 14,3 tỷ đồng và hơn 500 nhà đầu tư kinh doanh vàng tài khoản số tiền 15,7 tỷ đồng.

Một trong số các nhà đầu tư tại HGI Đà Nẵng, anh V. (trú Q. Hải Châu) cho biết, cách đây hơn 3 tháng theo lời giới thiệu rất hấp dẫn với lãi “khủng” anh đã đổ vào HGI hơn gần 1 tỷ đồng để đầu tư. Sau hơn 3 tháng chơi vàng, anh chưa kịp rút tiền thì nhận được thông tin lãnh đạo HGI bị bắt tài khoản nay đã bị niêm phong. Anh V. lo lắng cho rằng nhiều khả năng sẽ không thu hồi được.

Tương tự đối với chị Lê Thị M. (P. Mỹ An, Q. Ngũ Hành Sơn) cho biết, từ cuối tháng 3-2014 đến nay, được lời giới thiệu của bạn bè chị đã đầu tư vào HGI 35 triệu đồng với lãi suất mà HGI huy động lên đến 24%/năm (cao gấp 3 lần lãi suất tiền gửi ngân hàng cùng thời điểm) để đầu tư vào thị trường vàng. Trong 7 tháng đầu HGI đều trả lãi đầy đủ nhưng hơn 3 tháng nay HGI không có tiền trả mà cứ hẹn lần này qua lần khác với lý do nguồn tiền HGI đầu tư dài hạn nên chưa về tài khoản.

Khi chúng tôi hỏi vì sao tham gia đầu tư vàng tài khoản dù hoạt động này bị cấm, chị M. cho hay bị đội ngũ tư vấn viên HGI lôi kéo. “Biết tôi mới ra trường chưa có việc làm, một tư vấn viên của HGI liên tục rủ rê tham gia đầu tư vàng. Họ cho tôi xem lịch sử giao dịch của một số người với số tiền thắng hàng chục ngàn USD rồi mở tài khoản cho chơi thử vài lần. Ban đầu cũng kiếm được một ít tiền nhưng không rút được mà HGI yêu cầu để lại tài khoản chơi tiếp. Ai dè đến nay mất cả chì lẫn chài”, chị M. chia sẻ. Cũng hình thức tương tự, có khách hàng cũng bị HGI lừa gần 300 triệu đồng.

Văn phòng HGI tại Đà Nẵng được trang trí rất bề thế để “câu” khách hàng. Nhưng sáng ngày 14-1 hồ sơ giấy tờ được vứt khắp nơi.

KINH DOANH KHÔNG PHÉP

Theo giấy phép kinh doanh của Chi nhánh HGI được cấp phép hoạt động lần 1 ngày 26-6-2012 và đến cuối năm 2013 Cty này đã làm thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh đến 3 lần (lần thứ 3 ngày 9-12-2013) với 18 mã ngành nghề kinh doanh chủ yếu như: tổ chức giới thiệu, xúc tiến thương mại; bán phụ tùng và các bộ phận phụ trợ ô-tô; buôn bán tơ, sợi. cao su; buôn bán vật liệu, thiết bị lắp đặt xây dựng, kim loại; buôn bán máy vi tính, phần mềm, linh kiện điện tử viễn thông; buôn bán đồ dùng cho gia đình; xuất nhập khẩu; đại lý mua bán, ký gửi hàng hóa; kinh doanh kim loại... Tuy nhiên, không có ngành nghề kinh doanh ngoại hối thông qua sàn giao dịch vàng.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Nguyệt, Phó Phòng Đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng việc Chi nhánh Cty HGI kinh doanh ngoại hối, đầu tư tài chính là hoàn toàn trái phép, không nằm trong giấy phép của Sở cấp và ngành nghề kinh doanh ngoại hối và đầu tư tài chính là những ngành nghề kinh doanh có điều kiện phải xin phép Ngân hàng Nhà nước. Vấn đề này được ông Võ Minh, Giám đốc NHNN Chi nhánh Đà Nẵng cho rằng, hoạt động kinh doanh ngoại hối như trường hợp của HGI là hoàn toàn trái pháp luật, việc kinh doanh ngoại hối chỉ có các tổ chức tín dụng và ngân hàng được cấp phép. Do đó, HGI đã hoạt động “chui” trong lĩnh vực kinh doanh sàn vàng.

Xuân Đương